Hạn chế mặt tối thế giới ảo

Hơn 20 triệu người Việt Nam đã gắn bó với internet. Trong số đó có khoảng 10 triệu game thủ. Con số này đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển hàng năm theo những tiện ích, những dịch vụ mà “thế giới ảo” ngày càng mang lại nhiều hơn: học tập, giải trí, trò chuyện, giao lưu, mua bán, liên lạc với chính quyền…

Thế nhưng, bên cạnh những tiện ích ngày càng to lớn mà internet và thế giới mà nó tạo ra mang lại, người ta cũng đồng thời nhận ra những mối đe dọa từ thế giới này. Bởi vì đây là thế giới mà mọi người có thể trao đổi với nhau qua một “nick name”, có thể giấu đi hình ảnh và “cái tôi” trong đời thật, nên đây cũng là thế giới mà người ta cảm thấy có thể thoải mái hơn khi thể hiện những cái xấu vốn được che đậy, khống chế bởi các quy tắc đạo lý và pháp lý đời thường.

Hiện nay, trong thế giới ảo đang tồn tại rất nhiều game online, website, mạng xã hội độc hại. Chúng thường được bắt đầu, được mời gọi người chơi bằng những mỹ từ: hiện đại, trẻ trung, hấp dẫn và miễn phí…

Tuy nhiên, đằng sau những mỹ từ đó là sự mất mát của người sử dụng: có thể là mất tiền, mất thời gian, hoặc thậm chí đánh mất chính mình! Thực tế đã chứng minh điều này khi có rất nhiều bạn trẻ đã phải vào bệnh viện chữa trị vì nghiện game online, nhiều bạn trẻ đã sa đà “nghiện” sex. Một số khác, nguy hiểm hơn, đã trở thành tội phạm của thế giới thật từ những ảnh hưởng của thế giới ảo!

Đã có những dự báo đáng ngại về một “cuộc chiến tranh thế giới trên mạng”. Đã có những bất đồng giữa các quốc gia lớn, bắt đầu từ những vấn đề của thế giới ảo, mà phổ biến nhất là thông qua các sự cố liên quan đến tin tặc và virus máy tính. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc bảo vệ thuần phong mỹ tục, gìn giữ đạo lý Việt Nam và bảo vệ người dân trước các tác động xấu của thế giới ảo, chúng ta cũng đang đứng trước một “bài toán” lớn: bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc làm này là không đơn giản khi các đối tượng thù địch đang sử dụng những thủ đoạn tinh vi, tìm mọi cách lôi kéo, lung lạc những con người thật thông qua thế giới ảo. Các vụ việc liên quan đến Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định… chính là cảnh báo.

Với xu thế công nghệ cao ngày càng phát triển và hội nhập toàn cầu, việc cấm đoán bằng mệnh lệnh hành chính là không nên và không thể. Tuy nhiên, ứng xử thế nào với nó để có thể phát huy nhiều nhất những điểm mạnh, hạn chế nhiều nhất những điểm xấu luôn luôn là một bài toán cần lời giải.

Đã có những nỗ lực của các chiến sĩ an ninh, cảnh sát trong việc truy tìm tông tích những tên tội phạm trong thế giới ảo. Đã có những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới ảo. Điều đó cần nhưng chưa đủ. Việc tự giác thực hiện điều tốt, tránh điều xấu của mỗi người dân mới chính là yếu tố quyết định để có thể làm sạch “thế giới ảo”.

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục