
Mùa xuân năm 1976, chỉ huy Cơ quan tình báo quân đội (DIA) của Mỹ nhận được một báo cáo khẩn từ bộ phận cảnh báo phòng không khu vực phía Bắc tại Nhật, trong đó cho biết có một tai nạn hàng không vừa diễn ra ở vùng biển phía Đông hòn đảo Sakhalin. Một trong những chiếc máy bay ném bom chiến lược TU-95M của Liên Xô đang làm nhiệm vụ trực chiến tại vùng Viễn Đông đã bị rơi xuống vùng vịnh gần đó.
- Chiến dịch mang mật danh “Mặt trời xanh”

TU-95M – Loại máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô.
Theo các bức ảnh được chụp từ vệ tinh do thám, dường như phía Liên Xô không có kế hoạch tìm kiếm và trục vớt chiếc máy bay, cho dù rất có khả năng nó mang theo vũ khí hạt nhân. Khi đó, ban lãnh đạo của DIA bèn nảy ra một kế hoạch: tổ chức tìm kiếm, trục vớt và nghiên cứu chiếc máy bay trên.
Để đảm nhiệm việc này, DIA đã có trong tay chiếc tàu ngầm “Grayback” mới được hiện đại hóa lại để có thể thực hiện những nhiệm vụ do thám - phá hoại đặc biệt. Thiết bị tìm kiếm bằng siêu âm và các máy dò từ có độ nhạy cao mới được lắp trên tàu sẽ rất có lợi cho việc tìm kiếm.
Ban đầu, người Mỹ cũng có lý do để e ngại. Do chiếc máy bay rơi trong vùng hải phận Xô Viết, việc một chiếc tàu ngầm Mỹ xâm nhập vào và bị phát hiện có thể gây nên một vụ bê bối quốc tế. Nhưng cuối cùng, chiến dịch mang mật danh “Mặt trời xanh” đã được Hội đồng an ninh quốc gia chuẩn y trên nguyên tắc. Thế là chiếc tàu ngầm “Grayback” đã được lệnh rời khỏi căn cứ hải quân Yokosuka, mang theo ba nhân viên đặc nhiệm đường thủy của SEAL là đại úy Michael Grant, trung úy Drew Wood và thượng sĩ David Pirson. Họ được giao phần nhiệm vụ nguy hiểm nhất: nếu như phát hiện được chiếc máy bay rơi, cần phải tiến hành khảo sát kỹ càng và cố tìm kiếm những quả bom hạt nhân rất có thể được lắp trên khoang máy bay.
Khi phát hiện được “mục tiêu”, nhóm đặc nhiệm Mỹ lần ra khỏi khoang tàu “Grayback”, khi đó đang nằm bất động dưới đáy biển. Họ mang theo các máy kéo chạy bằng pin, máy dò âm, máy dò từ, radar và nhiều thiết bị chuyên dụng khác. Người đầu tiên “gặp may” là thượng sĩ Pirson, khi máy dò âm của anh ta phát hiện được một vật thể lớn. Khi áp sát thì đó là một phần sống đuôi của chiếc máy bay. “Bây giờ, cần phải tìm kiếm các mảnh còn lại của thân có khả năng nằm bên trái” – Grant quyết định và ra lệnh bằng tín hiệu cho cả nhóm quay sang hướng Nam. Giá trị hiển thị trên thiết bị đo phóng xạ cho thấy, độ phóng xạ đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn còn ở mức cho phép nên vẫn có thể bơi tiếp. Cuối cùng thì phần đuôi máy bay cùng với quả bom đã được tìm thấy đang nằm sâu phần lớn trong cát. Nửa giờ sau, một quả bom nữa được tìm thấy được nằm trong lớp bùn mỏng.
- Người Nga có biết đã bị mất hai quả bom?

Chiếc tàu ngầm đa chức năng “Grayback” đã trục vớt thành công 2 quả bom hạt nhân
Những kết quả khảo sát gây chấn động của chiếc tàu ngầm “Grayback” đã được chỉ huy DIA báo cáo ngay tại cuộc họp của “Ủy ban 40” siêu bí mật dưới sự điều hành trực tiếp của tổng thống Mỹ – bao gồm các quan chức tình báo cao cấp nhất của hải quân và không quân, các đại diện của Hội đồng an ninh quốc gia, CIA và Bộ Ngoại giao. Kết quả là sau hai ngày tranh luận gay gắt, kế hoạch trục vớt bom hạt nhân do DIA đề xuất cuối cùng đã được chuẩn y.
Chiếc tàu ngầm “Grayback” cũng được trao nhiệm vụ này, và theo dự kiến sẽ xếp những quả bom hạt nhân vào khoang chứa tên lửa có cánh của tàu. Lần này, các thành viên của SEAL còn được trang bị thêm những máy kéo mạnh với các cơ cấu nâng thủy lực và những bộ quần áo lặn đặc chủng tốt hơn. Sau khi thận trọng đào những quả bom ra khỏi lớp bùn cát dưới đáy biển, các nhân viên đặc nhiệm của SEAL không gặp mấy khó khăn để đưa hai quả bom lên tàu “Grayback”. Chiến dịch “Mặt trời xanh” đã kết thúc thành công.
Về sau, đại úy Michael Grant đã thường xuyên cảm thấy tò mò trước suy nghĩ rằng: Liệu người Nga có thể biết được việc họ đã bị lấy cắp mất hai quả bom hạt nhân hay không? Câu trả lời này có thể khẳng định qua những tiết lộ của chuẩn đô đốc Anatoli Styrov, cựu chỉ huy cơ quan tình báo của hạm đội Thái Bình Dương.
Theo ông, hạm đội đã không được thông báo về vụ tai nạn của chiếc máy bay TU-95M tại vùng biển Okhot. Nhưng các thông tin tình báo đã giúp xác định việc chiếc tàu ngầm “Grayback” xuất hiện ở căn cứ hải quân Yokosuka. “Grayback” đã được liệt vào danh sách là loại tàu đa chức năng đặc biệt, được trang bị lại để mang tên lửa có cánh và được sử dụng cho những mục đích trinh sát - phá hoại. Hồi năm 1967, chính chiếc tàu này đã tham gia đánh cắp một số thủy lôi loại mới nhất của Nga tại vùng biển phía Nam hòn đảo Ruski. Chỉ hai tháng sau, số mìn này đã có mặt tại New York.
Chiếc “Grayback” sau đó đã “mất tích” khỏi tầm ngắm của tình báo hải quân Xô Viết trong suốt 25 ngày. Đến khi xuất hiện trở lại tại căn cứ Yokosuka, hầu hết các thủy thủ trên tàu đều được khen thưởng vì đã hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Bằng việc phân tích lộ trình di chuyển, thời điểm vụ xảy ra tai nạn máy bay và đặc biệt là những thông tin vô tuyến thu được từ trung tâm phòng không của người Mỹ tại Nhật, Styrov đã khẳng định hai quả bom là mục tiêu mà người Mỹ đã nhằm vào. Ông cũng báo cáo lên chỉ huy hạm đội về khả năng người Mỹ đã trục vớt thành công hai quả bom hạt nhân, nhưng sau đó đã không có thông tin hồi âm.
Như Quỳnh (tổng hợp)