Gương mặt đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014

Cô LÊ THỊ THU VÂN, giáo viên Trường THCS Bình Tây, quận 6: Không để trò bỏ học vì khó khăn
Gương mặt đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014

Cô LÊ THỊ THU VÂN, giáo viên Trường THCS Bình Tây, quận 6: Không để trò bỏ học vì khó khăn

Ngoài thành tích về công tác giảng dạy như có hàng trăm học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa ở quận và thành phố; 18 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 2 năm chiến sĩ thi đua cấp thành phố… thì thành tích đáng nể mà cô Thu Vân đạt được suốt 33 năm đứng trên bục giảng và giữ vai trò chủ nhiệm là không để một học sinh nào phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn.

Nhớ lại trước đây, khi đất nước vừa giải phóng, lúc ấy Thu Vân học hết lớp 10, thấy ở địa phương mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ cho người dân, thế là Vân xung phong dạy chữ. Cũng chính những ngày tháng đó, Vân hiểu được sự cơ cực của bà con khi không biết chữ, hiểu ý nghĩa của việc đi học, từ đó niềm đam mê được làm cô giáo cứ thôi thúc Vân đăng ký thi vào Trường Đại học Sư phạm. Có thể nói, cái duyên đẩy đưa cô Vân đến với nghề giáo thật ý nghĩa và đầy trách nhiệm.

Cô Thu Vân hướng dẫn học trò ôn thi học sinh giỏi môn Hóa

Cứ thế, suốt 33 năm gắn bó với nghề, cô Vân luôn tâm niệm “Mỗi ngày đi dạy là một ngày vui” mặc dù cô cũng gặp không ít gian nan. Theo cô, ngày trước học trò rất dễ bỏ học, chỉ vì ham chơi, vì buồn cha mẹ, thậm chí vì giận bạn có em sẵn sàng bỏ học. Sợ các em ở tuổi này hay tự ái, thích chứng tỏ bản thân nên rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, cô Vân không quản ngại khó khăn, theo khuyên nhủ các em quay lại lớp. Ngoài động viên bằng tình cảm, cô còn chủ động kèm cặp, hướng các em học thật tốt môn học nào đó để các em tìm thấy niềm vui, động lực để tiếp tục tới trường.

Mới đây nhất, khi hàng ngàn hộ dân ven kênh Tàu Hủ bị giải tỏa để thi công đường, trong số đó có hàng chục hộ là gia đình học sinh của cô nằm trong diện giải tỏa, phải về tận vùng quê cuối huyện Bình Chánh. Đường sá xa xôi, chủ yếu là con nhà lao động ít quan tâm chuyện học nên có nhiều em nghỉ học. Không thể bỏ mặc học trò, nhiều ngày liền cô tìm tới tận gia đình từng em. Là khu dân cư mới, nhà không số nên việc tìm gia đình các em vô cùng khó khăn. Thấy cô vất vả, nhiều người khuyên cô dừng lại nhưng cô không đành lòng. Vậy là cô gõ cửa chính quyền địa phương để nhờ họ giúp đỡ.

Quá trình thuyết phục học trò và phụ huynh cũng không hề đơn giản, chỉ khi cô hứa sẽ xin trường hỗ trợ tiền học và tiền xe buýt đi lại thì phụ huynh mới chịu cho các em quay lại lớp. Lúc đó cô chỉ nghĩ rằng các em đang ở tuổi 13, 14 mà nghỉ học thì biết làm gì, rồi lại cùng chúng bạn lêu lổng chơi bời thì sớm muộn gì cũng trở thành người vô ích đối với gia đình và xã hội. Nghĩ vậy là cô lại gồng lên, lại cố gắng kéo các em trở về trường lớp bằng mọi cách.

Ở tuổi 54, chỉ còn 1 năm nữa là cô Vân phải chia tay với học trò, với ngôi Trường THCS Bình Tây yêu dấu mà cô đã gắn bó cả đời. Có lẽ giải thưởng Võ Trường Toản như một lời kết đẹp cho những tháng ngày cô Lê Thị Thu Vân cống hiến hết mình vì học trò thân thương!

PHƯƠNG UYÊN

* Cô NGUYỄN THỊ KIM HỒNG, giáo viên Trường Tiểu học An Thới Đông, huyện Cần Giờ: Ước mơ làm giáo viên từ thuở nhỏ

Ước mơ trở thành giáo viên đã có trong tâm hồn của Nguyễn Thị Kim Hồng từ thuở nhỏ. Khi ấy, vùng quê cô ở chưa có điện, nước, trường học chỉ là nhà tranh, vách đất nhưng hình ảnh các thầy cô giáo từ thành phố không ngại khó khăn, gian khổ về tận miền quê nghèo khó, tận tình dạy dỗ đám học trò nhỏ đã tạo cho cô niềm yêu mến đặc biệt đối với nghề dạy học. Bên cạnh đó, gia đình cũng có truyền thống theo nghề dạy học nên sau khi tốt nghiệp THPT, cô quyết định nộp hồ sơ thi vào trường sư phạm.

Cô Nguyễn Thị Kim Hồng

18 năm đứng trên bục giảng, kỷ niệm buồn, vui rất nhiều nhưng để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng cô là một cô bé học trò đã học cô năm lớp 1. “Cho đến tận khi em lên lớp 7, ngày 20-11 năm nào em cũng về trường thăm tôi và tặng tôi một tấm thiệp. Tôi rất vui vì học trò cũ vẫn nhớ đến mình. Khi về nhà mở thiệp ra, tôi càng ngạc nhiên hơn vì tấm thiệp thật ra là một bài văn em đã làm và được giáo viên cho điểm 9 với đề bài “Cảm nghĩ về thầy, cô của em”. Em đã viết về tôi với những lời hết sức chân tình: Cô như người mẹ thứ hai của em, cô đã cho em nét chữ đầu đời. Cả đời này em không thể quên được cô. Em cảm ơn cô!, cô Hồng bồi hồi nhớ lại.

Bây giờ cô bé ấy đã là một sinh viên đại học nhưng ngày 20-11 hàng năm hoặc dịp lễ, tết đều về thăm cô. Chính tình cảm quý báu của học trò đã thôi thúc cô không ngừng phấn đấu, góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước.

Chia sẻ về ý nghĩa của ngày Hiến chương Nhà giáo, cô cho biết ngay ngày 20-11 đầu tiên trong sự nghiệp “cầm phấn” của mình, cô đã vinh dự được đại diện cho tất cả giáo viên của trường phát biểu cảm nghĩ. “Tôi thật sự bỡ ngỡ nhưng nhờ sự động viên của đồng nghiệp đã giúp tôi bày tỏ trọn vẹn cảm xúc của mình. Tôi đã nhận rất nhiều lời chúc mừng đầy ý nghĩa của học sinh. Cảm giác hồi hộp xen lẫn tự hào, sung sướng của ngày hôm đó tôi vẫn còn nhớ như in đến tận hôm nay”, cô Hồng bày tỏ.

Riêng đối với môn Toán, môn học luôn được học sinh cho là khó tiếp thu đã được người giáo viên trẻ dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp mới để giúp học sinh tiếp thu bài một cách tốt nhất. Kết quả là cô đã có hàng loạt biện pháp mang tính chất gợi mở, như cho học sinh giải bài tập theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp, hết mỗi chương đều có bài tập tổng hợp để nâng cao mức độ tư duy của học trò, phối hợp tổ chức các trò chơi học mà chơi, chơi mà học ngay tại lớp như “thả cá vào hồ”, “mèo uống sữa”, các hình thức thi đua theo tổ, thi tiếp sức, làm toán nhanh…

Nhờ những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi, năm học 2011 - 2012, cô đã nhận được bằng khen của UBND TPHCM, năm học 2012 - 2013 được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

THU TÂM

* Thầy PHÙNG VĂN HÙNG, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An: Bục giảng níu giữ chân tôi

Nhớ lại những ngày đầu đến với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, thầy giáo trẻ Phùng Văn Hùng đầy bỡ ngỡ và không thể nào quên được. Lớp học lúc ấy toàn những học sinh bằng tuổi mình nên cũng có phần khớp. Ngoài việc dạy kiến thức chuyên môn, việc ứng xử với học sinh là những cán bộ tham gia cách mạng, những anh bộ đội từ chiến trường trở về cũng là cả một vấn đề với một tân cử nhân vừa ra trường như thầy. Thế nhưng, người thầy giáo trẻ ấy đã bắt đầu thấy thích dần những buổi đứng lớp khi những học sinh cùng trang lứa với thầy học tập một cách nghiêm túc và hăng say.

Thầy Phùng Văn Hùng (bìa phải) trao phần thưởng cho học sinh.

Năm tháng cứ dần trôi qua, rồi học trò của thầy mỗi năm một trẻ hơn và thầy mỗi năm lại lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, những học sinh của trung tâm hiện ai cũng nghĩ là “hàng dạt, hàng thải” lại có những hoàn cảnh thật đáng thương. Nếu không có cái tâm, lòng nhiệt huyết và lòng kiên trì thì người thầy ở các trung tâm giáo dục thường xuyên khó bám trụ.

“Chứng kiến bao cảnh đồng nghiệp rời trung tâm, lòng tôi không khỏi bùi ngùi. Nhưng tình yêu thương học trò, trách nhiệm của người thầy đã giúp tôi vững tin để bám trụ với nghề nghiệp mình đã chọn. Một khi đã làm thầy thì dù ở đâu cũng phải làm tốt và sống được với cái nghiệp mà mình đã chọn” - thầy Hùng tâm sự.

Thấm thoát đã 34 năm đứng trên bục giảng, lớp lớp học trò được cho là “hàng thải, hàng dạt” của trung tâm đã hoàn thành chương trình học và nhiều người trong số đó đã thành đạt trong sự nghiệp. Từ mái đầu xanh giờ đã chớm bạc, nhưng thầy vẫn vững vàng, hăng say truyền thụ kiến thức cho học trò mỗi khi đứng trên bục giảng.

Suốt 34 năm gắn với sự nghiệp trồng người, cái nghiệp mà thầy chọn đã đem đến cho thầy những trái ngọt. Mới đây, môn Toán của thầy đã có hai người đoạt học sinh giỏi cấp thành phố (giải nhất, giải ba) và tỷ lệ tốt nghiệp học sinh của thầy trên 72%. Không dừng lại đó, 12 năm liền thầy luôn đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 3 năm chiến sĩ thi đua cấp thành phố, được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, bằng khen của UBND TPHCM, Huy hiệu TPHCM.

Nhận xét về đồng nghiệp của mình, nhiều thầy cô ở trung tâm cho rằng: Những người kỳ cựu bám trụ với nghề như thầy Hùng ở trung tâm hiện không còn nhiều. Riêng chuyện không dứt áo ra đi để hoàn thành nhiệm vụ cũng là tấm gương tốt để nhiều giáo viên trẻ phấn đấu, học hỏi và trau dồi nghiệp vụ. Thầy là người có tác phong sư phạm mẫu mực, năng lực sư phạm vững vàng và luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà tập thể tín nhiệm.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục