Ngày 14-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi) và thảo luận về chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội.
Luật hóa việc lấy phiếu tín nhiệm?
Tại phiên họp, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban Soạn thảo, cho biết dự án Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7. Về phạm vi sửa đổi, dự thảo thể hiện theo hướng sửa đổi các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức công việc, mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác trong nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội vào Luật Tổ chức Quốc hội. Các nội dung chi tiết về trình tự, thủ tục, lề lối làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ quy định trong các văn bản khác.
Đáng lưu ý, ông Phan Trung Lý đặt vấn đề: “Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5-2013), được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Vậy trong lần sửa đổi này, Luật Tổ chức Quốc hội có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không?”.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích, dù Hiến pháp không quy định, nhưng lấy phiếu tín nhiệm là quy trình để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp nên cũng không trái Hiến pháp và đã được tiến hành tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, được cử tri đồng tình cao, cho nên “cần cân nhắc rất kỹ nếu định bỏ ra khỏi dự thảo”. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng thì cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên chờ nghị quyết Trung ương tới sẽ hoàn thiện thêm, chứ không nên đưa ngay ra khỏi dự thảo luật. Tuy cũng tán thành việc luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi và Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đề nghị cần áp dụng Nghị quyết 35 thêm một thời gian, sau đó tổng kết nghị quyết rồi mới đưa vào luật.
Về việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình.
Tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng hải quan chống buôn lậu
Đây là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi tham gia ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Từ quan điểm đó, các ý kiến đồng tình với đề xuất trao thẩm quyền cho lực lượng hải quan áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu qua biên giới. Việc lực lượng hải quan được phép tạm giữ người và phương tiên buôn lậu bị bắt quả tang cũng đã được đa số ý kiến trong ủy ban thống nhất. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, luật cần quy định rõ những tiêu chí để áp dụng biện pháp tạm giữ; tạm giữ ở đâu, trong bao lâu, vi phạm xử lý theo hướng nào để ngăn chặn lạm quyền, vi phạm nhân quyền.
Liên quan đến mô hình tổ chức của lực lượng hải quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cùng cho rằng, việc quy định cơ quan hải quan gắn với địa giới hành chính như luật hiện hành là chưa phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, bảo đảm sự chặt chẽ trong việc thành lập tổ chức hải quan, đề nghị việc thành lập các cục, chi cục, đội kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà căn cứ vào khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đặc thù, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn.
ANH THƯ