Hàng loạt công trình trọng điểm có nguy cơ trễ hạn

Hàng loạt công trình trọng điểm đang có nguy cơ không hoàn thành đúng hạn chỉ vì mặt bằng chậm trễ bàn giao.
Hàng loạt công trình trọng điểm có nguy cơ trễ hạn

Hàng loạt công trình trọng điểm đang có nguy cơ không hoàn thành đúng hạn chỉ vì mặt bằng chậm trễ bàn giao.

Trong lịch sử của ngành công chính TPHCM, việc trễ hạn các dự án cơ sở hạ tầng không phải là chuyện hiếm. Nói cách khác, dự án chậm tiến độ không phải là điều gì mới mẻ đối với các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Chỉ đáng nói ở chỗ đó đều là những hạng mục, những gói thầu thuộc các dự án trọng điểm hoặc có tầm cỡ, tức là được quan tâm chăm sóc nhiều hơn.

Thi công cầu Kinh tại quận Bình Thạnh những ngày tháng 7-2014. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Thi công cầu Kinh tại quận Bình Thạnh những ngày tháng 7-2014. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Lý do chính và thường gặp nhất vẫn chung quanh cụm từ “giải tỏa mặt bằng”. Có thể khẳng định rằng từ bao đời qua, giải tỏa mặt bằng vẫn là chướng ngại hàng đầu, đáng gờm nhất trong việc triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Điều này vẫn đúng cho đến thời điểm hiện nay.

Theo phân cấp, thẩm quyền thụ lý khâu giải tỏa mặt bằng thuộc về chính quyền địa phương. Vì thế ngành công chính thành phố dù có “ba đầu sáu tay” lắm khi cũng phải chịu trận, không thể thúc đẩy tiến độ công trình thi công nếu địa phương chậm trễ bàn giao mặt bằng.

Mới đây nhất, báo cáo với Ban Kinh tế Ngân sách - Hội đồng Nhân dân TPHCM, Sở Giao thông Vận tải đã nhiều lần than trời vì nhiều địa phương đang chậm trễ bàn giao mặt bằng thi công hàng loạt công trình trọng điểm.

Dự án xây dựng tỉnh lộ 10B dài hơn 5,8km đi qua quận Bình Tân, huyện Bình Chánh là một ví dụ. Theo phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3159/QĐ-UBND của UBND thành phố hồi tháng 7-2007, tỉnh lộ 10B là công trình thuộc danh mục trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng. Đến nay đã 7 năm trôi qua nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành, chính xác là mới hoàn tất thi công 90% trong chiều dài toàn tuyến 5.830m! Lý do là cả quận Bình Tân lẫn huyện Bình Chánh vẫn chưa bàn giao xong mặt bằng. Tại quận Bình Tân, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng công trình là 119 nhưng chỉ mới có 114 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, 5 trường hợp còn lại thì chưa xong. Trong khi đó ở huyện Bình Chánh, có 84 trường hợp bị ảnh hưởng, bao gồm 52 trường hợp giải tỏa trắng, 17 trường hợp giải tỏa một phần, 17 trường hợp đất trống và một trụ sở văn phòng ấp. Thế nhưng Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 không thể tổ chức thi công vì Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh chưa bàn giao mặt bằng, mặc dù 32 hộ dân đã giao mặt bằng cho huyện.

Công trình nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch chạy qua hai quận Gò Vấp và Tân Bình cũng rơi vào tình trạng tương tự. Công trình được khởi công từ cuối năm 2007 nhưng đến nay chỉ mới có đoạn qua quận Gò Vấp được thi công xong trong khi đoạn ở phía quận Tân Bình thì vẫn còn vang lên điệp khúc “dự kiến hoàn thành”. Đoạn đường Phạm Văn Bạch nâng cấp mở rộng đi qua địa bàn quận Tân Bình gồm có 5 nhánh, ngoại trừ nhánh 1 đã thi công xong năm 2009, 4 nhánh còn lại vẫn đang mòn mỏi chờ bàn giao mặt bằng. Thậm chí từ đầu tháng 10 năm ngoái, công trình đã phải tạm dừng thi công vì chưa có mặt bằng. Đi sâu tìm hiểu mới biết 4 nhánh còn lại của dự án đi qua quận Tân Bình có 574 trường hợp bị giải tỏa nhưng đến nay chỉ mới có 94 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, tức là vẫn còn hơn 80% số trường hợp vướng mắc đền bù giải tỏa.

Trong danh sách các dự án có nguy cơ trễ hẹn vì chậm bàn giao mặt bằng còn có nhiều dự án khác như dự án nâng cấp mở rộng cầu Kinh Thanh Đa nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh; dự án xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh tại vị trí cổng chính Trường Đại học Quốc gia TPHCM đi qua các quận 9, Thủ Đức và một phần thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương; dự án sửa chữa nâng cấp tỉnh lộ 9 thuộc huyện Củ Chi; dự án cầu Phước Lộc huyện Nhà Bè; dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến xa lộ Hà Nội thuộc quận 2…

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục