Tại hội thảo “Duy trì sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) để phục hồi sau thảm họa thiên tai” vừa diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đại diện Bộ NN - PTNT cho rằng, hiện DN vẫn thờ ơ với biến đổi khí hậu (BĐKH) vì nghĩ rằng không liên quan trực tiếp đến mình. Chính vì thế, các DN không chịu đưa ra các giải pháp phòng tránh thiên tai một cách có hiệu quả hoặc có những giải pháp thích ứng với BĐKH. Nếu DN không chống chọi nổi khi thiên tai xảy ra, người lao động sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Cần nâng cao nhận thức của DN
Hội thảo này là sáng kiến chung của Australia, Việt Nam, Singapore và lãnh thổ Đài Loan được thông qua trong khuôn khổ Nhóm công tác APEC về đối phó với tình trạng khẩn cấp (EPWG). Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, đại diện một số tổ chức quốc tế và DN Việt Nam nhằm chia sẻ những kinh nghiệm phòng chống thiên tai, cũng như đặt ra định hướng phát triển bền vững cho các DN trong việc phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN-PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Diệu cho biết, trong những năm qua, BĐKH gây ra những thiệt hại rất nặng nề về tính mạng con người và kinh tế. Việt Nam là một trong những quốc gia ven biển nên thường xuyên phải hứng chịu tổn thất do thiên tai gây ra. Mặc dù thiệt hại về tính mạng con người đã giảm dần, nhưng thiệt hại về kinh tế lại tăng. Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5°C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, những sự biến đổi dị thường này đã khiến thiên tai đến ngày một nhiều hơn và khốc liệt cao hơn.
Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên, với mức độ tàn phá nghiêm trọng, gây ra nhiều tổn thất kinh tế to lớn đối với các nước trong khu vực và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Chính vì thế, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhằm đảm bảo tăng trưởng an toàn, một trong những quan tâm của các thành viên APEC là nâng cao nhận thức của các DN về tầm quan trọng của kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh để phục hồi sau thảm họa thiên tai, đồng thời chia sẻ những thực tiễn tốt và các chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi sau thảm họa thiên tai trong các DN.
DN phải chủ động
Đưa ra những cảnh báo tác động nặng nề từ BĐKH, đại diện phụ trách APEC của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nhấn mạnh: BĐKH với những tác động ngày một tăng và khó lường sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường; đồng thời làm tăng khả năng bị tổn thương và cũng gây ra nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. “Các nước cần phải tìm phương án xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương có yếu tố phòng tránh giảm nhẹ thiên tai” - vị này khuyến nghị.
|
Để công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai hiệu quả, DN là một trong những lực lượng rất quan trọng góp phần làm công tác này được thực hiện tốt hơn. Cụ thể, tại những vùng đồng bằng ven biển, nước biển dâng gây tác động nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, các DN đầu tư cho sản xuất lương thực và thủy sản cần phải trích quỹ phòng tránh giảm nhẹ thiên tai để chủ động phòng tránh cũng như giảm bớt những hậu quả do thiên tai gây ra. Theo đại diện Bộ Du lịch Australia, quan trọng nhất là DN không thể ngồi yên một chỗ chờ thiên tai đi qua mà DN phải lập kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh. “DN phải chủ động lập kế hoạch ứng phó với BĐKH cũng như những hậu quả do thiên tai gây ra để đảm bảo cho DN tiếp tục hoạt động” - vị này đề nghị. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, tự mình ứng phó với thảm họa thiên tai là chuyện không dễ, vì vậy, cần những động thái tích cực từ phía Chính phủ để trang bị những kỹ năng cần thiết giúp DN đối diện, đối phó một cách có hiệu quả với thảm họa thiên tai.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã bàn về vai trò của cộng đồng DN trong bối cảnh thiên tai, làm thế nào để giúp DN phục hồi sau khủng hoảng; hỗ trợ xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh... Đại diện nhóm EPWG năm 2012 - 2013 cho biết, Việt Nam luôn tích cực đóng góp cho nỗ lực quốc tế và phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC và tổ chức khu vực nhằm nâng cao hợp tác trong ứng phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp. Đây là một trong những lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam hết sức quan tâm và có lợi ích thiết thực.
Hà Phương