Gương mặt đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014

Gương mặt đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014

Cô VÕ THỊ NGỌC QUÝ (nguyên giáo viên môn Địa lý Trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4 TPHCM): Truyền cảm hứng để học sinh thêm yêu môn học

Đó là những chia sẻ của cô Võ Thị Ngọc Quý, nguyên giáo viên môn Địa lý Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4 TPHCM) người đã có 32 năm gắn bó với bục giảng.

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM từ năm 1982, như bao bạn bè cùng khóa, cô Quý chọn Hố Nai (Đồng Nai) làm nơi khởi nghiệp nghề giáo của mình. Sau đó 3 năm, cô chuyển về TPHCM công tác tại Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4 TPHCM). Cô kể: “Lúc ấy khu vực này còn rất phức tạp nên gia đình đã khuyên ngăn nên chọn ngành khác để làm. Nhưng mình bỏ ngoài tai, bởi mình nghĩ dù ở đâu, một nhà giáo cần phải làm tốt là đào tạo cho học trò đầy đủ kiến thức và đạo nghĩa”.

“Theo dạy bộ môn Địa lý ngần ấy thời gian, có bao giờ cô thấy buồn vì nhiều người vẫn xem là môn phụ hay không?”, chúng tôi thắc mắc hỏi vậy. Thế nhưng cô Quý cho rằng môn nào cũng có những cái hay khác nhau, nếu học sinh thích học thì các em sẽ cảm thấy hay. “Lên lớp, mình thường cho học sinh vừa nghe giảng, vừa xem phim có nội dung liên quan. Những buổi dạy ấy, học sinh vừa xem vừa phân tích, bình xét nội dung của đoạn phim rất sôi nổi. Khi các em thích thú nghĩa là mình đã nâng giá trị của bộ môn lên. Với cách đó, học trò sẽ thấy thích học môn Địa lý hơn chứ không đơn thuần chỉ là môn phải học thuộc lòng. Vấn đề chính là ở bản thân của giáo viên, nếu chính bản thân mình cũng nhìn nhận rằng môn học này chán thì làm sao truyền cảm hứng và sự thích thú cho học sinh”.

Dù ở tuổi không còn trẻ nhưng cô vẫn đoạt nhiều giải thiết kế giáo án điện tử. Theo cô Quý, hơn 10 năm trước, khi khái niệm giáo án điện tử chưa xuất hiện, cô đã tìm băng cassette có nội dung về hiện tượng địa lý để cho học trò nghe, lúc ấy chưa có hình ảnh kèm theo. Sau này, khi có giáo án điện tử, cô mới bắt đầu mua máy vi tính và nhờ nhân viên hướng dẫn sử dụng powerpoint, word sau đó đi scan những hình ảnh trên sách giáo khoa. Thế là từ đó, những thông tin hay liên quan đến kiến thức địa lý được cô lưu giữ để hỗ trợ cho bài giảng trên lớp. Không dừng lại, khi tiếp cận được với Internet, cô Quý thỏa sức thu thập những tư liệu từ đây để phục vụ học trò.

“Giáo viên phải tạo cảm hứng cho học sinh. Đó có thể qua những câu chuyện mình kể, lồng vào đó là kiến thức liên quan đến bài học. Muốn các em phát biểu thì người thầy phải hỏi những câu trong sách giáo khoa trước để các em dựa vào đó trả lời và tự ghi bài, sau đó hỏi thêm kiến thức thực tế bên ngoài thì các em sẽ lắng nghe. Những câu chuyện thực tế sau những chuyến du lịch cũng được mình mang vào bài giảng, khiến bài học sinh động hơn, gần gũi với các em hơn”, cô Quý tâm sự. Nhờ phương pháp truyền cảm hứng như vậy, hơn 30 năm trên bục giảng, năm nào học trò của cô cũng đạt giải thưởng Địa lý cấp thành, bản thân cô cũng là giáo viên dạy giỏi 5 năm liên tục từ 2003 - 2008.

“Nhiều lúc giận học trò, la mắng các em nhưng sau đó mình cũng quên mất. Nếu nhiệt tâm với học trò thì các em sẽ thương yêu mình”, cô Quý bộc bạch. Và cũng chính điều đó đã giúp cô luôn gắn bó với học trò suốt ngần ấy năm. Càng vui hơn, sau khi hướng dẫn cho học trò thi học sinh giỏi, nhiều em cũng quyết tâm theo học chuyên ngành địa lý của cô giáo. Cô bảo rằng, như vậy là mình cũng “chiêu dụ” được nhiều em đi theo nghề. Bao thế hệ học trò thành đạt sau đó vẫn luôn nhớ về cô và thỉnh thoảng đến thăm lại cô giáo cũ nhân ngày 20-11.

HÂN NGUYỄN

Thầy NGUYỄN ĐỨC TRUNG (giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TPHCM):  Không ngừng sáng tạo vì học trò

“Học sinh sẽ tiếp thu tốt nếu bài học không nhàm chán, vì vậy người thầy phải không ngừng sáng tạo”, đó là kinh nghiệm được thầy Nguyễn Đức Trung (giáo viên môn Sinh, Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TPHCM) đúc kết trong 30 năm đứng lớp.

Nối tiếp truyền thống gia đình, chàng trai Nguyễn Đức Trung ngày ấy chọn con đường sư phạm như một lẽ tất yếu bởi nghề giáo đã ngấm vào máu của Trung ngay từ nhỏ. Vì vậy suốt 30 năm đứng trên bục giảng, thầy Trung chưa bao giờ thấy “chán” với nghề.

Nhớ lại khoảng thời gian thay đổi cách dạy để nâng cao chất lượng học của học sinh, thầy chia sẻ: “Đó là những ngày đầu quận Tân Phú tách ra khỏi quận Tân Bình, khi đó Tân Phú còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, cả quận không có học sinh nào đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi. Nhìn học trò không có động lực phấn đấu, không có gương điển hình để thi đua, tôi quyết tâm tìm cách giảng dạy mới để học sinh tiếp thu bài học hiệu quả hơn”.

Nhờ những năm tháng được Phòng Giáo dục quận Tân Phú tin tưởng cử đi dự giờ và đóng góp ý kiến cho nhiều giáo viên khác trong quận mà thầy Trung đúc kết được thêm kinh nghiệm, nung nấu ý tưởng viết các bài giảng có sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin.

Năm 2003, khi ấy công nghệ thông tin mới được đưa vào trường học, mỗi trường chỉ có 1 phòng để học sinh làm quen với máy vi tính. Nhận thấy sự tiện lợi của công nghệ và phương tiện này có sức hút đặc biệt đối với học trò, vậy nên thầy mày mò tìm hiểu về công nghệ thông tin và xây dựng bài giảng có ứng dụng công nghệ vào để nâng cao chất lượng bài học, giúp học sinh ham học hơn. Đến nay, thầy Trung đã xây dựng thành công nhiều sáng kiến đạt hiệu quả, được phòng giáo dục bảo lưu, như: vận dụng sơ đồ động, ứng dụng công nghệ thông tin tạo ô chữ sinh học, tích hợp công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Sinh học, xử lý ảnh chụp làm tư liệu dạy học… Nhờ vậy các em có những buổi học sinh động, dễ hiểu, luôn mới mẻ và cuốn hút. Kết quả, sau 10 năm ứng dụng các bài giảng điện tử vào giảng dạy, học sinh của thầy đã đoạt những giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Tính từ năm 2004 đến nay, trong số học trò của thầy có 161 học sinh giỏi môn Sinh học cấp thành phố, riêng năm 2013, có học sinh đoạt giải nhất thành phố.

Bản thân thầy cũng dành được nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục, như: 14 năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở; 2 năm là Chiến sĩ thi đua thành phố; được nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; được khen tặng Huy hiệu thành phố và được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen thiết kế bài giảng điện tử E-Learning. Ngoài ra, thầy còn là một giáo viên năng nổ trong phong trào của trường, nhiều năm giữ chức vụ Chủ tịch công đoàn cơ sở, chỉ đạo các hoạt động của công đoàn đạt nhiều hiệu quả, được đồng nghiệp và học trò tin yêu.

THU HƯỜNG

Cô PHAN NGỌC HÂN (giáo viên Trường Mầm non Thủy Tiên 1, huyện Bình Chánh, TPHCM): Lắng nghe cảm xúc của trẻ

Trong đôi mắt ngây thơ của Ngọc Hân những ngày đầu chập chững đến trường, cô giáo mầm non là cô tiên hiền từ che chở, dạy dỗ đám học trò nhỏ. Hình ảnh đẹp đó đã hun đúc mơ ước trở thành cô nuôi dạy trẻ của Hân. Và ước mơ thời trẻ thơ đã theo Hân lớn lên từng ngày, là sợi tơ duyên đưa Hân đến với nghiệp nuôi dạy trẻ sau này.

Tốt nghiệp cấp 3, không một phút đắn đo, Hân chọn thi vào trường sư phạm mầm non. Sau 2 năm miệt mài đèn sách trên ghế giảng đường, cô giáo Ngọc Hân được phân công về công tác tại Trường Mầm non Thủy Tiên 1, huyện Bình Chánh. Những ngày đầu đứng lớp, tâm trạng bồi hồi xúc động, môi trường làm việc mới lạ, kinh nghiệm chưa có nhiều nên khi đứng trước những đứa trẻ ngỗ ngược, quậy phá và không nghe lời, cô Hân cảm thấy bất lực và vô cùng thất vọng. “Lúc đó mình tưởng chừng có thể bỏ nghề ngay dù nhiệt huyết vẫn còn hừng hực cháy. Thế nhưng những lúc như vậy, hình ảnh cô tiên hiền từ thời trẻ thơ lại xuất hiện, thậm chí mình tưởng tượng những lời chào lễ phép phát ra từ những đứa trẻ ngỗ ngược sau thời gian được mình dìu dắt để tự động viên bản thân cố gắng. Bên cạnh đó, được phụ huynh cảm thông, động viên và nhận được sự dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm của các chị đồng nghiệp nên mình nhanh chóng lấy lại tinh thần, bắt tay vào những dự án nuôi dạy trẻ nhỏ bằng tình thương và phương pháp học tập mới”, cô Hân chia sẻ.

Khi công việc đã vào guồng cũng là lúc cô Hân đón đứa con đầu lòng. Ở vai trò vừa là phụ huynh, vừa là cô giáo, cô Hân ngày càng hiểu tâm lý trẻ thơ hơn nên đã có nhiều sáng kiến giúp trẻ học tập và rèn luyện nhân cách có hiệu quả. Nhờ vậy, tuy mới vào nghề được 10 năm nhưng cô Hân đã vinh dự được vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp thành phố và là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.

Tâm sự về những sáng kiến của mình, cô Hân cho biết: “Qua mấy năm gắn bó với nghề, lắng nghe cảm xúc của các con, từ đó suy nghĩ, tìm ra phương pháp, chương trình giảng dạy để tụi nhỏ chịu học, chịu rèn luyện”. Đầu tiên là sáng kiến “Tổ chức hoạt động làm quen văn học theo hướng đổi mới cho trẻ 5-6 tuổi” đã thu được kết quả tốt, đây là bước đệm cho hàng loạt những sáng kiến sau này. Không giảng dạy theo lối mòn, cô đọc trước trò đọc sau, rất dễ gây nhàm chán. Theo phương pháp của cô Hân, trẻ sẽ là người chủ động trong học tập, vui chơi, cô là người gợi ý. Với sáng kiến này, cô Hân cho trẻ làm quen với thơ, vè, đồng giao, âm nhạc hay cho trẻ nhập vai vào các nhân vật trong truyện để kể chuyện. Từ đó các em được tự do sáng tạo lời thoại và đưa ra lời kết theo trí tưởng tượng của mình nhưng vẫn hướng về ca ngợi điều thiện và bài trừ điều xấu…

Là một trong số 30 giáo viên tại TPHCM được xét nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014, cô Hân chia sẻ: “Giải thưởng là một động lực rất lớn để tôi cũng như các giáo viên khác phấn đấu hơn nữa trong công tác giảng dạy của mình. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, đây còn là thành quả và sự giúp đỡ, động viên của cô Hiệu trưởng Võ Thị Thanh Tâm và chị em đồng nghiệp trong Trường Mầm non Thủy Tiên 1. Hy vọng rằng, giải thưởng sẽ luôn đồng hành cùng nghề giáo của tôi trong nhiều năm tới”.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục