Hàng rong… xuống phố

Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, TPHCM cấm bán hàng rong, để xe lấn chiếm vỉa hè ở hơn 100 tuyến đường trên địa bàn TP. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường không những không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng.
Hàng rong… xuống phố

Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, TPHCM cấm bán hàng rong, để xe lấn chiếm vỉa hè ở hơn 100 tuyến đường trên địa bàn TP. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường không những không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng.

Hàng rong nhan nhản

Danh sách 100 tuyến đường đăng ký thực hiện không để bán hàng rong, không sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán và để xe là do các quận, huyện khảo sát và tự giác đăng ký thực hiện. Tức địa phương không cho phép và không cấp phép sử dụng vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán, giữ xe. Trong đó, một số quận trung tâm tiến tới xóa bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè, lề đường. Thế nhưng, cam kết cho có hình thức, thực tế thời gian qua nơi làm, nơi không. Hiện nay nhiều nơi tình trạng buôn bán hàng rong, để xe trên vỉa hè vẫn tràn lan, không còn đường cho người đi bộ.

Bán hàng rong trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Ảnh: CAO THĂNG

Một trong những nơi được cho là bộ mặt của TP như Công viên 30-4, tình trạng buôn bán cà phê, nước giải khát, bán hàng rong nhếch nhác mời chào khách du lịch vẫn nhộn nhịp. Ngay trước cổng Công viên Tao Đàn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, các xe đẩy bán xôi, bán chè, nước sâm, bánh mì, trái cây… đậu trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường bán cho người đi đường và khách dạo chơi công viên. Chúng tôi ghé vào mua trái dừa vừa uống, vừa hỏi thăm người bán. Anh bán dừa trả lời: “Trời ơi! Khổ lắm, bị dí hoài chứ gì nhưng đuổi hoài cũng ngán, giờ lâu lâu họ mới đi một lần. Thấy họ tới, tui gánh đi là xong. Mấy người đẩy xe mới lo”. Dọc vỉa hè đường Lý Tự Trọng, đoạn trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2, đường Mạc Đĩnh Chi, tràn lan điểm bán cà phê cóc, thức ăn… Lấn chiếm nhiều nhất là đường Nguyễn Trãi. Suốt ngày đêm, tuyến đường này kẻ bán người mua, hàng hóa giăng kín hết vỉa hè. Tình trạng này cũng nhan nhản trên đường Võ Văn Tần, Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đình Chiểu, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh… Ngay tuyến đường mẫu về thực hiện văn minh đô thị như đường Lê Thánh Tôn, quận 1 cũng nhan nhản những hình ảnh buôn bán trên vỉa hè thiếu thẩm mỹ và mất vệ sinh.

Thiếu chỗ để xe?

Chủ trương thực hiện các tuyến đường kiểu mẫu là quyết tâm của lãnh đạo TP. Mục tiêu là để các tuyến đường sạch đẹp, trật tự nề nếp hơn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP không cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm đỗ hoặc kinh doanh điểm đỗ xe. Với mục tiêu trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè và đường phố, thời gian qua, Sở GTVT TPHCM cùng các quận huyện đã rà soát và công bố danh mục các tuyến đường không được phép giữ xe hai bánh, buôn bán trên vỉa hè, đậu ô tô. Trong các cuộc họp giao ban An toàn giao thông hàng tháng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng phê bình các quận huyện thực hiện chưa quyết liệt, chưa xử lý nghiêm việc sử dụng, lấn chiếm lòng, lề đường, buôn bán hàng rong trên các tuyến đường trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng, cái khó là xử lý những người buôn bán hàng rong, vì họ chủ yếu là dân nhập cư, không có địa chỉ cụ thể nên khó xử lý!

Đối với tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, việc xử phạt cũng gặp không ít khó khăn. Xử phạt thì họ không chịu đóng. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương chấn chỉnh trật tự lòng lề đường nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông của TP rất đúng nhưng quá trình thực hiện chưa mang lại hiệu quả, chỉ giải quyết được phần ngọn. Do nhu cầu cần có chỗ giữ xe và kinh doanh của người dân là thật, trong khi ngay tại khu vực trung tâm TP rất khó kiếm ra bãi giữ xe. Để xử lý rốt ráo tình trạng này, cần phải có chính sách căn cơ.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 119 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng; 13 tuyến cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và khoảng 30 tuyến cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục