Hai dự án bauxite - alumin: Nếu không hiệu quả, lãnh đạo Vinacomin chịu trách nhiệm!

Vinacomin: dự án sẽ mang lại hiệu quả
Hai dự án bauxite - alumin: Nếu không hiệu quả, lãnh đạo Vinacomin chịu trách nhiệm!

Ngày 16-5, tại buổi họp báo thông tin về tình hình thực hiện 2 dự án bauxite - alumin thử nghiệm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Chỉnh, Trưởng ban Khoa học công nghệ và chiến lược phát triển (Vinacomin) cho biết, nếu 2 dự án trên không hiệu quả thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo cao nhất của Vinacomin (!).

Lắp đặt lò nung ở công trường nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ.

Lắp đặt lò nung ở công trường nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ.

Vinacomin: dự án sẽ mang lại hiệu quả

Trước băn khoăn của giới chuyên gia và dư luận về tính hiệu quả của dự án, theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh, Vinacomin đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của 2 dự án. Kết quả mới nhất cho thấy dự án đều có hiệu quả kinh tế trên 3 thông số về tác động kinh tế - xã hội, nộp ngân sách, tài chính doanh nghiệp cũng như thời gian hoàn vốn giản đơn. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng là 12 năm và dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ là 13 năm. Trong phương án tính toán trọn đời dự án là 30 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến 50 năm. Như vậy, dự án vẫn đạt được hiệu quả về kinh tế. Theo tính toán, hai dự án bình quân nộp ngân sách khoảng 850 tỷ đồng/năm.

Về phương án tiêu thụ sản phẩm, hiện Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumin với Công ty Marubeni Nhật Bản và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, các công ty của Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Malaysia… cũng quan tâm xem xét alumin của Việt Nam. Trong thời gian tới Vinacomin, tiếp tục đàm phán với các đối tác để ký hợp đồng khi nhà máy vào hoạt động thương mại.

Theo đánh giá của Vinacomin, việc tiêu thụ sản phẩm của 2 dự án hoàn toàn khả thi. Hiện nay, Vinacomin đang triển khai việc tiêu thụ các sản phẩm chạy thử và đã ký bán cho 8 khách hàng (6 khách hàng trong nước và 2 khách hàng nước ngoài). Dự kiến, hai dự án sẽ lỗ 3 - 5 năm đầu do khấu hao, giá bán, lãi vay, nền kinh tế đang suy giảm, xuất phát điểm giá bán thấp… nhưng sau này khi giá tăng lên thì dự án sẽ có lãi.

Liên quan đến vấn đề thuế xuất khẩu alumin hiện nay, đại diện Vinacomin cho biết hiện tại do khó khăn chung của doanh nghiệp, giá bán nên hiện thuế suất đang được áp dụng là 0% “nhưng khi giá lên sẽ tăng thuế và trách nhiệm của Vinacomin là đóng thuế cho Nhà nước”. Xung quanh việc vận tải alumin, theo Vinacomin, việc dừng cảng Kê Gà không ảnh hưởng đến dự án vì lưu lượng hàng hóa 2 dự án nhỏ. Việc vận chuyển hiện nay đang được tập đoàn thuê các doanh nghiệp vận tải bên ngoài.

Trước câu hỏi về việc nhiều kiến nghị cần phải xem xét dừng dự án Nhân Cơ để giảm thiệt hại vì với việc vận chuyển quãng đường trên dưới 200 km mà không có giải pháp căn cơ để giảm chi phí vận tải nhằm hạ giá thành thì dự án Nhân Cơ sẽ mắc kẹt ít nhất 15 năm, đại diện Vinacomin nhìn nhận, việc có dừng dự án hay không là câu hỏi lớn. “Tôi xin khẳng định có một số ý kiến xem xét dừng nhưng với DN, chủ đầu tư khi xem xét phải đánh giá lợi, hại gì và giải quyết hậu quả ra sao khi doanh nghiệp đã đầu tư “một đống tiền”, các hợp đồng đã được ký kết” - ông Chỉnh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh, Vinacomin trân trọng ý kiến của các nhà khoa học và trong nghiên cứu khoa học thì các ý kiến khác nhau, mâu thuẫn là bình thường. Vấn đề là để giải quyết những trái ngược đó thì phải ngồi với nhau trao đổi, không thể bình luận chỉ trên một vài dữ liệu. Việc tính toán dự án dựa trên một tổ hợp dữ liệu, nếu thay đổi một thông số sẽ ảnh hưởng đến các thông số khác.

Băng chuyền tải quặng thô vào nhà máy Tân Rai. Ảnh: BÙI TRƯỞNG

Băng chuyền tải quặng thô vào nhà máy Tân Rai. Ảnh: BÙI TRƯỞNG

Công nghệ an toàn?

Trước những lo ngại về vấn đề công nghệ mà Vinacomin đang triển khai so với công nghệ của Hãng Pechiney (Pháp) thì mức tiêu thụ năng lượng tốn kém hơn khoảng 30% tổng mức thu sản phẩm. Theo đại diện Vinacomin, có 27 nhà máy trên thế giới đang xử lý quặng thì 26 nhà máy dùng công nghệ Bayer Bắc Mỹ mà 2 dự án ở Việt Nam đang thực hiện. Công nghệ của Pháp là tách alumin ở nhiệt độ thấp với nồng độ kiềm cao, quá trình hòa tan kéo dài hơn so với công nghệ của châu Mỹ. Về chất lượng sản phẩm, hiệu suất hòa tách, hiệu suất thu hồi alumin tiêu hao nguyên liệu của 2 dự án đạt mức bình quân thế giới, chất lượng của công nghệ đang áp dụng ở 2 dự án so với sản phẩm công nghệ của Pháp đều có phần tạp chất nhỏ hơn. Về hiệu suất thu hồi nước, nhà máy alumin của Việt Nam tiêu thụ là 3,84m³/tấn, trong khi của Pháp là 4,7m³/tấn. Ông Nguyễn Tiến Chỉnh khẳng định: “Công nghệ áp dụng ở nhà máy là tiên tiến và cao hơn so với công nghệ của Pháp”.

Về tác động của dự án với môi trường, đại diện Vinacomin cho rằng, khai thác bauxite chỉ có lợi cho môi trường chứ không gây hại, công nghệ ở đây đơn giản là sau khi lấy quặng xong thì lấy đất màu san, phục hồi lại thì trồng cây chỉ có tốt hơn. Về an toàn của nhà máy, theo Vinacomin, trước kia có vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary nên nhiều người nghĩ dự án ở Việt Nam cũng thải bùn đỏ tương tự như thế. Tuy nhiên, dự án áp dụng công nghệ thải bùn đỏ cho nhà máy Tân Rai cung cấp thải khô.

Theo thiết kế trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc, làm đặc đạt 46,5% (tiêu chuẩn chỉ là 45%), và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10 - 12 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, do đó không lo ngại về sự cố như ở Hungary. Và có thể đi trên mặt hồ như bình thường. Công nghệ mà 2 dự án đang triển khai hiện nay là công nghệ tiên tiến mà các nhà máy thế giới đang sử dụng.

Trước ý kiến cho rằng, việc tăng thêm vốn đầu tư tại 2 dự án lên 7.000 tỷ đồng làm giảm thu ngân sách 700 tỷ đồng, ông Chỉnh khẳng định, việc giảm thu ngân sách đều chỉ là trong tính toán dự án với giá cả, thuế, phí trước đây nhưng nay thông tin mới thì thông số khác. Chẳng hạn, trong tổng mức đầu tư Tân Rai tăng khoảng 31%. Trong đó 73% tăng do nhiều nguyên nhân như: tỷ giá, tăng lãi vay đầu tư, giải phóng mặt bằng và một số điều chỉnh hạng mục công trình như hồ bùn đỏ, đập làm tăng chi phí đầu tư.

Còn nguyên nhân chủ quan chiếm khoảng 20% - 30%. Nói chung hai dự án tăng tổng mức vốn đầu tư với tỷ lệ tương tự, nhưng nếu quy về USD không tính về tỷ giá thì tỷ lệ tăng tổng mức đầu tư giảm đi. Do vậy không thể nói Nhà nước thất thu được vì nó phụ thuộc thời điểm tính toán.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục