* Cô NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆP, Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2): Khát khao đổi mới
Tốt nghiệp khoa Sư phạm, Trường Đại học Quy Nhơn, về Quảng Ngãi công tác giảng dạy hơn 3 năm thì cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp xin chuyển vào TPHCM làm giáo viên dạy môn Văn tại Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2). Trong một môi trường mới đầy năng động, bắt buộc người giáo viên phải thay đổi. Học hỏi thêm ở đồng nghiệp hàng ngày, cô đã có những sáng tạo trong giảng dạy, biến môn Văn trở thành tiết học sinh động, lôi cuốn biết bao nhiêu thế hệ học trò.
Theo cô Diệp, đổi mới cách dạy luôn là nhu cầu thiết yếu của mỗi giáo viên, vì nếu không đổi mới thì rất khó “bắt nhịp với thời cuộc”. Chia sẻ bí quyết dạy học tại trường, cô Diệp cho biết tuy học sinh đã có sách giáo khoa nhưng cô cùng với các thành viên trong tổ Văn đã đề xuất và viết ra bộ tài liệu học tập mới. Tuy là những kiến thức cơ bản nhưng đã thay đổi phương pháp dạy học từ trước đến nay, đưa học sinh vào vị trí trung tâm. Giáo viên chỉ hướng dẫn, còn học sinh hoàn toàn làm chủ giờ học của mình.
Cụ thể, công việc mà giáo viên bộ môn Văn Trường THPT Giồng Ông Tố thực hiện là chia lớp ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 4 - 5 em. Các nhóm sẽ được bốc thăm theo thứ tự. Tuy nhiên, mỗi nhóm chỉ bốc thăm tối đa hai bài, trừ nhóm nào khá thì thêm một bài nữa. Trước khi chấp bút, các nhóm sẽ được giáo viên hướng dẫn “đường đi nước bước” để các nhóm không đi lạc đề. Sau đó, học sinh sẽ lên mạng tìm tài liệu, viết theo suy nghĩ của mình và sau đó là thể hiện tài thuyết giảng của mình trước lớp.
Cô Diệp tâm sự, muốn áp dụng được, giáo viên phải có niềm tin vào học sinh. Niềm tin đó luôn được thể hiện trong từng tiết giảng như phát huy tối đa năng lực học sinh, giao bài cho các em tự thiết kế. Với cách làm đó, tiết học sẽ sinh động hơn, các nhóm tương tác với nhau và tương tác với chính giáo viên trong lớp. “Sôi nổi nhất là khi người dạy và người học đặt ra câu hỏi và tự tìm cách trả lời. Trong khoảng thời gian 10 phút cuối giờ, giáo viên mới chốt lại vấn đề và nâng cao các kiến thức ngoài tài liệu. Học sinh của mình khá thích thú với tiết học, nhất là những em lần đầu tiên được làm chủ bục giảng, vượt ra khỏi sự nhồi nhét kiến thức một cách nặng nề”, cô Diệp chia sẻ.
Cũng theo cô Diệp, trước đây, mỗi phương pháp dạy thường có thể áp dụng từ 5 - 6 năm. Nhưng nay thì khác, tâm lý các em thay đổi, chương trình khung thay đổi, nên phương pháp dạy của thầy cô cũng thay đổi theo mới mong tạo hiệu quả cho học sinh. Chính vì điều này, bên cạnh phương pháp chia nhóm thuyết trình, cô Diệp đã đề xuất áp dụng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy. Cách làm mới cũng nhanh chóng được các em nắm bắt và tạo sự hứng thú.
Với những đóng góp của mình, trong nhiều năm liền, cô đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp ngành và nhiều năm liên tục có học sinh giỏi cấp thành phố môn Văn. Đồng thời, với tác phong giản dị cùng phẩm chất gương mẫu của một nhà giáo, cô cũng nhận được sự tín nhiệm cao của đồng nghiệp, tổ chuyên môn và Hội đồng sư phạm nhà trường.
HÂN NGUYỄN
* Cô LÊ THỊ MINH HƯƠNG, Trường THCS Lữ Gia quận 11: Hết mình với những bài giảng
Ấn tượng khó quên khi gặp cô Lê Thị Minh Hương, giáo viên dạy môn Lý Trường THCS Lữ Gia quận 11 chính là nụ cười tươi luôn hiển hiện trên khuôn mặt, kèm giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp. 32 năm gắn bó với học trò, cô đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên về hình ảnh một nhà giáo tận tụy, hết lòng vì học trò. “Đối với môn Lý, đồ dùng dạy rất quan trọng và để học sinh hứng thú với từng bài giảng, hiểu sâu vấn đề thì khâu chuẩn bị kỹ đồ dùng, thiết bị để làm thí nghiệm rất quan trọng. Khi tìm ra công thức, kết quả đúng sẽ khuyến khích học trò thích khám phá môn học”, cô Minh Hương chia sẻ như thế.
Và để có những tiết dạy hay, hấp dẫn cô thường thức đến khuya, đầu tư làm dụng cụ học tập, chuẩn bị kỹ các thí nghiệm, tìm tòi tư liệu, hình ảnh minh họa thiết thực nhất. Không chỉ ấp ủ nhiều ý tưởng, sáng tạo trong làm đồ dùng dạy học, cô còn nghiên cứu, tổng hợp tư liệu môn Lý lớp 9, làm thành dĩa CD để chia sẻ nguồn dữ liệu cho đồng nghiệp. Nhờ vậy, cô vinh dự đón nhận giải ba Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp TP, năm học 2012 - 2013.
Trong lớp, học sinh có nhiều trình độ và việc tiếp thu bài giảng cũng khác nhau. Vì thế, truyền đạt kiến thức để trò đã giỏi càng giỏi hơn và trò học yếu, tiếp thu bài chậm cũng không chán học, cô luôn chú ý đến học trò, hiểu rõ năng lực của các em để thiết kế bài giảng phù hợp. Để học trò yêu thích môn Lý, cô Hương khuyến khích học sinh tham gia làm dự án và ra bài tập gắn với thực tiễn đời sống, khám phá thế giới xung quanh. Theo cô, việc tổ chức dạy học theo nhóm, dự án tuy tốn nhiều công sức nhưng bù lại cả thầy lẫn trò đều được trải nghiệm thực tế, khám phá nhiều điều thú vị từ cuộc sống.
Hơn nữa, khi được “nhúng” vào thực tiễn sẽ giúp học sinh rèn tư duy độc lập, sáng tạo, còn giáo viên có cơ sở đánh giá đúng năng lực, sở trường của từng em. Khi nhận xét về các thế hệ học trò mà mình đã dạy dỗ, ánh mắt cô rực sáng. Cô nói với niềm tự hào: “Học trò thời nay thông minh, sáng tạo lắm. Chỉ cần hướng dẫn, gợi mở những đề tài, dự án cần làm - ứng dụng kiến thức đã học vào đời sống hàng ngày là các em hào hứng tham gia, tạo ra những sản phẩm hoàn hảo đến không ngờ”. Điển hình là sự góp sức của cô và học trò khi làm dự án “Ứng dụng ánh sáng để thiết kế pano sân khấu bằng đèn LED” đã mang lại thành công và tại Hội thi dạy học theo dự án cấp TP cách đây 3 năm, cô vinh dự nhận giải B.
Không những thế, cô còn giành giải C Hội thi Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học cấp TP. Nhìn vào bảng thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lý cấp quận, cấp TP trong nhiều năm qua của cô Minh Hương thật đáng nể. Chỉ tính trong 4 năm gần đây, cô đã dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi môn Lý của trường, của quận 11 dành 34 giải thưởng nhất, nhì, ba cấp TP. Bên cạnh đó, cô còn đoạt giải Viên phấn vàng và nổi bật với thành tích có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay trong bồi dưỡng học sinh giỏi, sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin… vào giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo. Yêu nghề, yêu học trò, không ngừng nâng cao chuyên môn, kỹ năng sư phạm, cô Lê Thị Minh Hương luôn được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp tin tưởng, trân trọng những cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp “trồng người”.
KHÁNH BÌNH
* Thầy NGUYỄN GIA TỀ, Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận): Lấy tình yêu học trò là động lực
“Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM năm 1977, mình về công tác tại tỉnh Kiên Giang. Ở thành phố còn đỡ, chứ về vùng sông nước, thứ gì cũng thiếu, đến đâu cũng thấy cách trở. Bởi thế, học chữ ở đây là thứ gì đó xa xỉ, lạ lẫm lắm”, thầy Nguyễn Gia Tề, giáo viên Trường THCS Cầu Kiệu nhớ về những ngày đầu dạy học của mình. Thầy kể: “Về dưới quê, đâu có nhà ở tập thể cho giáo viên ở xa. Nên mình ở tạm ngay trong lớp học. Khi các em học sinh về nhà, mình kê lại bàn ghế làm chỗ ngủ. Sáng hôm sau phải dậy thật sớm, trả bàn ghế về nguyên trạng, lấy chỗ cho học sinh. Cũng may, nhờ bà con quý mến, thương yêu, nên có gạo, có mắm, có rau đều san sẻ cho mình. Vả lại, lúc đó mình còn trẻ, cũng xuất phát từ gia đình bần nông, nên cái khó cái khổ cũng quen rồi, toàn tâm, toàn ý chăm chút từng nét chữ cho mấy đứa học trò”.
Công tác tại Kiên Giang gần 15 năm, kinh qua nhiều vị trí, đến 1991, thầy cùng gia đình nhỏ trở về TPHCM, nhận công tác tại Trường THCS Độc Lập được 2 năm, sau đó chuyển về Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) tiếp tục công tác cho đến nay. Ngẫm lại, thầy Tề không quên nhắc lại chuyện tự học của mình. “Dù đã có kinh nghiệm dạy môn Toán hơn 10 năm, nhưng mình không khỏi bất ngờ với môi trường mới. Hơn nữa, mình được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi toán cho trường nên lại càng phải thay đổi với cách dạy, cách học ở đây. Học sinh ở TPHCM năng động, thông minh. Nhiều em có điều kiện tiếp xúc sớm với Internet nên học hỏi được nhiều, đề xuất nhiều cách giải mới lạ, không có trong sách vở. Mình vui vì có những học trò giỏi, nhưng cũng cảm thấy áp lực, bởi muốn cung cấp cho trò nhiều kiến thức mới thì thầy cũng phải tự nạp kiến thức thêm cho bản thân mình”. Thế là, thầy Nguyễn Gia Tề ngày đi dạy, tối đăng ký học thế bổ túc tin học. Vừa giảng dạy, vừa tự học ở nhà. “Ngành nào cũng phải tự học, người làm công tác giáo dục lại càng phải tự học để nâng cao trình độ bản thân. Để lâu kiến thức cũng mai một, lối dạy xói mòi sẽ không thể thu hút được các em học sinh. Muốn dạy tốt, phải tự trao dồi kiến thức”, thầy Tề tâm sự.
Cập nhật được cách dạy nào hay, thầy Tề lại dành thời gian viết ra, đúc kết thành những sáng kiến kinh nghiệm để chia sẻ với đồng nghiệp. Nhiều sáng kiến của thầy như “Một số kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi phân môn Hình học bộ môn Toán”, “Kinh nghiệm giảng dạy phép biến đổi Đại số cho HS giỏi Toán 9”… được các giáo viên khác trong trường đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, thầy Tề không ngừng cái tiến cách dạy, cách học, nên năm nào lớp thầy cũng có nhiều học sinh giỏi cấp quận và cấp thành phố môn Toán. Tỷ lệ học sinh khá - giỏi luôn đạt trên 80%.
Đến nay, biết bao thế hệ học trò giỏi đã thành đạt, nhưng với thầy Tề, dường như vẫn chưa bao giờ là đủ. Bởi với thầy, tình yêu đối với học trò đã ngấm vào máu, vào thịt. “Những ngày đến trường, nhìn tụi nhỏ vác cặp oằn vai mà thấy thương lắm. Tan trường lại thấy nhiều phụ huynh đội mưa nắng chờ con cái. Lúc ấy mình thấy cần phải trách nhiệm với nghề giáo, với học sinh của mình, coi đó là động lực giúp mình gắn bó với nghề giáo”, thầy Tề xúc động.
Gần 40 năm đứng trên bục giảng, cái tuổi nghề cũng xấp xỉ 2/3 tuổi đời và chỉ còn hơn năm học nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng như chính lời thầy tâm sự, rằng thầy không muốn dừng lại, có thể lại tiếp tục chọn một trường tư thục nào đó để tiếp tục dìu dắt thêm các em học sinh thân yêu của mình.
HÂN NGUYỄN