“Hai không” trong giáo dục - “Chuẩn” cho cả trò và thầy

“Hai không” trong giáo dục - “Chuẩn” cho cả trò và thầy
“Hai không” trong giáo dục - “Chuẩn” cho cả trò và thầy ảnh 1

Tiến sĩ Thái Văn Long – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau: Cần thiết phải bổ sung nội dung “nói không với yếu kém trong chuyên môn” để đánh giá toàn diện giáo viên

Cuộc vận động “hai không” trong ngành giáo dục đã được bổ sung thêm nội dung “không vi phạm đạo đức nhà giáo và tình trạng học sinh không đủ chuẩn lên lớp”. Mới đây, tại hội nghị giao ban của cuộc vận động này tại khu vực ĐBSCL, nhiều giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng có hàng chục ngàn học sinh buộc phải… học lại vì “ngồi nhầm lớp”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh đồng loạt bỏ học.

Không vì nghèo mà bỏ học

Ông Hồ Việt Hiệp – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang – cho rằng sau khi thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “hai không”, cuối năm học 2006-2007 toàn tỉnh có đến 10.075 học sinh tiểu học bị lưu ban, tăng đến 438% so với năm học trước. Ở hai cấp học THCS và THPT, tỉnh An Giang cũng có đến 4.728 học sinh phải đi học lại vì không đủ chuẩn lên lớp, trong đó cấp học THCS học sinh lưu ban tăng 217% và THPT tăng 65,9%. Trong ba tháng hè, mặc dù ngành giáo dục đã có chủ trương kết hợp với các huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các em nhưng qua kiểm tra chỉ có khoảng 1/4 học sinh được công nhận đủ điều kiện lên lớp.

Không chỉ có học sinh “ngồi nhầm lớp”, hiện nay các tỉnh ĐBSCL cũng đang báo động về tình trạng học sinh bỏ học. Ông Trần Việt Hùng – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng – cho biết số liệu thống kê vào cuối học kỳ 1 năm học 2007-2008 toàn tỉnh giảm đến 1.617 học sinh THCS và con số này ở bậc THPT là 1.015 em. Tại tỉnh Bến Tre, mặc dù ngành giáo dục rất nỗ lực vận động học sinh trở lại lớp nhưng cũng có gần 1.300 học sinh bỏ học. Theo ông Hùng, nguyên nhân học sinh bỏ học là do học lực quá yếu, điều kiện kinh tế và phương tiện đi lại quá khó khăn.

Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục không chỉ vận động gia đình đưa con em của họ trở lại trường mà cần liên kết với Ban chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để lấy tiêu chí “không để con em bỏ học” gắn kết với điều kiện công nhận gia đình văn hóa. Ông Trần Hoàng Nhân – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An – cho rằng nếu đứng ở góc độ nhân văn và lâu dài thì cần bàn đến vấn đề cho học sinh và gia đình làm cam kết cố gắng phấn đấu học tập, không vì nghèo khó hay học lực yếu kém mà các em phải bỏ học.

  • Đâu là “chuẩn” cho nhà giáo?

Bàn về đạo đức nhà giáo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp cho rằng, muốn sàng lọc ra những giáo viên tài đức vẹn toàn trước hết cần phải có những quy định rõ ràng về những hành vi được gọi là “vi phạm đạo đức nhà giáo”. Hiện nay tỉnh An Giang đang thí điểm mô hình “học sinh đánh giá giáo viên” để ban giám hiệu các trường có được những thông tin tham khảo về đạo đức giáo viên trong trường.

Từ mô hình thí điểm này, bản thân những giáo viên yếu kém về đạo đức có thể tự điều chỉnh những hành vi không tốt để xứng đáng với vị trí của một người thầy. Tiến sĩ Thái Văn Long – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau – cho biết: “Để thực hiện tốt cuộc vận động “hai không” cần thiết phải có văn bản quy định về các chuẩn mực của nhà giáo để làm căn cứ xử lý những giáo viên vi phạm quy định này. Cuộc vận động cũng cần bổ sung thêm nội dung “nói không với yếu kém trong chuyên môn” để đánh giá toàn diện một giáo viên”.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang Bùi Văn Dũng cho biết: “Hiện có rất nhiều học sinh ăn nhậu, bỏ học đi hát karaoke gần trường… nhưng giáo viên không dám la rầy vì sợ không biết làm vậy là có vi phạm đạo đức nhà giáo hay không. Có người cho rằng giáo viên hết giờ lên lớp mà đi… lái heo hơi cũng bị bạn bè cho là vi phạm đạo đức nhà giáo(?)”.

Ông Huỳnh Hổ - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh - thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay có rất nhiều giáo viên còn kém về đạo đức, năng lực sư phạm còn yếu nên thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã đầu tư rất nhiều tiền để giáo viên đi học nhằm nâng cao trình độ giảng dạy và rèn luyện đạo đức. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần phải xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa hồng vừa chuyên và phải làm hết trách nhiệm của mình”.

Trao đổi với lãnh đạo ngành GD-ĐT các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu học sinh không đạt chuẩn thì phải cho học lại, “nếu cho lên lớp thì chỉ làm khổ các em mà thôi”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Hiện có nơi thừa giáo viên nhưng cũng còn nơi thiếu giáo viên nên Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo bộ phận chức năng rà soát lại số lượng để có kế hoạch sắp xếp hợp lý.

Thực hiện tốt cuộc vận động “hai không”, mỗi giáo viên phải lấy cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” làm nền tảng nhằm làm tốt trách nhiệm của một nhà giáo. Đối với những học sinh bỏ học nhưng có trình độ từ lớp 9 trở lên, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ kết hợp với Bộ LĐ-TBXH tìm cách tiếp nhận các em vào những trường đào tạo nghề để sau này tìm được việc làm phù hợp”. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc bồi dưỡng học sinh yếu kém và giáo viên phải cố gắng tìm cách tự học để nâng cao trình độ chuyên môn.

HỒNG DÂN 

Ông Hồ Việt Hiệp – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang: Mỗi năm tỉnh này đầu tư khoảng 10 tỷ đồng cho công tác phổ cập. Tuy nhiên, mâu thuẫn lớn nhất hiện nay trong ngành giáo dục là đầu tư quá nhiều tiền để lo cho những học sinh không muốn đi học (hệ phổ cập) trong khi những học sinh muốn được đi học ở hệ phổ thông thì các địa phương lại lo không chu đáo. Chính vì vậy mà chất lượng của công tác phổ cập không cao, còn nặng về thành tích.

Tin cùng chuyên mục