(SGGPO).- Sáng nay, 4-1, Thường trực HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 trên địa bàn. Đồng chí Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến dự.
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả chính đạt được trong việc thể chế hóa và thi hành Hiến pháp 1992, Báo cáo tổng kết việc việc thi hành Hiến pháp 1992 trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn.
Một trong số những kiến nghị này là việc phân định giữa chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn. Ở hai mô hình hành chính này có những yêu cầu quản lý nhà nước khác nhau, do đó cần nghiên cứu, quy định lại về tổ chức chính quyền ở khu vực này một cách phù hợp hơn.
Hà Nội cũng đề nghị đổi mới cách thức thiết lập bộ máy hành chính địa phương từ việc do cơ quan đại diện (HĐND bầu) sang cơ chế nhân dân bầu trực tiếp hoặc cơ quan nhà nước cấp trên bổ nhiệm đối với một số chức danh. Trước mắt, đề nghị thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã, thị trấn. Đề nghị nghiên cứu và thí điểm việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường. Đối với đại biểu HĐND, cần hạn chế tối đa số đại biểu trong các cơ quan hành chính các cấp.
Đáng lưu ý, Hà Nội đề nghị điều chỉnh nội dung Điều 6 của Hiến pháp, hiến định việc trưng cầu dân ý về các vấn đề quan trọng đất nước. Một bổ sung quan trọng khác cũng đã được đề xuất là việc thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc cơ quan chuyên trách để kiểm tra, giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan: Quốc hội, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp (Tòa án)…
ANH PHƯƠNG