Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 8 tháng đầu năm 2016, Hàn Quốc dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian này, tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới của Hàn Quốc tăng hơn 4,8 tỷ USD, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là sự đầu tư quy mô lớn của Hàn Quốc vào nước ta.
Mua sắm tại siêu thị Lotte. Ảnh: THÀNH TRÍ
Đầu tư toàn diện
Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trên hầu hết các ngành, các lĩnh vực như công nghệ cao, thương mại - dịch vụ, giải trí… Một số dự án tiêu biểu: LG Display Hải Phòng có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chuyên sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động (điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính bảng); dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD… Trong lĩnh vực bán lẻ, cuối năm 2015, Tập đoàn Shinsegae đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart đầu tiên tại quận Gò Vấp (TPHCM) với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, tập trung khai thác các mặt hàng có giá bình dân, phổ thông… Theo nghiên cứu thị trường của Công ty Nielsen Việt Nam, dự báo hoạt động mua sắm của người tiêu dùng Việt ở các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ chính thức sẽ tăng từ 25% hiện nay lên 40% vào năm 2020. Chính điều này đã dẫn tới sự lột xác của thị trường bán lẻ trong nước, mà minh chứng rõ nhất là việc các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào đầu tư, chiếm lĩnh thị phần trong vài năm gần đây. Tập đoàn Lotte đặt mục tiêu mở 60 siêu thị ở nước ta vào năm 2020.
Trong lĩnh vực giải trí, chuỗi rạp Lotte cũng không ngừng mở rộng kinh doanh tới 17 tỉnh, thành phố (TP). Giữa tháng 6-2016, Lotte Cinema đã khai trương cụm rạp tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, với 4 phòng chiếu phim có sức chứa trên 500 chỗ ngồi, nâng tổng số rạp trên cả nước lên con số 26. Riêng CGV, tính đến cuối năm 2015 đã cán mốc 30 cụm rạp với 196 phòng chiếu trên cả nước. CGV tăng gấp 1,5 số rạp so với năm 2014, kéo theo doanh thu đạt gần 1.800 tỷ đồng trong năm 2015. Lãnh đạo các hệ thống rạp này cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam trong thời gian tới, nhất là giai đoạn từ 2016-2020.
Ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị, rạp chiếu phim, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Hàn Quốc (Lotte, Emart, CGV…) vào dịp cuối tuần trong những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9-2016, số lượng người từ các quận, huyện lân cận của TPHCM đổ về vui chơi, mua sắm, xem phim khá đông. Riêng những đợt nghỉ lễ, tết dài ngày như lễ 30-4, Quốc khánh 2-9…, khách hàng tăng đột biến dẫn đến cảnh chen lấn, xếp hàng. Lê Thị Mai Anh, sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM, nhận xét: “Mì cay Hàn Quốc 7 cấp độ, các bộ phim, trang phục Hàn… đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam, được giới trẻ rất yêu thích. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nắm bắt tốt thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là lớp trẻ”.
“Nuốt” thị trường Đông Nam Á
Tại buổi xúc tiến quảng bá du lịch các tỉnh phía Đông Nam Hàn Quốc diễn ra mới đây ở TPHCM, ông Kang Joon Koo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các công ty du lịch lữ hành của TP Busan, chia sẻ với Báo SGGP rằng các nhà đầu tư Hàn Quốc sớm nhận ra tiềm năng, sức hút của thị trường Việt Nam. Ngoài ra, chính sự vươn lên mạnh mẽ của điện ảnh xứ sở kim chi cũng đã góp phần thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Phong cách, lối sống Hàn Quốc qua phim ảnh đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng Việt Nam nói riêng, các quốc gia Đông Nam Á nói chung. Còn theo một lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì việc các nhà đầu tư Hàn Quốc ồ ạt đổ bộ vào nước ta là tín hiệu tích cực. Thế nhưng, nhìn rộng hơn, Hàn Quốc đang chọn Việt Nam làm bàn đạp tiềm năng để “tấn công” vào thị trường Đông Nam Á.
Tập đoàn CJ, từng là thành viên của Samsung, là một ví dụ điển hình về cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp giải trí, bán lẻ của Hàn Quốc vươn chân rết tới các quốc gia Đông Nam Á, cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, CJ bắt đầu chú trọng đầu tư, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Hiện tập đoàn này trở thành “anh cả” của ngành truyền thông, giải trí xứ Hàn. Tại thị trường Việt Nam, nổi bật có CJ-CGV (đang có hàng loạt cụm rạp ở khắp các tỉnh thành), SCJ Life On (kênh bán hàng trực tuyến trên hệ thống truyền hình cáp SCTV)…
Nhận định về đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, Th.S Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, nói hơn 10 năm qua, hoạt động đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng về quy mô, đa dạng về các loại hình. “Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam mang lại nhiều cơ hội trong ngắn hạn cũng như về lâu dài. Cụ thể, Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong quản lý cả ở tầm quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia. Các hình thức hợp tác, liên doanh với Hàn Quốc mang lại nhiều lợi ích về dịch chuyển dòng vốn, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho các chuyên gia và công nhân. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước. Có thể nhiều doanh nghiệp không giữ được thị phần, thậm chí phá sản vì các thương hiệu có đẳng cấp, vượt trội của Hàn Quốc xâm nhập rộng. Ngoài ra, hiện tượng chảy máu chất xám nguồn lao động chất lượng cao; văn hóa lai căng, chạy theo trào lưu cũng tìm cách len lỏi vào từng gia đình”, Th.S Nguyễn Hoàng Dũng phân tích.
THI HỒNG