Hạnh phúc của người “đi gieo mầm”

6 giáo viên tiểu học được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đều đang công tác tại các trường ở khu vực vùng ven, ngoại thành. Dù điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn nhưng với lòng yêu nghề, sự kiên trì “bám trường, bám lớp”, họ đã có nhiều cống hiến, góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ học trò là mầm non tương lai xây dựng đất nước.   
Hạnh phúc của người “đi gieo mầm”

6 giáo viên tiểu học được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đều đang công tác tại các trường ở khu vực vùng ven, ngoại thành. Dù điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn nhưng với lòng yêu nghề, sự kiên trì “bám trường, bám lớp”, họ đã có nhiều cống hiến, góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ học trò là mầm non tương lai xây dựng đất nước.   

Nghề của những “ngọt, bùi, cay, đắng”

Gây ấn tượng mạnh nhất đối với chúng tôi là trường hợp cô Huỳnh Phượng Linh, giáo viên Trường Tiểu học An Lạc 3 (quận Bình Tân). Mặc dù trong năm học 2014-2015, cô phát hiện và phải vào bệnh viện điều trị bệnh ung thư, sức khỏe giảm sút, nhưng với tình yêu nghề, cô đã nhanh chóng quay trở lại guồng quay công việc chỉ vài ngày sau khi căn bệnh có dấu hiệu thuyên giảm. Gạt bỏ hết những ánh nhìn lo ngại, sự cảm thương xen lẫn khâm phục của bạn bè, cô vẫn mỗi ngày đều đặn đến lớp, làm tròn trách nhiệm của người giáo viên chủ nhiệm luôn hết lòng vì kết quả học tập của học trò.

29 năm công tác, có lẽ hơn ai hết cô Linh thấu hiểu những “ngọt, bùi, cay, đắng” của nghề giáo. Nhưng đúng như lời cô từng chia sẻ, dạy học đã trở thành hơi thở, là máu thịt khi mỗi ngày lên lớp, người giáo viên lại được nhìn ngắm thành quả do mình dày công vun xới. Đó là những tiến bộ, thành công của học trò.

Cũng giống cô Linh, cô Trang Thị Kim Cúc, giáo viên Trường Tiểu học Tân Quý Tây 3 (huyện Bình Chánh) là người đã dành trọn tuổi thanh xuân cho nghề dạy học. Cô tâm sự, thuở mới ra trường, cô lao vào công việc với tất cả lòng đam mê, khát khao cống hiến. Năm học này nối tiếp năm học kia, thấm thoắt đã có biết bao thế hệ học sinh khôn lớn, trưởng thành cũng là lúc tuổi xuân trôi qua lúc nào không biết. Nhìn lại quãng đường 19 năm đứng lớp, cô Cúc cho biết: “Những ngày đầu mới về nhận công tác, điều kiện dạy học vô cùng khó khăn. Nhiều hôm trời mưa, cả thầy lẫn trò phải xắn quần lên quét nước ngập ngang mắt cá chân, vừa quét xong trời lại đổ mưa khiến cô trò nhìn nhau lấm lem buồn tủi”. Bây giờ trường học đã khang trang hơn, thầy và trò không vất vả như ngày xưa nữa, nhưng những ký ức đẹp về một thời cùng nhau chia sẻ khốn khó vẫn sống mãi trong lòng người giáo viên vừa bước qua tuổi 40. Dù sức khỏe ngày càng có biểu hiện đi xuống bởi tuổi tác, nhưng nếu lựa chọn lại, cô vẫn sẽ chọn nghề giáo với mong muốn chia sẻ nhiều hơn với từng hoàn cảnh khó khăn của học sinh, được sống lại những tháng ngày hồn nhiên, vất vả nhưng ấm áp. 
         
Hạnh phúc vì tình cảm của học trò

Đến với nghề giáo có phần muộn màng hơn bạn bè đồng trang lứa, kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, nhưng đối với cô Bùi Thị Kim Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Tân Phú), công việc “gõ đầu trẻ” đã mang đến cho cô niềm hạnh phúc “không lời nào diễn tả được”. Cô Thúy kể, mỗi năm cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cô lại được học sinh tặng rất nhiều hoa tươi, những cánh thiệp nắn nót dòng chữ xinh xắn. “Cứ hình dung khi tôi vừa bước chân vào lớp, các em đã trang trí bảng rực rỡ sắc màu, cả lớp đồng thanh đọc thật to lời chúc mừng cô giáo. Tôi thấy mình không khác gì hoa hậu đăng quang trong các cuộc thi lớn, cảm giác lâng lâng kéo dài đến tận mấy ngày sau đó”, cô Thúy bồi hồi chia sẻ.

Thầy giáo trẻ Vương Sĩ Đức, hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) lại cảm nhận hạnh phúc khi được học sinh thành lập hẳn một trang facebook với tên gọi “Hội những học sinh của thầy Vương Sĩ Đức”. Trang web là nơi lưu trữ đầy đủ hình ảnh về các lứa học trò từng được thầy Đức giảng dạy, cập nhật thông tin của cựu học sinh và cả những giải thưởng thầy Đức được trao tặng. Không dễ để một giáo viên trẻ, mới có hơn 13 năm công tác ở một ngôi trường tiểu học nhận được nhiều tình cảm và sự yêu thương của học trò đến vậy. Thầy Đức còn cho biết mỗi năm đến ngày sinh nhật hoặc kỷ niệm ngày nhà giáo, thầy nhận được nhiều quà tặng làm bằng tay từ nước ngoài gửi về. Khi có chút thành công trong cuộc sống, học sinh của thầy vẫn luôn nhớ về người thầy đã dìu dắt mình trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời.

Thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) trong một giờ lên lớp

Tuy có tuổi đời nhỏ nhất trong số những giáo viên đang dạy lớp 5 ở trường đang công tác, lại là nam giới, nhưng chính nhờ sự yêu thương, tin tưởng của học trò đã giúp thầy Sĩ Đức trở nên chững chạc, trưởng thành hơn trong mọi suy nghĩ, quyết định về cuộc sống. “Có hai người từng là học trò của tôi ở những năm đi dạy đầu tiên nay đã trở thành giáo viên tiểu học, một số bạn khác đang làm việc ở nước ngoài vẫn thường xuyên gọi điện về cập nhật tin tức, hỏi ý kiến thầy trước nhiều vấn đề quan trọng. Với mình, không có gì vui và hạnh phúc hơn thế”, ánh mắt thầy Đức sáng lên niềm tự hào.

Nghề giáo không chỉ là nghề truyền thụ kiến thức

Sau hơn 21 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy giáo Phạm Hữu Thuần, hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Nhà Bè) miêu tả ngắn gọn công việc mình đang theo đuổi trong ba cụm từ “lắng nghe”, “quan tâm” và “chia sẻ”. Theo thầy Hữu Thuần, chỉ cần giáo viên có lòng tin tưởng, yêu thương học sinh sẽ được các em yêu thương, tin tưởng lại. Mỗi khi đứng lớp, thầy luôn tâm niệm tạo ra không khí lớp học thật thoải mái, trong đó quan hệ thầy trò gắn bó với nhau dựa trên sự vui vẻ, tin tưởng. Riêng đối với những học sinh yếu, nếu người thầy càng tỏ ra nóng vội, chăm chăm vào kết quả học tập của các em sẽ khiến quá trình tiến bộ giậm chân tại chỗ. Chỉ khi đến với các em bằng tấm lòng yêu thương, sự chân tình, nhẫn nại mới kéo gần khoảng cách thầy trò, giúp các em có thêm động lực vươn lên trong học tập. Hiện nay, dù quy định của ngành không yêu cầu giáo viên ở lại lớp trong giờ học sinh dùng bữa trưa, ngủ bán trú tại trường - công việc vốn dành cho bảo mẫu, nhưng ngày càng có nhiều thầy, cô giáo ở lại lớp vào giờ nghỉ trưa, cùng với nhân viên bảo mẫu chăm chút từng miếng ăn, chiếc chiếu ngủ cho học sinh.

Đúc kết lại “được” - “mất” sau 25 năm theo nghề, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (quận 4) cho biết, phần thưởng cao quý nhất nghề dạy học cho cô chính là sự giàu có về kinh nghiệm sống, tình cảm yêu thương, quý mến của học sinh, sự tin tưởng, tín nhiệm của phụ huynh cũng như những gắn bó, sẻ chia cùng đồng nghiệp. Do đó, không thật khó hiểu khi xã hội đã ưu ái gọi các thầy, cô giáo là những “kỹ sư tâm hồn”, bởi chính những hạt mầm hôm nay các thầy cô đang vun xới sẽ phát triển thành những chồi non, giàu có về tri thức lẫn tâm hồn, giúp các em có thêm tự tin, bản lĩnh bước vào đời. Khi được hỏi mơ ước trong tương lai, hầu hết các thầy, cô đều cho biết mong muốn con ruột, hoặc học sinh của mình theo nghề giáo, nối gót thầy cô, cha mẹ thực hiện tiếp trọng trách cao quý đã được xã hội giao phó.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục