
Sau chuyến thăm Làng trẻ em mồ côi Chi Lăng, thành phố Huế, Thomas và Crisof không thể quên được nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ thiếu hơi ấm của gia đình. Con tim đánh thức họ cần làm một điều bé nhỏ cho trẻ em nơi này. Một ý tưởng hình thành thôi thúc hai ông “Tây ba lô” thực hiện...
- Từ ý tưởng đến thành công

Ở Huế, lượng khách du lịch Pháp rất lớn nhưng hầu hết các nhà hàng mà hai ông từng ghé vào không thể làm loại bánh mì đặc trưng của người Pháp. Ý tưởng một lò bánh mì Pháp lóe lên trong đầu. Một dự án được hai ông vạch ra: “Làm lò bánh mì để đào tạo nghề cho trẻ em mồ côi”.
Hai “ông Tây ba lô” lặn lội tìm kiếm đối tác và những nhà hảo tâm để thực hiện ý tưởng. Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp đã cùng bắt tay với hai ông để thực hiện ý tưởng.
Cuối năm 1999, lò bánh mì chính thức ra đời, địa diểm là Làng trẻ em Chi Lăng, nay là Làng trẻ em Thủy Xuân, 37 Lê Ngô Cát, TP Huế. Ngôi nhà nhỏ là lớp dạy, cũng là lò bánh mì cho cả làng trẻ, công nghệ làm bánh được mang sang từ Pháp. Hai ông “Tây ba lô” và những tình nguyện viên trực tiếp dạy nghề cho trẻ em mồ côi.
3g sáng, khi Làng trẻ em Thủy Xuân còn chìm trong giấc ngủ, cũng là lúc giờ học bắt đầu. 6g phải có bánh cho khách sạn, số bánh còn lại dành cho bữa điểm tâm cho trẻ em làng trẻ.
Nguyễn Hữu Dũng, học viên đầu tiên của làng trẻ nhớ mãi: “Ban đầu tập làm bánh cứ méo hoài, không tài nào để có một chiếc bánh tròn trĩnh, nhưng sau hai tháng được thầy hướng dẫn, chiếc bánh đã dễ nhìn hơn”.
Rồi những mẻ bánh đầu tiên cũng ra lò. Bánh được phát cho làng trẻ dùng thử trước khi kiên trì đưa bánh đến thuyết phục từng khách hàng. Và từ đó lò bánh mì Làng trẻ em Thủy Xuân trở thành “nhà cung cấp” chính cho khách sạn Hương Giang, khách sạn Asia, một số nhà hàng trên địa bàn thành phố...
Sau khi đã thuyết phục về chất lượng của 50 loại bánh: bánh mì Đồng Quê, sô cô la, táo, dâu, xoài… hai ông “Tây ba lô” liên hệ với nhà hàng, khách sạn để giải quyết công ăn việc làm cho học viên khi ra trường. Người được chọn đi học làm bánh 3 tháng tại Pháp sau đó sẽ về nhận việc tại khách sạn. Đã có không ít thợ bánh của các khách sạn ở Huế như: Morin, Hương Giang, Hội An, Hoa Trà… trưởng thành từ lò bánh này.
Nguyễn Viết Lợi, học viên của làng trẻ, tâm sự: “Những ngày đầu giao tiếp rất khó khăn, thầy trò chỉ hiểu nhau qua cử chỉ, nhưng luôn vui cười trong khi truyền nghề là những ấn tượng khó quên về những ông thầy Pháp”.
- Muốn biết thêm nhiều về Việt Nam
Để rút ngắn khoảng cách bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò, giữa những tình nguyện viên Pháp với học viên, lò bánh đã mời giáo viên về dạy một tuần 2 buổi tiếng Pháp, 4 buổi tiếng Anh, lo việc ăn ở cho học viên hết khóa học một năm rưỡi.
Không chỉ dạy nghề cho trẻ mồ côi, hai ông còn về nước tìm kiếm kinh phí từ bạn bè, người quen, đặc biệt là sinh viên Pháp để làm công tác từ thiện.
Cứ sáu tháng, các tình nguyện viên Pháp lại đeo ba lô đến làng trẻ và lò bánh mì đã trở thành cầu nối tình cảm Việt-Pháp. Người này đến người kia đi, công việc của họ đã thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai nước. 3g sáng hàng ngày, họ trực tiếp nhào bột, kiểm tra bánh, cùng thức, cùng học với các học viên để hoàn thành “nhiệm vụ” tình nguyện của mình.
Angtein, sinh viên trường kinh tế, tâm sự: “Chúng tôi muốn làm một điều nhỏ bé cho những trẻ không may mắn. Khi về nước tôi sẻ bảo nhiều bạn bè cùng sang giúp đỡ trẻ em mồ côi Việt Nam”.
Cũng như Angtein, Arnod, sinh viên ngành kinh tế chính trị sang Việt Nam làm tình nguyện viên trước khi về nhận việc tại Pháp. Arnod xem tình nguyện là việc làm ý nghĩa nhất để bắt đầu một việc mới trong cuộc đời. Và anh quyết định chọn lò bánh mì của Làng trẻ em Thủy Xuân để bắt đầu công việc tình nguyện ở Việt Nam. Vừa kiểm tra bánh cho vào thùng, Arnod tâm sự: “Ở Việt Nam chỉ sáu tháng nhưng tôi sẽ cùng bạn của mình làm thật nhiều điều cho trẻ em nghèo và mồ côi. Tôi muốn hiểu nhiều hơn về con người Việt Nam”.
Sebastien có vẻ suy tư hơn trước sự cởi mở của hai “đồng nghiệp”, đến với làng trẻ qua lời mời của Thomas và Crisof. Ông đến đây không chỉ việc làm tình nguyện viên mà còn muốn hiểu đất nước, con người Việt Nam. “Tôi nghe bạn bè kể rất nhiều về Việt Nam. Yêu con người Việt Nam hồn nhiên thân thiện, tôi muốn làm nhiều việc thiện hơn cho mảnh đất này”.
8 năm ra đời của lò bánh mì. Chừng ấy thời gian có không biết bao thanh niên, sinh viên tình nguyện Pháp đến đây, mang trong mình tình yêu Việt Nam để thắp lên ngọn lửa yêu thương con người.
Lê Phi - Triều Dương