Sau bài “Mua nhà đất bằng hợp đồng góp vốn: Rủi ro khi hợp đồng không đúng với giá thực tế” đăng trên Báo SGGP, số ra ngày 26-3-2012, nhiều bạn đọc phản ánh tiếp về tình trạng hợp đồng mẫu do các công ty địa ốc đưa ra vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Giờ đây, nhiều dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, có nguy cơ dẫn đến tranh chấp mới lòi ra hàng loạt những vi phạm khác...
Hợp đồng: Quyền và nghĩa vụ không bình đẳng
Hầu hết các hợp đồng góp vốn vào dự án bất động sản mà bạn đọc cung cấp đều có quy định bất bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Cụ thể, trách nhiệm phạt hợp đồng luôn quy định bất lợi cho nhà đầu tư (người mua) như chậm thanh toán sau một tháng bị phạt lãi suất, thậm chí bị chủ đầu tư (công ty bán) đơn phương chấm dứt hợp đồng, trong khi đối với công ty bán thì có quyền giao nhà chậm đến 4-6 tháng vẫn không bị chế tài gì. Việc xử lý vi phạm cũng thế, nếu người mua vi phạm hợp đồng, công ty bán được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và được quyền phạt đến 50% giá trị hợp đồng. Tức nếu người mua căn hộ có trị giá 1,5 tỷ, nhưng mới đóng 750 triệu đồng rồi vi phạm hợp đồng, công ty bán có quyền phạt 50% trị giá hợp đồng, tức coi như người mua mất trắng khoản tiền đã đóng. Trong khi đó, nếu công ty bán vi phạm hợp đồng, người mua đơn phương chấm dứt hợp đồng thì công ty chỉ trả lại khoản tiền thực tế mà người mua đã đóng và chịu phạt lãi suất theo lãi suất cơ bản của nhà nước.
Chị Nguyễn Hạnh Mỹ (quận 3) kể, chị góp vốn vào một dự án ở Tân Phú nhưng khi mua nhân viên cứ nói đó là hợp đồng mẫu, áp dụng thống nhất, ai cũng như thế, thậm chí nhân viên còn đưa ra hợp đồng do một lãnh đạo đã ký để cho thấy hợp đồng không vấn đề gì. Vì không hiểu biết pháp luật, không hiểu những từ ngữ trong hợp đồng nên chị đã ký theo, giờ phát sinh tranh chấp mới thấy những điều trong hợp đồng là bất hợp lý. Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Trưởng Văn phòng Luật sư An Luật cho biết, đối với những hợp đồng mẫu quy định quyền và nghĩa vụ của các bên không cân xứng là vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, khi xử lý tranh chấp, có thể tòa sẽ xem xét và không chấp nhận những điều khoản bất hợp lý đó.
Chiếm dụng cả tiền thuế
Bạn đọc thanhtong50@...com bức xúc phản ánh mình đã góp vốn vào dự án của Hợp tác xã Hà Quang từ năm 2007 và phải chịu số tiền chênh lệch đến 200 triệu đồng nhưng đến giờ dự án vẫn im hơi lặng tiếng. Vì là tiền chênh lệch, không có giấy tờ gì, nên nếu tranh chấp người mua sẽ bất lợi. Đó là lý do nhiều người mua dù bức xúc nhưng ngại kiện tụng.
Không riêng dự án Hà Quang, nhiều dự án căn hộ đã nhận tiền của khách một phần, nhưng rồi không đủ vốn để xây dựng hoàn chỉnh nên dự án chậm tiến độ. Khi xảy ra tranh chấp mới phát hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản không chỉ vi phạm với khách hàng mà còn vi phạm các quy định về thuế. Thế nhưng, thật khó hiểu các cơ quan chức năng không xử lý rốt ráo vấn đề. Cụ thể, Công ty TNHH XD TM DV SX Đại Thành thu tiền của nhà đầu tư theo tiến độ, trong đó giá bán là giá đã có thuế nhưng Đại Thành lại ghi trong hợp đồng, sẽ xuất hóa đơn sau khi nhà đầu tư đã nộp đủ tiền (tức khoảng 2 năm sau). Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM, cho biết việc đã thu tiền mà không xuất hóa đơn cho khách hàng theo từng đợt thu là không đúng quy định pháp luật. Do vậy, những điều khoản ghi trong hợp đồng nhưng vi phạm pháp luật sẽ không được chấp nhận.
Thế nhưng, không hiểu vì sao chúng tôi đã phản ánh vi phạm của Công ty Đại Thành với Chi cục Thuế Tân Bình (đơn vị quản lý thuế của Công ty Đại Thành) hơn 4 tháng qua nhưng chi cục thuế vẫn chưa xử lý vi phạm, khách hàng vẫn không nhận được hóa đơn. Thử hỏi, nếu một dự án hàng trăm căn hộ, số tiền thu là hàng trăm tỷ đồng nhưng doanh nghiệp lại chiếm dụng thuế giá trị gia tăng của nhà nước hàng năm trời thì trách nhiệm của cơ quan thuế ở đâu?!
CHẾ HÂN