Hàng ngoại... giá bèo

Hàng ngoại... giá bèo

Tối  10-1, chúng tôi có mặt tại khu chợ đêm Kỳ Hòa. Không khí mua bán  nhộn nhịp, người mua chen nhau tại các quầy bán hàng giá rẻ. Đến đây mới thấy hàng dệt may, giày dép giá rẻ bất ngờ, chỉ có 10.000-20.000 đồng/sản phẩm.

Trong đống áo pull đổ chất thành đống, cũng  có thể tìm thấy những chiếc áo đẹp. Hàng có mác ngoại đàng hoàng, kiểu dáng thời trang, màu sắc đa dạng tha hồ chọn, giá lại rẻ hơn cả hàng Việt Nam bán giảm giá.

Hàng ngoại... giá bèo ảnh 1

Dạo một vòng trên các tuyến đường Cao Thắng, Nguyễn Đình Chiểu… nhiều đoạn đường bị kẹt xe do người mua hàng dựng xe đứng chờ nhau quá đông. Các cửa hàng thời trang Việt Nam từ quần áo, giày dép đến thời trang công sở đều đông nghịt người lựa chọn, mua sắm.

Tuy nhiên, các cửa hàng bán đồ Hàn Quốc, bán giảm giá hàng Trung Quốc bao giờ cũng đông hơn. Lý do đơn giản là hàng quá rẻ. Trong khi đó, giá bán hàng tồn kho của một đơn vị dệt khá lớn của Vinatex cũng cao hơn, bình quân 20.000 đồng/áo pull nữ và 35.000 đồng/áo Polo-shirt nam.

Giám đốc một doanh nghiệp dệt lớn nhất phía Bắc kể với chúng tôi, năm 2004 hàng jean bán chạy không kịp sản xuất nhưng năm 2005 chựng lại, thiết bị chỉ khai thác khoảng 70%-75% công suất do “đụng” hàng Trung Quốc và Ấn Độ đang tràn ngập thị trường, không chỉ là vải jean mà còn là sản phẩm thời trang, các loại quần jean rất đẹp, nhiều kiểu dáng, đã mài (wash) có giá bán lẻ chỉ từ 60.000 đến 80.000 đồng/cái.

Sản xuất trong nước không thể có giá đó được. Lý giải vì sao hàng Trung Quốc giá rẻ như thế không ai hiểu nổi. Chỉ lờ mờ biết rằng năng suất lao động của họ cao, nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ… nhưng tính đúng tính đủ thì vẫn không thể rẻ đến như thế.

Tuy nhiên, trong câu chuyện của một giám đốc doanh nghiệp có một thông tin đáng lưu ý. Đó là có người đến chào bán 500.000m vải ka-ki giá chỉ 7.000 đồng/mét, lô hàng không giấy tờ. Doanh nghiệp nhà nước không dám mua số hàng này nhưng một công ty thương mại tư nhân có thể “ôm”, vì theo tính toán, nếu bỏ ra chạy giấy tờ hợp lệ thì giá tăng gấp đôi, khoảng 14.000 đồng/mét, trong khi sản xuất trong nước phải 17.000-18.000 đồng/mét.

Kiểu làm này khá phổ biến, vì vậy bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần vào cuộc để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, mới đủ sức cạnh tranh với các loại hàng ngoại giá bèo.

PHƯỚC NGỌC

Tin cùng chuyên mục