Hameco “gãy cánh”

Hameco “gãy cánh”

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cơ khí Hà Nội (HAMECO) là một doanh nghiệp hàng đầu của ngành cơ khí Việt Nam với bề dày 50 năm. Nhà nước ưu đãi cho vay hơn một trăm tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, được sử dụng 120.000m2 đất, gần 1.000 công nhân tay nghề cao… giữa lòng thủ đô. Một thời,  HAMECO được mệnh danh là “con chim đầu đàn” của ngành cơ khí Việt Nam. Thế nhưng “chim đầu đàn” này đang… gãy cánh.

Tiền tỷ vào túi ai?

Hameco “gãy cánh” ảnh 1

Một phần của dây chuyền đúc đang hoạt động không quá 10% công suất thiết kế

Sau nhiều năm khiếu kiện kéo dài về tình hình sai phạm trong sản xuất, điều hành của lãnh đạo Công ty HAMECO, từ ngày 22-5-2007 đến ngày 3-7-2007, đoàn thanh tra Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã tiến hành thanh tra và có kết luận về 4 nội dung khiếu kiện của CBCNV tại đây.

Kết luận về vấn đề quản lý, sử dụng đất đai (ki-ốt, sân bóng và khu thể thao) cho thấy: việc sử dụng đất đai là tài sản có nguồn gốc từ ngân sách, công ty đã giao cho Công đoàn quản lý, tự thu, tự chi với tổng số thu trên 358 triệu đồng, không được phản ánh vào sổ sách kế toán của đơn vị, do đó không kê khai thuế và đã làm thất thu thuế của Nhà nước.

Đặc biệt, thanh tra về dự án đầu tư chiều sâu đã thể hiện, HAMECO chưa tuân thủ những quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, Quy chế đấu thầu và quy định trong chi tiêu ngân sách nhà nước. Đối với một số gói thầu thuộc vốn vay tín dụng ưu đãi, công ty chưa thực hiện khoản thu thuế nhà thầu phải nộp cho ngân sách. Với một số gói thầu tự động hóa, HAMECO lập hồ sơ trước để giải ngân, thanh toán sai giá trị khối lượng gói thầu, thanh toán trùng lắp và không đúng nội dung công việc. Như vậy, tổng số tiền HAMECO phải xuất toán, thu hồi và giảm chi phí cho dự án là trên 1,3 tỷ đồng. Vấn đề khiến dư luận quan tâm là số tiền trên đã chảy vào túi ai?

Một số sai phạm điển hình

Dự án “Đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất Công ty HAMECO” được đầu tư số vốn hơn 164 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển trên 136 tỷ đồng; ngân sách nhà nước cấp thông qua chương trình quốc gia về tự động hóa là hơn 22 tỷ đồng, còn lại là vốn dự phòng. Tất cả không nằm ngoài mục đích tiếp sức đưa HAMECO thành doanh nghiệp cơ khí hàng đầu, có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên sau 5 năm, dây chuyền được mệnh danh là “hiện đại nhất ASEAN” này hoạt động chưa quá 10% công suất!? (công suất 12.000 tấn/năm, nhưng thực chất HAMECO chỉ thực hiện 1.200 tấn/năm!).

Trong quá trình thực hiện dự án, số vốn ngân sách hơn 22 tỷ đồng được Giám đốc HAMECO Lê Sĩ Chung chia thành nhiều gói thầu nhỏ để chỉ định thầu và gói thầu nào cũng có “vấn đề”.

Gói thầu TĐH7-02 “cung cấp thiết bị và phần mềm quản lý chất lượng đúc”, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Hải Hòa (giá trúng thầu 2.457.975.000đ). Vậy nhưng, trong quá trình thực hiện, Công ty Hải Hòa không đáp ứng được hợp đồng, không cử người đi đào tạo ở Nhật Bản như đã cam kết mà tự ý đào tạo bổ sung tại Malaysia, lập hồ sơ khống để nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, khi mới ký kết đã tạm ứng 50% giá trị hợp đồng… Đoàn thanh tra Bộ Công nghiệp đã yêu cầu xuất toán và thu hồi gói thầu giá trị 218 triệu đồng. Gói chỉ định thầu TĐH12-02 cũng vậy, thực hiện từ tháng 12-2002, nhưng đến nay hệ thống mạng giữa Tổng Công ty Máy và TBCN (MIE) với HAMECO (trị giá 313 triệu đồng), vẫn chỉ nối mạng bằng… điện thoại.

Gói thầu đào tạo chuyên sâu cho kỹ sư lập trình hệ điều khiển CNC và kỹ sư lập trình chuyển động Servo cũng không ngoại lệ (công ty dự kiến thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo 100 triệu đồng, thuê đào tạo lại cho cán bộ 400 triệu đồng). Ngày 18-3-2003, HAMECO ký hợp đồng với Học viện Kỹ thuật quân sự (HVKTQS), trị giá 500 triệu đồng, thực hiện trong 10 tháng. Ba ngày sau, hợp đồng chưa thực hiện nhưng HAMECO đã chuyển toàn bộ 500 triệu đồng cho HVKTQS… Thời gian đào tạo của HAMECO cũng không bảo đảm. Thực tế yêu cầu phải mất 600 ngày đào tạo thì HAMECO thực hiện chỉ có 243 ngày, nên đã thanh toán chi phí thừa cho HVKTQS khoảng 142 triệu đồng(!?). HAMECO cử 5 người đi học thì chỉ 3 người đạt yêu cầu.

Một thành viên đoàn thanh tra cho biết, gói thầu TĐH18-03, HAMECO ký với Công ty ADNT (hai hợp đồng ký ngày 5-1-2005 và 20-7-2005), giá trị quyết toán 125 triệu đồng. Thế nhưng, khoảng thời gian này, Công ty ADNT chưa thành lập và bản thân ADNT cũng không có chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế thủy điện.

 Đăng Minh

Tin cùng chuyên mục