Chiều 16-11, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập thể Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ra sức phấn đấu thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, kinh tế - xã hội của Hà Nội tăng trưởng cao, đều, liên tục, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn thủ đô luôn ổn định; phát huy tốt vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn thủ đô.
Tổng Bí thư cũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của Hà Nội trong những năm qua. Đó là công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch, quản lý đô thị còn yếu; chưa thực sự phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một trung tâm lớn hàng đầu cả nước về văn hóa - xã hội. Hoạt động phối hợp, liên kết, hợp tác giữa thủ đô với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước còn hạn chế, thiếu chặt chẽ. Chính vì thế chưa phát huy hết tiềm năng, vị thế của thủ đô.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, yêu cầu mới đặt ra trong 5 năm, 10 năm tới đối với Hà Nội là phải dự báo được những đột biến, khó khăn để chủ động ứng phó; không được chủ quan thỏa mãn với những thành tích đã đạt được, phấn đấu về trước cả nước 1 - 2 năm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Chính trị đồng ý ra Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô giai đoạn 2011 - 2020. Đây là nghị quyết không phải riêng cho thủ đô mà cùng với cả nước thực hiện nghị quyết nhằm phát triển thủ đô xứng với vị trí là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế, làm động lực thúc đẩy phát triển vùng thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.
Liên quan đến các kiến nghị của Hà Nội, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đồng thời sẽ chỉ đạo việc thành lập Ban chỉ đạo điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; ban hành quy chế phối hợp liên kết vùng có tính pháp quy để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động phối hợp, liên kết. Bên cạnh đó, Trung ương sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho Hà Nội trên một số lĩnh vực đặc thù như: quản lý đô thị, đầu tư, tài chính... để tăng tính tự chủ trong giải quyết công việc hàng ngày của thủ đô; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong phối hợp với Hà Nội thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển thủ đô, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
(TTXVN)