Chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Đảng và Nhà nước đang được cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước dành sự quan tâm đặc biệt. Đông đảo cử tri mong đợi quá trình đổi mới để bản Hiến pháp sửa đổi lần này như luồng gió mới hội tụ sức mạnh dân tộc thời đại, thúc đẩy đất nước trên con đường hội nhập phát triển.
Cần tập trung làm rõ thêm về những nội dung của Hiến pháp liên quan đến vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (được ghi trong Điều 4 của Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp năm 1992) để tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Trên cơ sở định hướng này, bản dự thảo đã thiết kế có những nội dung đổi mới thể hiện rõ bản chất mối quan hệ của Đảng với nhân dân, lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân, bổ sung thêm bên cạnh tổ chức của Đảng, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thời gian qua, cán bộ đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm đến sinh hoạt của Đảng, Quốc hội. Có thể nói chưa bao giờ nhân dân quan tâm đến Đảng ta như ngày nay. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật cho thấy, sau mấy chục năm từ khi thống nhất đất nước đến nay chưa bao giờ Đảng ta đứng trước những khó khăn, thách thức như thế. Ở một khía cạnh khác, cũng chưa bao giờ các thế lực thù địch lại có các cách thức, tần suất, phương tiện tấn công hết sức nguy hiểm vào sự lãnh đạo của Đảng như hiện nay.
Tình hình đó có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chưa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng một cách đúng đắn, vì vậy mới có các vụ việc đổ vỡ, vi phạm của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại; các khu đô thị bỏ hoang; vấn đề khiếu kiện đất đai, các tiêu cực tham nhũng nghiêm trọng chưa được đẩy lùi. Tất cả hệ lụy đó đều do thiếu văn bản hệ thống pháp luật và chế độ pháp lý cho hoạt động của Đảng, các tổ chức Đảng và đảng viên.
Các tổ chức của Đảng và cán bộ đảng viên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng trên cơ sở điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên nhưng lãnh đạo như thế nào, trách nhiệm trước nhân dân và pháp luật ra sao vẫn chưa rõ. Tôi xin nêu ví dụ, người đứng đầu các cơ quan chính quyền bao giờ cũng quản lý điều hành theo pháp luật và theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy sở tại. Phần lớn công việc quan trọng đều có chủ trương của cấp ủy, nếu có sai lầm thì rất khó truy cứu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu phía nhà nước, bởi đồng chí ấy phải chấp hành sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Đó là chưa nói đến thực tế, có nhiều trường hợp nhân danh tổ chức Đảng, nhân danh Đảng vì những động cơ cá nhân nhằm trục lợi.
Từ những suy nghĩ trên, tôi đề nghị việc sửa đổi Hiến pháp phải quy định rõ các chế định pháp lý về Đảng Cộng sản Việt Nam và rất cần thiết phải nghiên cứu để xây dựng một số điều quy định về bản chất của Đảng, nội dung, phương thức lãnh đạo, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của Đảng, của tổ chức Đảng, đảng viên trước đất nước, trước nhân dân và trước pháp luật.
Đảng ta lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn của lịch sử và khẳng định tính chính danh không bàn cãi. Do vậy, nếu quy định rõ ràng về Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp một cách công khai, minh bạch thì không có gì phải ngại ngần như khi ta quy định Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Đảng chủ trì, hay vai trò của Ủy ban Kiểm tra Đảng trong Luật Phòng, chống tham nhũng.
Quy định rõ và đầy đủ về Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp sửa đổi là nhằm làm rõ, khẳng định hơn về vị thế, vị trí của Đảng ta. Mặt khác, đó cũng là công cụ pháp lý cực kỳ quan trọng ngăn chặn sự suy thoái, tự diễn biến của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, không để tổ chức, cá nhân nào đứng lên trên, đứng ra ngoài Hiến pháp, pháp luật.
Lê Nam (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)
L.Nguyên ghi