“Gỡ rối” cho giáo dục nghề nghiệp - Cần tìm ra mô hình quản lý thích hợp

“Gỡ rối” cho giáo dục nghề nghiệp - Cần tìm ra mô hình quản lý thích hợp

Làm thế nào để thu hút học sinh học nghề, giải quyết sự chồng chéo trong quản lý, nâng cao chất lượng cho giáo dục nghề nghiệp… là những vấn đề phóng viên Báo SGGP đã đặt ra trong cuộc phỏng vấn với TS Hoàng Ngọc Vinh (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT.

TS Hoàng Ngọc Vinh

TS Hoàng Ngọc Vinh

- Phóng viên: Theo phản ánh của nhiều trường trung cấp hiện nay, việc Bộ GD-ĐT cho phép nhiều trường đại học tuyển sinh, đào tạo trung cấp chuyên nghiệp đã ảnh hưởng đến sự “sống còn” của các trường , ông nghĩ sao về điều này thưa ông?

TS HOÀNG NGỌC VINH: Cả nước có khoảng gần 600 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) với quy mô trên 650.000 học sinh, trong số đó có trên 280 trường TCCN còn lại là các trường CĐ và ĐH tham gia đào tạo. Việc “sống còn” của các trường TCCN tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như chính sách đầu tư phát triển, sự năng động của hệ thống các trường TCCN đặt trong mối quan hệ với các cơ sở dạy nghề và giáo dục đại học, việc làm sẵn có trên thị trường… trong đó tuyển sinh chỉ là một yếu tố. Trong điều kiện cạnh tranh nguồn tuyển gắt gao, các trường TCCN cần nhận thức được việc nâng chất lượng đào tạo là điều kiện tiên quyết cho sự sống còn và phát triển một cách bền vững. Bên cạnh những trường TCCN gặp khó khăn trong tuyển sinh, thì nhiều trường tuyển sinh rất tốt và đề nghị bộ tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong hơn 2 năm qua, theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bộ đã có chủ trương cắt giảm mỗi năm từ 15%-20% chỉ tiêu tuyển sinh TCCN của các trường ĐH vốn không có truyền thống đào tạo TCCN, chủ trương này sẽ tiếp tục thực hiện trong những năm tới. Bên cạnh đó, bộ vẫn khuyến khích tất cả các cơ sở đào tạo ĐH mở ngành đào tạo mới, tuyển sinh mà các trường TCCN trên địa bàn không có khả năng đào tạo nhằm tạo nhiều cơ hội cho người dân được học, tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực của trường ĐH và đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

- Với yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế của cả nước nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề là rất cao, hiện nay đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề có đáp ứng được yêu cầu đào tạo ở các trường không, thưa ông?

Đầu tư của nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp khá lớn và có thể xem là sự quá tải đối với ngân sách dành cho giáo dục. Bên cạnh việc đầu tư cho chi thường xuyên mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng, có nhiều chương trình dự án khác thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho phụ nữ, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên… Tổng ngân sách chi thường xuyên mỗi năm cho lĩnh vực dạy nghề (do Bộ LĐTB-XH quản lý) của cả nước khoảng 7.000 tỷ đồng, chưa kể khoảng 1.000 tỷ đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia dành cho dạy nghề.

Đối với TCCN, ngân sách hàng năm khoảng 3.000 tỷ đồng và không có chương trình mục tiêu đang là những thách thức rất lớn để đảm bảo chất lượng đào tạo trong khi quy mô tăng khá lớn lên đến trên 650.000 học sinh, trên 18.000 giáo viên. Với mức chi này cũng chỉ đảm bảo được cho các trường hoạt động ở mức tối thiểu. Chi phí cho giáo dục TCCN ở những ngành kỹ thuật, công nghệ khá cao, trong khi điều kiện ngân sách từ nhà nước không đủ, đòi hỏi các trường TCCN phải tích cực huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nhà trường.

Tôi cho rằng trong tương lai, phải làm tốt hơn nữa chất lượng giáo dục phổ thông, tạo đầu vào tốt cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, còn dạy nghề cần gắn rất chặt với nhu cầu doanh nghiệp, giảm bớt sự trông chờ vào ngân sách eo hẹp của Nhà nước, cần khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư vốn để mở các cơ sở đào tạo nghề cho chính mình. Khi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư đào tạo nhân lực cho chính mình chắc chắn sẽ hiệu quả hơn so với hiện nay.

- Việc quản lý chồng chéo, thiếu nhất quán đã làm cho giáo dục nghề nghiệp khó phát triển và hội nhập, không ai hết chính các trường và người học phải chịu “nạn”, ông nghĩ sao về điều này?

Việc tách dạy nghề ra khỏi khối giáo dục nghề nghiệp thành hai mảng riêng biệt đã tạo ra nhiều bất hợp lý như nhiều địa phương cũng như dư luận đã nêu. Sự bất cập thể hiện ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp, trường trung cấp nghề, TCCN, cao đẳng nghề…) có nhiều đầu mối quản lý. Nhiều việc làm của 2 bộä chồng chéo nhau, đầu tư trở nên phân tán, khó tập trung vào đầu tư cho chất lượng giáo dục, không phân biệt rõ ràng giữa trình độ dạy nghề và TCCN, CĐ nghề làm cho mất đi tính hội nhập. Tính hội nhập đòi hỏi phải thống nhất các chuẩn mực về trình độ để nhà đầu tư biết được nguồn nhân lực tương đối rõ ràng, qua đó công nhận văn bằng giữa các quốc gia, căn cứ trả lương người lao động, xuất khẩu lao động… Sự chồng chéo còn gây khó khăn cho việc quy hoạch nhân lực và tiếp theo đó là quy hoạch mạng lưới GD-ĐT trên bình diện quốc gia và địa phương, hậu quả là việc chuẩn bị nguồn lực tài chính và đội ngũ giáo viên cho sự phát triển giáo dục nghề nghiệp sẽ khó hiệu quả.

- Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để “gỡ rối” cho giáo dục nghề nghiệp?

Về việc quản lý chồng chéo như đã nêu trên cần có những nghiên cứu khách quan đánh giá một cách khoa học những mặt được, chưa được, nguyên nhân và phải xem xét kinh nghiệm của các nước phát triển để làm cho giáo dục nghề nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước cần tìm ra những mô hình quản lý thích hợp, đáp ứng với mục tiêu phát triển, sự đổi mới là cần thiết.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, có đến 80% trong tổng số nhân lực đều được đào tạo từ hệ thống giáo dục kỹ thuật - nghề nghiệp. Điều này cho thấy giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng trong hệ thống đào tạo nhân lực và có thể xem đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là bước đột phá để đào tạo nhân lực chất lượng cao và hiệu quả cao trong giai đoạn sắp tới.

- Xin cảm ơn ông.

Lê Linh

Tin cùng chuyên mục