Đầu tuần, bộ phim truyện về đề tài chiến tranh Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tiến Dũng đã có 2 buổi chiếu ra mắt dành cho các nhà phát hành và báo giới sau những thành công vang dội tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 18 (ẵm trọn các hạng mục giải thưởng danh giá nhất như phim hay nhất, biên kịch và nam - nữ diễn viên chính xuất sắc nhất…). Song trớ trêu là bộ phim được ngợi ca “trên cả tuyệt vời” và “xin được ngả mũ bái phục” sự sắc sảo trong tư duy nghệ thuật lẫn định hướng tư tưởng lại có một số phận khá long đong như thân phận nàng Kiều trong bối cảnh tranh tối, tranh sáng của cơ chế thị trường nghiệt ngã, khi mà ông đạo diễn phim phải “chạy” toát mồ hôi mới kiếm được tài trợ để trình làng “đứa con tinh thần” của mình: một suất chiếu do BHD ủng hộ, còn suất kia do các cựu chiến binh dầu khí gom góp.
Và câu hỏi thế bao giờ phim nổi đình đám này mới được công chiếu thương mại thì chắc chắn câu trả lời sẽ là “Hãy đợi đấy!”, còn phải chờ dài dài - như ta hay nói vui hãy chờ “bao giờ cho đến tháng 10”… vì sự ngần ngại của các đơn vị phát hành phần lớn do tư nhân nắm giữ.
Thật ra, với kinh phí làm phim chưa tới 12 tỷ đồng, tức là khoảng nửa triệu USD, trong đó nhà nước rót 8,6 tỷ đồng và khoảng 3 tỷ đồng do các nhà làm phim tự chạy bổ túc thêm thì bộ phim tuy chưa phải là siêu phẩm nhưng cũng rất đáng để xem, hình dung phần nào quá khứ oai hùng của dân tộc. Nhưng rất tiếc, phim này giống như đứa con được đẻ thuê với cha mẹ thật là các rạp chiếu tư nhân đã không thể phô diễn dung nhan thật.
Lỗi tại ai? Trước tiên phải nói các phim đặt hàng của nhà nước và phim nhà nước tài trợ thường có chung lỗi là rất yếu khâu quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nguyên nhân có nhiều nhưng tựu trung là không có tiền cho quảng cáo, tiếp thị… vì kinh phí rót về phải chi trả cho quá nhiều “cửa” như khi tiền về, hãng phim phải trích ra từ 30% thậm chí đến 50% để nuôi sống bộ máy của mình. Rồi chuyện ai cũng biết nhưng không ai dám nói là phải “bôi trơn” cho khâu “chạy” dự án và số còn lại ít ỏi mới thật sự là “của phim và dành cho phim”. Thứ hai, sự không quyết đoán của hệ thống phát hành cũng bởi phim nhà nước thường có kịch bản cứng nhắc, ít coi trọng giá trị nghệ thuật và chỉ cần ra đúng dịp kỷ niệm này nọ là xong.
Trên thực tế, rất ít đạo diễn muốn nhận những kịch bản làm phim theo kiểu này. Thứ ba, chuyện giải ngân đúng là nỗi khổ trần ai không của riêng ai và khổ hơn cả là giới điện ảnh. Sau vụ thất thoát 44 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh, Bộ Tài chính dường như nhìn về môn “nghệ thuật thứ bảy” với cặp mắt “mang hình viên đạn”. Ba bộ phim về đề tài lịch sử, lãnh tụ và đương đại của 3 hãng phim là Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải Phóng và Hồng Ngát Film dù đã được duyệt dự án từ năm 2011 với tổng dự toán 39 tỷ đồng, nhưng đến nay “đồng tiền xương máu” vẫn chỉ có ở trên giấy.
Mãi tới đầu tháng 12-2013, Bộ Tài chính mới hứa sẽ chuyển ngay 70% số tiền, tức khoảng 28 tỷ đồng để các hãng phim này có thể triển khai làm phim phục vụ cho các sự kiện năm 2014 và nhất là cho LHP phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3. Kết cục là nhiều phim nhà nước như nhiều người nói vui là “phim cúng cụ” chỉ chiếu phục vụ đôi lần là đem cất kho… để dịp lễ sau chiếu tiếp. Thi thoảng có phim chiếu thương mại như phim Cát nóng thì trụ được ở các rạp lớn không quá 3 ngày vì… khan hiếm khán giả. Dĩ nhiên, có những phim bị xếp hạng “thảm họa” nhưng nhìn chung các phim được giới phê bình đánh giá tốt như Hà Nội mùa đông năm 1946, Ngã ba Đồng Lộc, Đừng đốt… đều có doanh thu phòng vé thấp nếu so với kinh phí đầu tư. Và như thế mới thấy khổ cho bộ phim Những người viết huyền thoại phải hiện diện trong tâm thế trầm lặng của dòng phim nhà nước!
Âu rằng đó là số phận đã an bài. Song nhìn ra thế giới mới thấy chúng ta quá nhỏ bé và khiêm nhường. Ở nước Nga, dịp 70 năm trận chiến Stalingrad - một trận đánh vĩ đại đem lại bước ngoặt cho cục diện Thế chiến thứ hai - với khoảng 2 triệu người đã ngã xuống, nhà nước Nga đã quyết định đầu tư 30 triệu USD xây dựng bộ phim cùng tên. Đây là bộ phim được quay bằng công nghệ 3D đầu tiên của điện ảnh Nga và cũng là bộ phim không phải của Mỹ đầu tiên quay ở định dạng IMAX. Bộ phim (có phiên bản tiếng Việt) mô tả một mối tình xúc động trên nền cuộc chiến rực lửa tại Stalingrad đã phá vỡ doanh thu phòng vé trong tháng 11-2013:
Tại Nga, ngay trong tuần trình chiếu đầu tiên bộ phim đã thu về 30 triệu USD; tại Trung Quốc trong 3 ngày đầu tiên chiếu trên 7.000 rạp đã thu 8,3 triệu USD, vượt xa các phim “bom tấn” khác của Mỹ như The Immortal, Monsters Holiday... chiếu cùng dịp.
Có được thành công rực rỡ này là nhờ Tổng thống Nga Putin đã giao đúng việc cho đúng người là đạo diễn Fedor Bondarchuck, một đạo diễn trẻ tài ba có cha từng đoạt giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất (phim Chiến tranh và hòa bình và kịch bản phim không phải “to tát”, “vĩ mô”: Không tranh cãi về số phận tổ quốc, không nhằm đánh giá lại lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc, không phải câu chuyện triết lý bí ẩn về tình yêu và cái chết. Đơn giản là xem phim và không thể rời mắt khỏi màn hình trong suốt 135 phút.
Tất nhiên, không thể so sánh điện ảnh nước ta với một cường quốc điện ảnh như nước Nga. Nhưng vẫn còn đó băn khoăn: Giả sử Bùi Tiến Dũng được giao 30 triệu USD làm phim thì sao? Và chúng ta vẫn có quyền hy vọng một thế hệ đạo diễn trẻ có tâm, có tài, có tầm…
BÍCH AN