Hà Nội đề xuất không đổi giờ làm việc của cán bộ, công chức

(SGGP).- Chiều 1-11, Sở GTVT Hà Nội cho biết phương án thay đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn Hà Nội đã được Thường trực Thành ủy thông qua. Phương án này sẽ trình Chính phủ trong vài ngày tới. Theo đó, sẽ có 2 nhóm đối tượng điều chỉnh giờ giấc đi lại.

(SGGP).- Chiều 1-11, Sở GTVT Hà Nội cho biết phương án thay đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn Hà Nội đã được Thường trực Thành ủy thông qua. Phương án này sẽ trình Chính phủ trong vài ngày tới. Theo đó, sẽ có 2 nhóm đối tượng điều chỉnh giờ giấc đi lại.

Cụ thể, nhóm 1 gồm học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và học sinh các trường phổ thông trung học sẽ bắt đầu học từ 7 giờ, kết thúc vào 18 giờ. Nhóm 2, các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính ngân hàng bắt đầu mở cửa từ 9 giờ, đóng cửa 22 giờ. Nhóm 3 gồm công chức, viên chức, học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở... vẫn giữ như cũ, cùng làm việc và học tập từ 8 giờ, kết thúc 17 giờ.

Như vậy, khác với đề xuất của Bộ GTVT vừa trình lên Chính phủ, Hà Nội đã giữ nguyên khung giờ làm việc cũ của nhóm đối tượng là cán bộ công chức, viên chức trung ương và địa phương.

Bên cạnh việc đưa ra phương án đổi giờ học, giờ làm, dự thảo của thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội điều chỉnh cục bộ giờ vào học, tan học của từng trường để đảm bảo ít ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh đồng thời phối hợp với Công an thành phố, Sở GTVT và UBND các quận huyện có phương án đảm bảo giao thông tại khu vực các trường học.

Viện Nghiên cứu thuộc Bộ GTVT vừa triển khai Đề án “Thí điểm giảm thiểu ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Láng, đoạn Cầu Giấy-Ngã tư Nguyễn Chí Thanh, sáng từ 7 giờ tới 8 giờ 30, chiều từ 17 giờ tới 18 giờ 30”.

Cụ thể, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã cử 3 kỹ sư trẻ mặc đồng phục đứng chốt tại 3 nút giao thông không có đèn tín hiệu, luôn xảy ra ùn tắc và có xe buýt lưu thông: Cầu Yên Hòa, Cầu Cót và Cầu 36 (trên đường Láng) để trực tiếp phân làn, chống ùn tắc. Sau 2 ngày thực nghiệm, kết quả ban đầu cho thấy, nếu điều tiết giao thông tốt, người điều khiển phương tiện ở 3 điểm giao thông này không phải chờ quá 10 giây.

Chiều 1-11, trao đổi với báo chí, Viện trưởng Khoa học và Công nghệ GTVT Doãn Minh Tâm cho biết: 99% người tham gia giao thông tuân thủ sự điều khiển của các kỹ sư và ủng hộ. Những biện pháp do kỹ sư trẻ thực nghiệm có thể triển khai ở các nơi trong thành phố, chi phí rẻ.

B.Quyên

Tin cùng chuyên mục