Hạn chế ngành nghề nhạy cảm với môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức họp góp ý cho dự thảo tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ và sông Đáy. Theo đó, nhiều giải pháp đã được đề ra như chỉ chấp thuận cho doanh nghiệp đầu tư khi có văn bản chấp thuận của các tỉnh hạ nguồn. Với những trường hợp xả thải đoạn sông thuộc khu vực lấy nước cấp sinh hoạt thì bắt buộc nước thải phải đạt loại A1… Tuy nhiên, xung quanh dự thảo này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, để có thể bảo vệ chất lượng nguồn nước lưu vực sông, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải thống nhất được thông tin chỉ số ô nhiễm cũng như kết quả quan trắc của các tỉnh thành. Trên thực tế, hiện mỗi tỉnh tự chi kinh phí cũng như tự đưa ra những con số quan trắc kết quả chất lượng nước khác nhau. Mặt khác, những con số này không được kết nối một cách logic. Do đó, mới xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. Điều này đã khiến cho nhiệm vụ bảo vệ chất lượng nguồn nước lưu vực sông cũng được thực hiện theo kiểu mỗi tỉnh một cách khác nhau, thiếu đồng bộ, thậm chí trái chiều nhau, gây lãng phí mà chất lượng nước vẫn suy giảm. Không chỉ vậy, việc cấp phép đầu tư cho các dự án ở các tỉnh thượng nguồn chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của tỉnh hạ nguồn là rất khó khả thi. Bởi điều này phụ thuộc vào cảm quan của từng tỉnh. Nên chăng có quy định chung về những lĩnh vực, ngành nghề nhạy cảm hạn chế hoặc cho phép hoặc không cho phép đầu tư khu vực thượng nguồn hay hạ nguồn… Khu vực được xác định là thượng nguồn cũng không phụ thuộc vào ranh giới địa chính của từng tỉnh mà phải là địa giới hành chính mềm.

Một nghiên cứu do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thực hiện đã chỉ ra rõ, có 23 ngành nghề nhạy cảm với môi trường cần hạn chế cho phép đầu tư gần nguồn nước, đặc biệt là vùng thượng nguồn. Cụ thể như ngành sản xuất sản phẩm hóa chất, thuốc lá; thuộc da, dệt nhuộm, tái chế pin và ắc quy, hóa chất cơ bản, thuộc da, sản phẩm hóa dầu; chế biến cao su, sản xuất và tái chế nhựa, phân bón và hợp chất nitơ, thuốc bảo vệ thực vật, tái chế thủy tinh và sản xuất sản phẩm từ thủy tinh, khí đốt. Đặc biệt là những cơ sở chuyên thu gom, xử lý chất thải; tái chế phế liệu… Nguyên nhân được lý giải là nếu những ngành nghề này có đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại đến đâu thì cũng khó tránh khỏi không gây hại cho môi trường. Đó là chưa kể, bất kỳ hệ thống xử lý chất thải nào cũng tiềm ẩn những sự cố. Trong trường hợp nếu có sự cố hệ thống xử lý chất thải hư hỏng hoặc bị ngưng hoạt động, những chất thải của ngành nghề này vì nhiều lý do chủ quan và khách quan được thải thẳng ra môi trường thì rất khó cải tạo chất lượng nguồn nước. Thậm chí, có những tổn hại cho nguồn nước mà không thể cải tạo hay phục hồi được.

Do vậy, để đảm bảo các tỉnh thành dọc lưu vực sông cùng thực hiện chung nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho chất lượng nguồn nước, Chính phủ cần thiết phải ban hành quy định chung về những ngành nghề nào được phép đầu tư, hoặc hạn chế hoặc cấm đầu tư ở những khu vực gần nguồn nước, khu vực thượng nguồn và hạ nguồn. Ngoài ra, cần triệt để thực hiện giải pháp phân vùng xả thải. Một doanh nghiệp khi đầu tư dự án tại một địa điểm tương ứng với mỗi vùng xả thải dù ở địa bàn của tỉnh thành nào đều phải tuân theo tiêu chuẩn chung. Có như vậy mới mong cải thiện tình trạng mạnh ai nấy quản lý, chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp tận dụng triệt để kẽ hở của luật để xả thải bẩn ra môi trường. Bản thân các tỉnh cũng có cơ sở để quy hoạch dài hơi cho việc đầu tư dự án xử lý chất thải, từng bước giải quyết được nhân tố gây ô nhiễm cho hệ thống lưu vực sông.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục