Hàng xuất khẩu Việt Nam - Tiềm năng và hiện thực

Bài 1:
Hàng xuất khẩu Việt Nam - Tiềm năng và hiện thực

Bài 1: ASEAN và niềm tin hàng Việt

“Chưa bao giờ người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) lại biết nhiều đến hàng hóa mang thương hiệu “Made in Vietnam” như hiện nay. Hàng Việt đã có sức cạnh tranh rất lớn, trở thành đối thủ đáng gờm của Thái Lan, Trung Quốc tại nhiều nước ASEAN”, đây là nhận xét chung của các đối tác về vị thế của hàng Việt tại các hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư tổ chức tại Ấn Độ, Myanmar và Campuchia.

Sản xuất đồ hộp xuất khẩu sang Campuchia tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất đồ hộp xuất khẩu sang Campuchia tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG

Hàng Việt tại Campuchia: nghe và thấy

Đầu tháng 4-2011, trong chuyến tháp tùng đoàn lãnh đạo của TPHCM và doanh nghiệp (DN) tham dự Hội chợ triển lãm Thương mại – dịch vụ Việt Nam – Campuchia  2011 (Ho Chi Minh City Expo 2011), chúng tôi đã chứng kiến người dân Campuchia “khát” hàng Việt đến nhường nào.

Gần 300 gian hàng giới thiệu và bày bán khoảng 10 nhóm mặt hàng của gần 150 DN Việt Nam đã được bán hết sau gần 2 ngày khai mạc hội chợ. Người ta đi mua hàng Việt đi như đi hội. Không cầm lên đặt xuống, không trả giá, hầu hết người tiêu dùng ở đây tỏ ra rất sành điệu khi kể tên các DN, những nhãn hàng nổi tiếng của VN như Vinamilk, Vissan, Kinh Đô,…

* Theo Bộ Công thương VN, năm 2010 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Indonesia và sự phát triển bền vững của các thị trường Campuchia và Myanmar đối với xuất khẩu của VN. Xuất khẩu sang Indonesia tăng 91,6%, Brunei tăng 84%, Myanmar tăng 47% và Campuchia 35,2%. Đáng chú ý, Đông Timo là thị trường mới và không có chỉ tiêu trong kế hoạch xuất khẩu năm 2010, nhưng kim ngạch cũng đạt 53 triệu USD, cao hơn kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Myanmar (50 triệu USD).

Tại khu vực chợ trung tâm ở Thủ đô Phnôm Pênh, hàng Việt Nam xuất hiện chủ yếu là quần áo, giày dép, mì gói và các mặt hàng hóa phẩm. Giá bán hàng Việt tại Campuchia cao hơn bình quân khoảng 20%-25% so với sản phẩm cùng loại bán tại TPHCM. Với mức giá này, hàng Việt đang cạnh tranh ngang ngửa về giá so với hàng Thái và Trung Quốc nhưng về chất lượng được người dân Campchia tin tưởng tuyệt đối.

Tại các cửa hàng tạp hóa, hàng Việt chiếm khoảng 1/3 trong tổng số các mặt hàng bày bán. Có đi mới biết, tại Phnôm Pênh, tỷ lệ người nói rành tiếng Việt rất nhiều. Từ các chợ, cửa hàng tạp hóa đến các khách sạn 5 sao, đến đâu chúng tôi cũng thấy thân quen từ hàng hóa, cho đến sinh hoạt và lời nói. Ở Campuchia, cùng một lúc người ta có thể sử dụng 3 đồng tiền chính: riel, USD và VND.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, trong 2 năm gần đây, Campuchia đã trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực của Vissan. Dự kiến trong năm 2011, Vissan sẽ chi khoảng 1 triệu USD cho công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm của Vissan tại đất nước này.

Ông Ming Seng, Giám đốc siêu thị Việt Nam tại Campuchia cũng cho rằng, Thái Lan, Trung Quốc và VN là 3 quốc gia đang tạm chia nhau thị phần tại Campuchia. Tuy nhiên, gần đây hàng VN đã vươn lên vị trí thứ 2 tại thị trường này. Quan hệ thương mại Việt Nam – Campuchia từ năm 2000 đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng nhanh, trung bình trên 30%/năm.

Theo Bộ Thương mại Campuchia, VN trong những năm gần đây luôn là nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất sang Campuchia. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 1,8 tỷ USD; tăng 35,6% so với 2009. Trong đó VN xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 34,5%. Campuchia là một trong các thị trường hiếm hoi của ASEAN mà VN xuất siêu với khoảng 1,3 tỷ USD; bằng 83% tổng giá trị xuất khẩu.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia không chỉ phát triển mạnh về số lượng và giá trị hàng hóa, mà còn có những bước tiến mạnh mẽ về tính chất quan hệ thương mại. DN hai nước đã và đang chuyển từ quan hệ thương mại thuần túy mua bán theo hợp đồng sang hình thức đầu tư, liên doanh, liên kết làm ăn để thiết lập hệ thống phân phối đến từng làng, xã nông thôn Campuchia.

Hướng đến xuất khẩu bền vững

Cùng với Campuchia, Myanmar là một thị trường mới nổi có sức hút lớn đối với DN VN. Mặt khác, quan hệ chính trị tốt đẹp và những ưu tiên đặc biệt được Chính phủ Myanmar dành cho quan hệ kinh tế thương mại với VN sẽ là bàn đạp vững chắc cho việc phát triển kinh tế giữa hai nước.

Theo ông Chu Công Phùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Myanmar, Myanmar đã có 13 năm thực hiện đổi mới, song đến nay nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ Myanmar còn bỏ ngỏ. Sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu người dân, 90% hàng tiêu dùng và công nghiệp của Myanmar phải nhập khẩu.

Theo Đại sứ Chu Công Phùng, trong kỳ tổ chức hội chợ triển lãm hàng hóa VN tại Myanmar vào tháng 10-2010 vừa qua, người dân nơi đây đã tranh nhau mới mua được hàng. Hàng Việt đã làm hài lòng người dân Myanmar cả về chất lượng lẫn mẫu mã và giá thành sản phẩm. Ông Win Wyint, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar kêu gọi các DN VN hãy mạnh dạn đầu tư, mở rộng quan hệ giao thương hơn nữa với Myanmar. Ông cũng mong muốn, với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, trong thời gian không xa, VN sẽ trở thành đối tác kinh tế hàng đầu tại nước này.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN cũng đã từng bước được cải thiện. Nếu như trước đây hàng xuất khẩu chủ yếu là dầu thô, gạo, nông thủy sản sơ chế, gần đây đã xuất hiện một số chủng loại hàng công nghiệp, chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận chuyển, dược phẩm, thực phẩm chế biến (đặc biệt mì ăn liền), hàng may mặc, và đồ dùng gia dụng. Để đẩy mạnh xuất khẩu của VN vào các thị trường trong khối, Bộ Công thương cũng đã xây dựng các đề án chiến lược xuất khẩu đến năm 2015, định hướng 2020.

Thúy Hải


Bài 2: Lớn mạnh trong hội nhập

Việt Nam đã và đang có nhiều lợi thế trong việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu những sản phẩm từ nông nghiệp. Rất nhiều mặt hàng đặc sản của VN đã lọt vào “bản đồ” săn tìm của các nhà buôn trên thế giới.

Vị thế mới

Năm 2010, các nhà nhập khẩu lại một lần nữa chứng kiến hàng loạt mặt hàng của VN tiếp tục vươn lên hoặc giữ vững vị trí nhất nhì tại các sàn giao dịch thế giới. Ở vị trí đầu bảng, có thể kể đến hồ tiêu hiện chiếm 50% sản lượng tiêu thụ trên toàn thế giới.

Trong 3 năm liên tục gần đây, tiêu VN đã và đang “làm mưa, làm gió” và hoàn toàn điều khiển được giá tiêu thế giới. Giá tiêu xô trong tháng 3-2011 đã lên tới 106.000 đồng/kg, càng để lâu, tiêu càng có giá. Kể từ năm 2006, hạt điều VN đã qua mặt Ấn Độ để giành vị trí hàng đầu thế giới cho đến hiện nay.

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN cho biết, trong tháng 5-2011, hội nghị thường niên về hạt điều sẽ được tổ chức tại Hungary, trong đó VN sẽ là một trong 4 quốc gia đồng sáng lập Hiệp hội Điều thế giới (gồm VN, Ấn Độ, châu Phi và Brazil).
 
Ở mặt hàng cà phê, loại cà phê Robusta của VN vẫn dẫn đầu thế giới, với sản lượng chiếm gần 50%. Cà phê VN đã xuất hiện tại nhiều sàn giao dịch nổi tiếng thế giới London, ICE New York. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cà phê đã mang về cho VN 1,39 tỷ USD.

Đối với gạo, dù VN vẫn chưa thể bứt phá để giành ngôi vị đầu bảng, nhưng giá gạo của VN đã đứng ngang bằng so với giá của Thái Lan (quốc gia đang chiếm giữ vị trí đầu bảng)…

Ngoài ra, nhiều sản phẩm của VN đã gắn liền và làm rạng danh nhiều vùng miền của VN, lọt vào “bản đồ” săn tìm những đặc sản nổi tiếng của các nhà buôn thế giới như: hồ tiêu Chư Sê; thanh long Bình Thuận; bưởi Năm Roi (Vĩnh Long); xoài cát Hòa Lộc…

Liên tục trong 2 năm gần đây, ngành dệt may đã qua mặt dầu thô để nắm giữ vị trí đầu bảng các mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 11,2 tỷ USD; vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới.

Cùng với da giày, nhiều doanh nghiệp dệt may VN đã được các tập đoàn lớn chọn làm nơi để sản xuất cho hầu hết các nhãn hàng cao cấp, nổi tiếng toàn cầu như Adidas, Puma, Nike… Năm 2010, người ta cũng chứng kiến sự chuyển dịch các đơn hàng dệt may rất lớn từ Trung Quốc sang VN.

Ngành điện tử, kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất. Hiện hàng điện tử VN cũng đã có mặt ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là gia công và lắp ráp. Xuất khẩu đồ gỗ VN đã tự tin vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực, đang dần khẳng định vị thế tại nhiều nước.
 
Gần đây, mặt hàng thủy sản của VN đã tiếp tục thắng thế tại nhiều thị trường thế giới. Lần đầu tiên thủy sản đã leo lên vị trí thứ 2 trong khu vực về sản lượng xuất khẩu cũng như chất lượng sản phẩm.

Tại một số thị trường mới như Ấn Độ, Myanmar, đã bắt đầu nhập khẩu khá nhiều mã hàng của VN, thay vì từ một số nước khác.

Bà Ngô Lệ Thu, Phó Giám đốc Phòng Thị trường Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, cuối năm 2010 vừa qua, chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn phân phối lớn của Mỹ đã đích thân đến VN, thuyết phục và đề nghị Satra làm đầu mối cung cấp các mặt hàng nông sản và thủy hải sản chế biến để xuất trực tiếp sang Mỹ.
 

Sản phẩm đột phá

Không ai có thể phủ nhận sự có mặt ngày càng nhiều những sản phẩm “Made in Vietnam” trên quầy kệ siêu thị các nước. Điển hình trong số này có thể kể đến những loại củ, quả sấy khô của Vinamit; cà phê Trung Nguyên, Vinacafe; mây tre lá Ba Nhất; bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, cân Nhơn Hòa…

Sản xuất mít sấy tại Công ty Vinamit. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất mít sấy tại Công ty Vinamit. Ảnh: CAO THĂNG

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất cho biết, trước đây HTX thường chọn cách sản xuất theo đơn đặt hàng (từ nguyên liệu đến mẫu mã, hoa văn) cho các đối tác nước ngoài. Gần đây, Ba Nhất đã bắt đầu đổi “chiến thuật”, đó là sản xuất nhiều hàng mẫu riêng rồi chào hàng. Cách làm này không chỉ tạo điều kiện cho thương hiệu Ba Nhất phát triển mà còn khẳng định vị thế, gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Trong “bộ sưu tập” các sản phẩm xuất khẩu đột phá của VN còn có gốm sứ Minh Long, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, lụa Hà Đông… Phở 24 - món ăn thuần túy của VN - đã xuất ngoại dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu tại nhiều nước.

Cái giá của thương hiệu nổi tiếng đã kéo rất nhiều khách hàng nước ngoài tự tìm đến để thương thuyết mà không cần phải tốn nhiều thời gian cho tiếp thị, đó là nhận xét chung của hầu hết các DN có sản phẩm xuất khẩu đột phá.

Đi tìm chiến lược dài hơi

Dù còn nhiều vấn đề đặt ra cho ngành công nghiệp xuất khẩu, nhưng VN vẫn được các đối tác đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Điều này không chỉ biểu hiện ở năng suất lao động, nguồn nhân lực dồi dào, lao động giá rẻ, mà VN còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cộng với nền chính trị ổn định.

Các DN xuất khẩu cũng không ngừng hoàn thiện để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất từ các đối tác. Biểu hiện rõ nhất là việc Tập đoàn Nike chọn đích danh Công ty May Tây Đô (thuộc Tổng công ty Việt Tiến), DN duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tham gia vào quá trình sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép, áo lạnh cung cấp cho các đại lý của Nike toàn cầu.
 
Bằng những gì đã nói ở trên, có thể khẳng định, VN đã và đang có những sản phẩm mạnh trên thế giới.

Nhưng để trả lời câu hỏi: “VN đã có những thương hiệu quốc gia và mang tầm toàn cầu chưa?”, nhiều người sẽ rất lúng túng! Làm gì để định hình sản phẩm Việt, thương hiệu Việt trong đầu người tiêu dùng thế giới? Đây chính là vấn đề đã được bàn luận tại nhiều cuộc họp, hội thảo. Nhiều ý kiến nhận xét, những sản phẩm Việt đi ra nước ngoài mới chỉ dừng ở dạng vô thức, tự phát.

Trên thực tế, chúng ta chưa có ý thức để biến những sản phẩm mang tính đột phá của VN thành những thương hiệu nổi tiếng. Nói cách khác, VN chưa có một chiến lược dài hơi trong việc xây dựng những sản phẩm mang tính toàn cầu.

THÚY HẢI 


Bài 3: Tỷ lệ nghịch giữa kim ngạch và thu nhập

Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu tăng trưởng nhanh, với nhiều mặt hàng chủ lực chiếm thứ hạng cao trên thị trường thế giới. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên tổng GDP của VN đã tăng từ 30% vào đầu thập kỷ 1990 lên đến 70% trong 3 năm gần đây. Cơ cấu mặt hàng đã thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng hàm lượng giá trị công nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, về cơ bản xuất khẩu của VN chưa mang lại giá trị gia tăng cao.

Sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng chưa cao. Ảnh: CAO THĂNG

Sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng chưa cao. Ảnh: CAO THĂNG

Giá trị gia tăng thấp

Theo tính toán của ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), mặc dù gỗ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm liền, nhưng lợi nhuận mang lại từ ngành này chỉ đạt khoảng 8%-9%. Tương tự, ngành dệt may tốc độ tăng trưởng đạt hơn 30%/năm, trở thành một hiện tượng của xuất khẩu VN trong năm 2010, nhưng lợi nhuận mang lại còn rất khiêm tốn từ 6%-8%. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa tự chủ được đầu vào cho sản xuất, phải nhập khẩu nguyên phụ liệu khoảng 70%-80%. Đó là chưa kể tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và thu nhập của công nhân ngành may luôn đặt trong tình trạng tỷ lệ nghịch. Ngay như ngành điện tử, mặc dù kim ngạch mang lại chủ yếu từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm từ 17%-20% trong tổng giá trị sản xuất.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp từng bức xúc, giá trị gia tăng chưa vượt quá 20% đối với ngành điện tử, sao có thể gọi là sản phẩm của công nghệ cao được! Ngoài các mặt hàng như dầu thô, than đá (do được khai thác từ tài nguyên sẵn có), hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của VN đang đứng ở đáy của chuỗi giá trị gia tăng.

Qua khảo sát của các chuyên gia Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, trong 3 sản phẩm mang lại doanh thu xuất khẩu lớn nhất cho ngành thủy sản, có 70% sản lượng xuất khẩu ở dạng sơ chế (đông lạnh). Cứ 2,8kg nguyên liệu cho ra 1kg sản phẩm, 1kg cá philê xuất khẩu thu được 2,8 USD thì chi phí nguyên liệu đã ngốn hết 2,52 USD, còn lại 28 cent chênh lệch bao gồm tất cả chi phí sản xuất và lợi nhuận của DN nên lợi nhuận từ xuất khẩu rất thấp!

Nhóm hàng “công nghiệp chế biến” hiện chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, những năm gần đây giá nguyên liệu đầu vào luôn tăng nhanh, tăng trước, nhưng giá thành sản phẩm xuất khẩu không tăng kịp hoặc gần như không tăng nên giá trị thực thu ít. Tuy sản xuất và xuất khẩu đứng đầu thế giới về hạt điều nhưng khả năng cạnh tranh và giá luôn thua Ấn Độ do năng suất chế biến thấp, chi phí sản xuất cao, những công đoạn chính như bóc tách, phơi sấy vẫn làm thủ công. Tương tự, với cà phê, chúng ta đang dẫn đầu thế giới loại cà phê robusta, nhưng hơn 70% lượng cà phê bị trả về trên thị trường xuất khẩu cũng là hàng của VN. Nguyên nhân chính do chất lượng cà phê không đồng đều, việc thu hái, phơi sấy bảo quản chưa đồng bộ. Với mặt hàng chè (trà), mỗi năm VN xuất khẩu hơn 100 ngàn tấn, giá chè trung bình của thế giới trong năm 2009 là 2,43 USD/kg, trong khi của ta chỉ 1,23 USD/kg. Từ 1998 đến nay, giá chè của thế giới tăng 18% còn giá chè của VN lại giảm tới 20%.

Cạnh tranh kém

Báo cáo xuất khẩu Việt Nam 2009-2010 do Cục Xúc tiến thương mại và Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen) phối hợp thực hiện đưa ra nhận xét: “Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam hầu hết có chất lượng trung bình, không có yếu tố nổi trội so với đối thủ cạnh tranh”. Báo cáo của các cơ quan thương vụ VN tại nước ngoài cũng chỉ ra rằng, chất lượng hàng xuất khẩu của VN chưa ổn định, mẫu mã chưa phong phú, đa dạng. Trên thực tế, VN chỉ có lợi thế cạnh tranh hàng xuất khẩu ở những nhóm hàng có công nghệ thấp, thâm dụng nhiều lao động và xuất khẩu tài nguyên, nông sản dạng thô.

Tại Malaysia, sản lượng hàng xuất khẩu trong năm 2009 chỉ tăng 2%, nhưng đủ để tạo ra 14% tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu. Tại Thái Lan, chỉ cần tăng 8% về lượng thì việc tăng giá trị xuất khẩu đã đạt tới 18%. Giả định Malaysia đạt được mức tăng trưởng về lượng 9%, mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu có thể tăng tới 63%. Trong khi đó, tại VN cũng với sản lượng gia tăng xuất khẩu là 9% nhưng giá trị gia tăng trong xuất khẩu chỉ đạt 26%. Cũng vì lý do này, mặc dù nhiều ngành hàng của VN đứng thứ hạng cao như hồ tiêu, điều, gạo, cà phê, cao su, hàng dệt may..., nhưng do chưa tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng, nên phải lệ thuộc vào các trung gian thương mại nước ngoài làm tăng chi phí trung gian, đó là chưa kể có trường hợp bị ép giá!

TS Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khuyến cáo, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta vẫn còn nằm ở vị trí của nhóm 30% các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp. Theo đó, trong cơ cấu sản phẩm hàng xuất khẩu công nghệ cao của VN mới chỉ chiếm 8,2%; trong khi đó sản phẩm tương ứng tại các nước trong khu vực như Indonesia là 18%; Philippines 33%; Trung Quốc 39%; Thái Lan 49% và Malaysia 67%.

Theo TS Trần Du Lịch, nền kinh tế nước ta hướng vào xuất khẩu nhưng 20 năm qua vẫn lâm vào tình trạng nhập siêu ngày càng nặng. Nếu căn cứ vào cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa và bảng cân đối tài khoản vãng lai, có thể nhận ra rằng, nền kinh tế nước ta thực sự là nền kinh tế tiêu thụ bán thành phẩm và thành phẩm của nước ngoài. Sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của các mặt hàng xuất khẩu nói riêng đang đuối trong cuộc chạy đua toàn cầu. Nguyên nhân chính là do chúng ta kéo dài quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều ngang, chỉ tập trung khai thác tài nguyên, khoáng sản để xuất khẩu. Thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu chính là mệnh lệnh đặt ra cho xuất khẩu VN trong những năm tới.

Thúy Hải


Bài 4: Nâng cao giá trị gia tăng

Việc nhận diện điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động xuất khẩu thời gian qua tạo cơ sở để Việt Nam đề ra những quyết sách, đặt nền móng cho phát triển xuất khẩu bền vững.

  • Đoàn kết trên thương trường

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng VN đã và đang dẫn đầu thế giới về sản lượng, nhưng vẫn bị xếp vào nhóm hàng gia công, sơ chế, giá trị thấp. Một trong những nguyên nhân chính là các doanh nghiệp (DN) đang xuất khẩu theo kiểu mạnh ai nấy làm và tranh mua tranh bán - biểu hiện rõ nét nhất ở nhóm hàng cà phê, chè, gạo, thủ công mỹ nghệ…

Đã đến lúc cần tập hợp lại thành một lực lượng thống nhất trong sản xuất những sản phẩm có chất lượng và kích cỡ đồng nhất để đáp ứng được những đơn hàng lớn. Khi tập trung về một mối sẽ tạo được sức mạnh tổng hòa, đem lại thế và lực cho hàng Việt tại các sàn giao dịch thế giới, đặc biệt với nhóm hàng, đang có thế mạnh như hạt tiêu, hạt điều, cà phê, chè. Tiến tới xây dựng hình ảnh, cần thiết có thể xây dựng huyền thoại về xuất xứ của từng mặt hàng, để tạo dấu ấn cho hàng VN trên thị trường thế giới.

Việc thiết lập các kho ngoại quan, từng bước hình thành hệ thống phân phối chuyên nghiệp tại các nước, khu vực có hàng VN hiện diện cũng phải được tính đến. Do chưa có hệ thống phân phối nên các nhà sản xuất VN mới chỉ làm đại lý sản xuất và cung cấp cho các nhà phân phối nước ngoài, hoàn toàn không chủ động và điều hành được giá xuất khẩu, trong khi VN có thể làm được tốt hơn so với hiện tại.

Cách làm này sẽ giúp DN bỏ bớt các khâu trung gian, trực tiếp đưa hàng Việt tiếp cận với nhà bán lẻ ở các nước sở tại nhằm tăng sức cạnh tranh về giá cho các mặt hàng xuất khẩu của VN. Trên thực tế, khi triển khai, nhiều DN cho rằng “lực bất tòng tâm” vì nhiều lý do nên rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng.

Ông Ming Seng, Giám đốc siêu thị Việt Nam tại Campuchia, cho biết, hàng Việt đang được người dân Campuchia ưu tiên chọn mua vì nhiều lý do. Điều lo ngại là, từ TPHCM đi Phnom Penh chỉ khoảng 230km nhưng đến nay VN vẫn chưa xây dựng được những trung tâm phân phối sỉ như của Trung Quốc, Thái Lan. Hầu hết hàng hóa của VN bán tại siêu thị đều phải lấy lại từ khâu trung gian như Metro, giá thành bị đẩy thêm một nấc, làm giảm sức cạnh tranh!

Để chủ động nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nhà nước và các bộ ngành cần có một chiến lược thật rõ ràng, toàn diện và cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các dịch vụ liên quan nhằm hình thành mối liên kết cụm ngành trong và xung quanh các khu công nghiệp.

Việc làm này cần có mục tiêu trung gian thích hợp để có thể theo dõi được bước đi, có tính đến cả những ràng buộc nguồn lực và cả các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chính thực hiện. Bằng không, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy, còn cán cân thương mại sẽ tiếp tục bị thâm hụt.

Các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ chưa hợp lực xây dựng thương hiệu Việt. Ảnh: Cao Thăng

Các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ chưa hợp lực xây dựng thương hiệu Việt. Ảnh: Cao Thăng

  • Xúc tiến thương mại chiều sâu

Nhiều chuyên gia cho rằng cần nâng cao hiệu quả và chất lượng của các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia; ưu tiên việc tuyên truyền, tìm kiếm hợp đồng và khách hàng lớn, lâu dài; hạn chế việc chỉ tập trung bán hàng trực tiếp tại các hội chợ triển lãm. Tiến tới xây dựng tiêu chí và quy chế xây dựng gian hàng chuẩn quốc gia trong các sự kiện xúc tiến xuất khẩu.

Cải tiến công tác xúc tiến thương mại, không làm diện rộng và tuyên truyền chung chung mà cần làm sâu từng trọng điểm, chuyên ngành, chuyên đề sản phẩm. Nâng cao khả năng thu thập thông tin, phân tích thị trường của các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại cũng như của DN. Các chương trình xúc tiến thương mại cần phải được xây dựng ổn định trước 1 - 2 năm để các DN trong và nước ngoài biết trước, lập kế hoạch chủ động tham gia.

Để chính sách xúc tiến thương mại thực sự là đòn bẩy cho hoạt động xuất khẩu, cần chấm dứt mô hình hoạt động “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức cơ quan xúc tiến thương mại vừa có chức năng giám sát hoạt động xúc tiến vừa trực tiếp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại. Nếu cơ quan này làm tốt thì không sao nhưng khi sai, ai sẽ là người đứng ra kiểm tra, giám sát cơ quan này?

Cách tốt nhất, cơ quan xúc tiến nên đưa ra đề bài, cho các tổ chức và hiệp hội ngành hàng cùng tham gia đấu thầu công khai. Nếu cách làm của đơn vị nào khả thi sẽ được chọn, “trọng tài” giám sát thực hiện, không ai khác chính là Cục Xúc tiến thương mại.

Gia tăng giá trị hàng xuất khẩu cũng đồng nghĩa với VN phải từng bước tính đến việc thay đổi chiến lược cũng như các nhóm hàng xuất khẩu. Nếu như trước đây chúng ta chỉ xuất khẩu gạo thì nay cần phải đa dạng hóa các sản phẩm từ hạt gạo. Muốn gia tăng giá trị cho hàng dệt may, VN cần tham gia cho được vào đoạn đầu (phát triển nguồn nguyên phụ liệu, khâu thiết kế kiểu dáng mẫu mã) và đoạn cuối (phát triển hệ thống phân phối) của chuỗi giá trị của ngành này, thay vì hiện nay chúng ta mới chỉ tham gia được vào đoạn giữa, tức là chỉ tổ chức cho hàng ngàn công nhân ngồi đạp máy may, lắp ráp, gia công sản phẩm cho đối tác.

Đã đến lúc Nhà nước cần xây dựng một kế hoạch xuất khẩu mang tính chiến lược cho từng thị trường, từng nhóm ngành hàng và thời gian thực hiện thật cụ thể, chi tiết. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách và cơ chế tín dụng xuất khẩu để hỗ trợ các DN đầu tư, xuất khẩu vào các thị trường mới hoặc các thị trường nhiều rủi ro.

Cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thống nhất và đầy đủ về từng thị trường, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng như khả năng cung ứng của VN nhằm hỗ trợ các DN trong nước tìm hiểu hoặc các DN nước ngoài có cơ hội tìm hiểu nguồn thông tin chính thống, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động phát triển kinh doanh trong nước cũng như quốc tế. 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục