Góc chiến thuật

* Chuyên gia Nguyễn Hồng Sơn: Khôn ngoan như người Italia

* Chuyên gia Nguyễn Hồng Sơn: Khôn ngoan như người Italia

Trước trận đấu giữa Italia với Tây Ban Nha, ngay cả những người yêu bóng đội tuyển màu áo thiên thanh cũng không thể nghĩ tới chuyện đội bóng này sẽ giành chiến thắng đầy thuyết phục và đẹp mắt đến như thế trước đối thủ nhiều duyên nợ như Tây Ban Nha.

Rõ ràng, Italia đã chuẩn bị cho trận đấu gặp Tây Ban Nha rất kỹ. Ngoài việc xây dựng lối chơi (chiến thuật chống chiến thuật) thì điều quan trọng đã được thể hiện ngay từ đầu trận đấu là tinh thần quyết tử, trạng thái tâm lý sung mãn cho cuộc quyết chiến hiện diện ở từng cầu thủ. Hãy nhìn thái độ của từng cầu thủ Italia khi chào cờ, hát quốc ca bằng chất giọng hùng tráng cho đến lúc nhập cuộc, chơi mạnh mẽ và dũng cảm đã khẳng định họ đang cùng chung một ý chí và lòng tự hào dân tộc. Chiến thắng đã được xây nên từ những chất liệu tuyệt vời như thế.

Italia đã khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ít người hình dung thầy trò ông Antonio Conte chơi thiếu thuyết phục ở vòng bảng lại “lột xác” đáng kinh ngạc trước nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha. Họ nhập cuộc quá nhanh nhưng đầy chặt chẽ. Italia bỏ lối chơi truyền thống phòng ngự-phản công đơn thuần và đẩy sang kiểu đá Gegen-pressing toàn sân (phản công tổng lực), tức là rất chịu khó tranh cướp bóng để ngay lập tức phát động tấn công sau đó.

Muốn phát huy có hiệu quả lối chơi Gegen-pressing, các cầu thủ Italia phải sở hữu nền tảng thể lực sung mãn, duy trì cự ly đội hình hợp lý và khi mất quyền kiểm soát bóng họ phải nỗ lực hết mình để bằng mọi giá để đoạt lại và phản kích đối phương. Chính lối chơi này đã làm phá sản phong cách Tiki-taka huyền thoại của Tây Ban Nha. Và cũng chính lối chơi này đã khiến nhà ĐKVĐ trình diễn rời rạc, thiếu điểm nhấn, đánh mất người cầm trịch trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Iniesta và David Silva đã không thể tạo nên sự đột biến trong tấn công, dẫn tới sự bế tắc của cả tập thể.

Chưa hết, sự lỏng lẻo của hàng phòng ngự Tây Ban Nha đã tạo lợi thế rất lớn cho các cầu thủ Italia tạo được rất nhiều tình huống ghi bàn trong trận đấu, đặc biệt là ở hiệp 1. Nếu may mắn hơn, tỷ số chung cuộc có lẽ đã không dừng lại ở con số 2-0.

Italia thắng một cách hoàn hảo trước Tây Ban Nha trong trận đấu mà họ bị đánh giá thấp hơn đối phương khá nhiều. Bài học này, nếu như là đội bóng khác, đã không thể “lên lớp” cho thầy trò ông Del Bosque được. Ngoài Italia, chắc chỉ có thêm đội tuyển Đức đủ sức làm được điều tương tự.

Chân trời đang rộng mở đối với đội bóng khoác áo màu thiên thanh, nhưng chặng đường phía trước còn lắm chông gai, vì tứ kết họ đụng “bức tường” Đức, hoặc nếu may mắn vào bán kết thì chủ nhà Pháp cũng đã đợi sẵn. Song, biết đâu chừng sự khôn ngoan của người Italia sẽ lại thành công.

THANH LÂM (ghi)

* Chuyên gia Trần Minh Chiến: Tiếp chứ, ngựa ô?

Đối với Ba Lan, Xứ Wales và Iceland thì việc lọt vào đến tứ kết đã là bất ngờ ngoài mong đợi rồi. Từ niềm vui khi góp mặt ở VCK Euro, rồi tiến xa hơn là vòng 1/8, nay lại đang đứng ở ngưỡng cửa để làm nên lịch sử là vào tiếp vòng tứ kết – liệu ai trong số họ đi tiếp giấc mơ trên?

Ba Lan là đội có nhiều hy vọng để tiếp tục hành trình “Ngựa ô” của họ tại Euro 2016

Có nhiều anh em hỏi tôi là trong những đội trên, tôi ấn tượng đội nào nhất? Thật sự thì tôi ấn tượng với tất cả 3 đội trên qua sự chiến đấu kiên cường của họ, nhất ở ở vòng 1/8 mới đây. Khởi đầu là việc “Đại bàng trắng” Ba Lan không suy sụp tinh thần khi bị Thụy Sỹ gỡ hòa để thắng chung cuộc ở loạt sút luân lưu 11m. Tôi nghĩ là với lịch thi đấu của vòng tứ kết thì Ba Lan mới là đội có nhiều hy vọng để tiếp tục hành trình “ngựa ô” của họ tại Euro 2016.

Cách chinh phục người hâm mộ của Xứ Wales và Iceland khác nhau. Nếu như Xứ Wales cứ “tà tà” sau khi vượt qua “người anh em” Bắc Ailen thì Iceland thực sự gây sốc khi vượt qua đàn anh là đội tuyển Anh. Có lẽ với nhiều người hâm mộ, khi được hỏi những cái tên nào ấn tượng ở 2 đội tuyển này, tôi nghĩ họ chỉ nêu được một vài cái tên mà thôi. Cả Xứ Wales lẫn Bắc Ailen (và cả Ba Lan) đều tiến vào đến vòng này tôi nghĩ tựu trung ở hai chữ: hay và may! Họ hay qua sự lăn xả, thi đấu bằng 100% sức lực, tinh thần ngay từ trận đầu tiên; và may là những đối thủ có họ đánh giá thấp, để rồi khi bị thất thì, tỉnh ra thì đã quá muộn.

Tiếp chứ, những chú “ngựa ô”? Không còn những cặp đấu “kinh điển” ở vòng 1/8 kiểu như Tây Ban Nha – Ý hay Bồ Đào Nha – Croatia. Vòng tứ kết sẽ là cuộc đối đầu giữa những trường phái đối lập trong lối chơi và tôi nghĩ sẽ không còn khái niệm đội mạnh-yếu ở vòng này nữa.

Quốc Cường (ghi)

Tin cùng chuyên mục