Trong khi thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam (VN) đang bị co lại, kim ngạch xuất khẩu sang Campuchia (CPC) vẫn tăng trưởng 30%/năm. Làm gì để thương mại 2 chiều tăng trưởng bền vững và hai nước trở thành đối tác kinh tế quan trọng giai đoạn 2010 -2020? Đây là nội dung được thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới VN – CPC hôm qua 6-5.
- Tiềm năng nhưng khó khai thác
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, CPC được đánh giá là thị trường xuất khẩu quan trọng và nhiều tiềm năng của VN. VN – CPC có chung đường biên giới 1.137 km, trải dài qua 10 tỉnh của VN và 9 tỉnh của CPC. Hiện toàn tuyến biên giới có 10 cặp cửa khẩu quốc tế, 12 cặp cửa khẩu chính vàø 25 cửa khẩu phụ, ngoài ra còn nhiều đường mòn phục vụ cho việc qua lại giao lưu, trao đổi hàng hóa dân cư hai nước.
Tập quán cũng như nhu cầu tiêu dùng của hai nước có rất nhiều nét tương đồng, điều này giúp doanh nghiệp (DN) VN có nhiều lợi thế trong việc xuất khẩu hàng hóa. Nhiều nhóm hàng tiêu dùng của VN như hóa mỹ phẩm, mì ăn liền, nhựa và sản phẩm nhựa, phân bón… chiếm tới hơn 50% thị phần tại nước này. Trong khi đó, VN chủ yếu nhập khẩu các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Lợi thế xuất khẩu sang CPC rất lớn, song với các DNVN, CPC chỉ dừng ở mức thị trường tiềm năng, tuy gần nhưng vẫn rất xa! Vì sao? Theo ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại Công ty Nutifood, gần đây tỷ lệ người dân CPC biết đến sữa và các sản phẩm từ sữa mang thương hiệu Nutifood ngày càng tăng, thông qua các hội chợ và các kênh truyền thông, nhưng do thuế suất lên tới 35% nên các DNVN trong ngành sữa mới chỉ đưa hàng vào CPC thông qua tiểu ngạch, chỉ chịu thuế VAT 10%.
Mặt khác, chi phí để đưa hàng vào hệ thống siêu thị (gồm thủ tục chuyển đổi, dịch thuật thông tin sản phẩm từ tiếng Việt qua tiếng Anh hoặc CPC) rất cao, đã trở thành bài toán khó khi DN xuất khẩu vào thị trường này.
Cùng quan điểm này, ông Lại Quốc Đoàn, Công ty Đại Đồng Tiến cũng bổ sung thêm, hàng Việt đang có một chỗ đứng quan trọng tại CPC, nhất là các sản phẩm từ nhựa. Nhưng nhiều DN còn e ngại thủ tục hành chính rườm rà, hải quan không rõ ràng và thuế suất chính ngạch quá cao. Ngoài mức thuế nhập khẩu 7% và thuế VAT 10%, các DN phải chịu phí nhập khẩu cục hải quan 120 USD/lần, chi phí khai báo hải quan 200 USD/container – mức quá cao so với giá trị lô hàng chỉ khoảng 16.000-18.000 USD!
Bà Phạm Lệ Huỳnh Mai, Công ty Colusa – Miliket so sánh, giá tiền vận chuyển từ VN sang Pháp cho cùng một khối lượng hàng (bằng đường tàu) chỉ ở mức 85 USD, nhưng từ VN sang CPC (bằng đường bộ) lên tới 95 USD. Chi phí cao khiến giá 1 thùng mì đã đội thêm 20.000 đồng. Đại diện Công ty Nhựa Chợ Lớn nói thẳng, không chỉ thủ tục hải quan vào CPC quá rườm rà, chi phí cao, mà phải “lót tay” nhân viên hải quan hàng mới đi được.
- Biến lợi thế thành hiện thực
Theo Bộ Công thương, năm 2010 kim ngạch 2 chiều VN – CPC nhiều khả năng đạt 2 tỷ USD. Đến năm 2015, phấn đấu tăng kim ngạch lên 7 tỷ USD. Phân tích của Bộ trưởng Thương mại CPC cho thấy, con số thống kê được chỉ là phần nổi, chưa phản ánh đúng thực tế vì buôn bán 2 chiều dạng tiểu ngạch lớn hơn rất nhiều. DNVN đang đứng trước cơ hội lớn để xuất khẩu hàng sang CPC.
Các DN khẳng định, hàng hóa của VN có nhiều khả năng sẽ vươn lên đầu bảng tại CPC, nếu phía bạn công khai các chế độ ưu đãi và các chính sách thuế, phí, giúp các DN cập nhật các thông tin một cách dễ dàng, đồng thời có hành lang pháp lý đảm bảo thực hiện được các vấn đề này.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ và bộ - ngành hai nước cần thực hiện triệt để những vấn đề được đặt ra tại hội nghị. Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ hai bên xem xét ký kết các hiệp định cần thiết, thống nhất các khung pháp lý, tạo điều kiện cho DN hai nước hoạt động (như Hiệp định Bảo hộ đầu tư VN – CPC; Hiệp định Vận tải qua biên giới; Hiệp định thanh toán nhằm đảm bảo an toàn cho DN, trong đó các ngân hàng VN hiện diện nhiều hơn tại CPC).
Thứ hai, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống kho vận, điểm giới thiệu hàng hóa. Thứ ba, bàn bạc và thống nhất phương thức cụ thể về kinh doanh, hỗ trợ thương nhân, trao đổi thương mại và du lịch biên giới, phát triển cung cấp thông tin kịp thời liên quan đến thủ tục hải quan, thủ tục hành chính và các chính sách về xuất nhập khẩu. Thứ tư, tăng cường cơ chế phối hợp giữa 2 tỉnh cận biên để trao đổi thông tin, chỉ đạo điều hành quan hệ biên giới ngày càng tốt hơn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, CPC là thị trường chiến lược của VN, do vậy những vấn đề của hai nước đặt ra tại hội nghị sẽ được tổng hợp và bóc tách triển khai cụ thể. Phần việc nào thuộc thẩm quyền cấp bộ và tỉnh nên được giải quyết rốt ráo, còn lại sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và tháo gỡ những vướng mắc cho DN
THÚY HẢI