
Sắm “dế” - điện thoại đi động - không còn là chuyện mới trong giới sinh viên. Song đường như chưa bao giờ giới sinh viên Hà Nội lại “sốt” chuyện sắm “dế” như hiện nay.

“Dế” không chỉ để nghe, mà còn để ghi lại những khoảnh khắc người thân tại Hồ Gươm. Ảnh: Đ.V.D
Giảng đường khoa Báo chí, Trường ĐHKHXH-NV Hà Nội, giờ ra chơi, bốn năm tốp sinh viên đang tụ lại bình luận về các kiểu “dế” mới nhất vừa ra và khoe các con “dế” vừa sắm được. H., một sinh viên có dáng vẻ khá sành điệu vừa khoe chiếc Nokia 7610 giá 5,8 triệu đồng vừa hào hứng kể: “Mình chưa bao giờ thích một chiếc điện thoại nào.
Nhưng vừa nhìn thấy chiếc “lay động cảm quan” này mình đã mê mẩn ngay lập tức. Và quyết tâm phải mua cho bằng được”. T., người được mệnh danh là thay điện thoại như… thay áo, thì chìa ra chiếc Samsung E730, bảo: “Tôi thì chỉ kết hàng Samsung thôi. Càng mới, càng đẹp thì càng thích”. Nhóm của H. và T. được bạn bè gọi là nhóm “quý tộc”, chuyên xài “dế” đẹp và đắt tiền.
Các nhóm khác bình dân hơn, chỉ xài “dế” từ 2-3 triệu trở xuống. Tôi đến nhóm của Q., thấy cậu đang lôi ra từ trong cặp một tờ quảng cáo nhàu nát: “Mình đang cố với con Nokia 2112 này thôi. Nếu mua hàng lậu thì cũng đủ tiền rồi đấy, nhưng mình muốn mua hàng chính hãng cho đảm bảo. Bây giờ mình còn thiếu hai, ba trăm nữa”.
Đến giảng đường các khoa Văn, Ngôn ngữ, Du lịch, Lịch sử… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh sinh viên khoe và bàn luận về chuyện sắm “dế”. Đến các trường Ngoại thương, Ngoại ngữ, Ngoại giao, Tài chính, Thương mại, Sư phạm, Giao thông vận tải, Kiến trúc… cũng bắt gặp cảnh tượng tương tự. Vào ký túc xá các trường càng thấy chuyện dùng “dế” và bàn mua “dế” sôi nổi hơn.
Thanh Quyết, một sinh viên ĐH Ngoại ngữ cho biết: “Chuyện sinh viên dùng “dế” bây giờ là thường rồi. Ký túc xá trường tôi, hầu như phòng nào cũng có người dùng “dế”. Bạn tôi ở KTX Ngoại thương còn bảo phòng nó 100% có ‘’dế’’, phòng ít cũng có 2-3 “con”.
Có thể nói, từ khi giá điện thoại di động liên tục giảm, nhất là khi các nhà cung cấp mạng đua nhau giảm cước thông tin di động, thì trong giới sinh viên HN cũng xuất hiện cơn “sốt” mua sắm và sử dụng “dế”. Đến đâu cũng thấy sinh viên khoe và bàn chuyện mua “dế”.
Thanh Hằng, một sinh viên ĐH Tài chính tâm sự: “Bây giờ cước dùng đi động đã rẻ hơn nhiều so với trước. Nếu chỉ dùng điện thoại để nghe, nhắn và nhận tin mỗi tháng chỉ hết vài chục nghìn đồng, số tiền này không phải quá lớn. Nếu đã có sẵn một chiếc điện thoại thì có thể dùng… vô tư”.
Tuy nhiên, xung quanh chuyện sử dụng điện thoại di động của sinh viên cũng có nhiều chuyện đáng bàn. Thứ nhất là chuyện mua sắm. Những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khá giả mua sắm điện thoại để sử dụng đã đành. Nhưng cũng có không ít sinh viên hoàn cảnh kinh tế gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn - chỉ riêng chuyện lo học phí và tiền ăn ở hàng tháng đã là một gánh nặng đối với cha mẹ - mà vẫn đua đòi bạn bè, bịa ra đủ lý do để xin tiền bố mẹ sắm điện thoại, thì thật đáng trách.
Thứ hai là chuyện sử dụng, với những bạn đã đi làm thêm, việc có một chiếc điện thoại để liên lạc giữa nơi cộng tác và cá nhân cũng như với gia đình thật là tiện lợi. Nhưng cũng có không ít sinh viên sắm điện thoại di động chỉ để “í ới” với người yêu và bạn bè cho tiện.
Câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải làm như thế không? Nhất là khi hoàn cảnh gia đình của những sinh viên đó không lấy gì làm khá giả. Đặc biệt, người viết đã nhận được không ít ý kiến của giảng viên các trường than phiền chuyện sinh viên để chuông trong giờ học làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh đặc biệt là giảm đi đáng kể chất lượng của buổi học.
THAO GIANG