Liên kết xuất bản (LKXB) được đề cập đến lần đầu trong Luật Xuất bản năm 2004 và nhắc lại chi tiết hơn trong Luật Xuất bản 2012: “Nhà xuất bản được liên kết với tổ chức, cá nhân (gọi tắt là đối tác liên kết) để xuất bản đối với xuất bản phẩm”. Mục tiêu của LKXB là để huy động nguồn vốn và cả trí tuệ của đối tác liên kết nhằm tháo gỡ những khó khăn về kinh phí của các NXB để đầu tư, xuất bản những ấn phẩm văn hóa có chất lượng tốt, lành mạnh, hướng tới chân-thiện-mỹ cho người đọc và có ích cho xã hội.
Có thể nói đây là một trong những quyết sách đã làm thay đổi triệt để ngành xuất bản trong nước. Lực lượng làm sách tư nhân từ việc không được thừa nhận chính thức, phải làm chui, làm lậu, khoác trên vai cái tên “đầu nậu” nay đã có thể chính thức đưa tên mình vào các ấn phẩm đến tay bạn đọc.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho rằng chính nhờ LKXB mà ngành xuất bản Việt Nam có thể vững bước tiếp nhận Công ước Berne vào năm 2004. Khi đó, cả nước chỉ có 1 - 2 NXB đủ sức tự mình thương thảo, mua bán bản quyền sách, chính các đối tác liên kết (ĐTLK) với sự nhanh nhạy, khả năng tài chính và cả nhân lực các hoạt động mua bán bản quyền sách đã mang đến cho bạn đọc trong nước những đầu sách hay, mới.
Hàng loạt những thay đổi tích cực mà trước đó bạn đọc trong nước không mơ đến đã diễn ra như các nhà văn thế giới đến giao lưu, sách xuất bản ở Việt Nam cùng lúc với cả thế giới, sách in trong nước áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất ngang với các nước phát triển… Một thị trường xuất bản phẩm phong phú, đa dạng nhiều sắc màu mang tính chất chuyên nghiệp dần hình thành.
Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận thì LKXB cũng dần dần bộc lộ nhiều vấn đề tiêu cực.
Bên cạnh những ĐTLK làm ăn chân chính, nỗ lực xây dựng uy tín thì cũng có không ít những ĐTLK đặt vấn đề lợi nhuận lên trên hết. Đối với những đơn vị này, mục tiêu không phải là thực hiện những cuốn sách hay, giàu ý nghĩa mà là đưa ra những cuốn sách dễ bán, dễ thu lợi bất chấp những giá trị chân-thiện-mỹ. Thực tế, ngay từ đầu khi đề xuất ra LKXB những người làm luật cũng đã dự kiến điều này và các NXB được xem là lưới lọc quan trọng nhất trước khi một cuốn sách, một ấn phẩm xuất bản đến được tay bạn đọc.
Ấy vậy mà hàng loạt các xuất bản phẩm có nội dung lệch lạc, có hình thức phản cảm vẫn lọt đến tay bạn đọc. Chỉ trong những tháng cuối cùng của năm 2014, bạn đọc bị hết cú sốc này đến cú sốc khác. Từ cuốn từ điển với nội dung nhảm nhí do 3 NXB trong nước thực hiện đến vụ cuốn sách luật dùng một hình ảnh phản cảm làm trang bìa làm cả nước bàng hoàng. Những hình phạt đã được công bố, những người làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm nhưng bản chất của việc xuất hiện những sai sót này vẫn còn đó và sẽ không có gì bất ngờ nếu bạn đọc sẽ lại tiếp tục phát hiện những cuốn sách sai sót trên thị trường.
Hiện nay cả nước có 65 NXB (thống kê đầu năm 2014), thế nhưng chỉ có 4 NXB làm ăn có lãi và khoảng 5 - 6 NXB hòa vốn. Như vậy đại đa số các NXB còn lại hoạt động cầm chừng, khó khăn và trong tình hình đó, LKXB trở thành cứu cánh cho các đơn vị này. Theo xác nhận của Cục Xuất bản, có những đơn vị sách LKXB chiếm đến 90% số sách thực hiện trong 1 năm, có nghĩa là những NXB này công việc chủ yếu chỉ là cấp phép cho ĐTLK chứ hầu như không làm sách, việc đáng lẽ là trách nhiệm chính của họ.
Với việc có quá nhiều NXB sống dựa vào LKXB đã làm nảy sinh một tình trạng là các NXB phải “cạnh tranh” nhau để chiều lòng các ĐTLK. Theo đúng luật thì NXB phải tiến hành đọc bản thảo, kiểm tra bản in, hoàn thiện, tiến hành xử lý các vấn đề sau khi sách xuất bản… thế nhưng với các đối tác làm ăn chụp giựt thì nếu NXB này làm quá nguyên tắc họ sẽ chọn NXB khác để liên kết, với hàng chục NXB dựa vào LKXB để tồn tại sẽ không khó để có những đơn vị chấp nhận “bán giấy phép”, “nhắm mắt” để mặc đối tác muốn làm gì thì làm. Đó cũng là lý do vì sao đa số các sai sót ngô nghê, lạ lùng vừa qua đều diễn ra ở các NXB có tỷ lệ LKXB cao.
Và đó cũng là lý do vì sao có chuyện sách do đơn vị mình xuất bản mà từ hình bìa đến nhan đề sách bị thay đổi mà NXB không hề hay biết, thậm chí sau khi bị phản ánh, NXB ra quyết định yêu cầu ĐTLK thu hồi nhưng cả 3 đến 4 tháng sau sách vẫn bày bán trên thị trường mà NXB cũng không biết gì.
Cách nay hơn 3 năm, trong một cuộc tổng kết công tác xuất bản đã có kiến nghị cần giảm bớt số lượng các NXB, chỉ duy trì các NXB thực sự cần thiết, có hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, khi đó cho biết, theo Luật Xuất bản, nếu đáp ứng các yêu cầu mở NXB thì Bộ VH-TT-DL không thể nào từ chối không cấp phép được. Việc giới hạn số lượng NXB không phải là biện pháp giải quyết vấn đề mà phải nằm ở công tác quản lý, giám sát hoạt động của các NXB. Nếu đơn vị chủ quản không buông lỏng việc quản lý NXB dưới quyền mình; nếu giám đốc, tổng biên tập các NXB đều làm đúng trách nhiệm của mình thì các lỗi sai sót như vừa qua đã khó lòng xảy ra.
Nâng cao công tác quản lý là điều phải làm, nhưng trước mắt để đối phó với tình trạng nhiều NXB buông lỏng chức năng của mình như hiện nay cần có các biện pháp xử phạt đủ sức răn đe, nếu cần thiết thì đóng cửa các NXB vi phạm. Cho đến nay chỉ mới có duy nhất một trường hợp NXB bị “tạm đình chỉ” do vi phạm Luật Xuất bản. Nếu chế tài đủ mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tồn tại của NXB sẽ buộc các đơn vị này phải có ý thức trách nhiệm cao hơn trong hoạt động của mình, góp phần chấn chỉnh lại thực trạng xuất bản trong nước hiện nay.
TƯỜNG VY