Hành trình diệu kỳ của thanh xuân

Hành trình diệu kỳ của thanh xuân

Hai năm đại dịch Covid-19 tác động mạnh trên toàn cầu, hành trình bước vào ngưỡng cửa cuộc đời của người trẻ thế hệ Gen Y, Gen Z gặp không ít khó khăn, trì hoãn… Thay vì thở dài, nhiều bạn trẻ chọn cách dấn thân, lan tỏa năng lượng tích cực và chinh phục những tầm cao quốc tế trong hành trình tuổi xuân của mình.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, hình ảnh nam bác sĩ 9X tình nguyện cạo đầu cùng nụ cười vững tin đi vào tâm dịch Bắc Giang, khiến nhiều người cảm phục. Từ Bắc Giang đến TPHCM, ròng rã hơn nửa năm trời, chỉ gặp ba mẹ, anh chị em trong nhà qua những cuộc gọi video, bác sĩ Đặng Minh Hiệu (Khoa Gây mê, hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) chia sẻ: “Bệnh nhân cần sự có mặt của đội ngũ y tế, nên mình tình nguyện lên đường thôi”.
Là bác sĩ khoa gây mê hồi sức, chứng kiến bệnh nhân ở lằn ranh sinh tử là chuyện thường ngày, nhưng trong đợt dịch này, không ít lần anh rơi nước mắt. “Một lần ở Củ Chi, khi tôi thông báo là cô phải đặt nội khí quản, lúc đó cô vẫn tỉnh táo, cầm điện thoại nghe lại đoạn ghi âm mà cô hát mấy hôm trước. Tôi cũng ghé tai nghe, cô hát cải lương. Tự nhiên, nước mắt tôi tuôn ra, đặt nội khí quản thì hy vọng không còn nhiều, vậy mà bệnh nhân vẫn lạc quan. Thực sự thấy thương người bệnh và tôi càng trân quý công việc của mình hơn nữa”, bác sĩ Hiệu kể lại.

Hành trình từ Bắc Giang đến Bệnh viện Dã chiến, thu dung Củ Chi và bây giờ là Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp quản từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13, vẫn nụ cười vững tâm, trách nhiệm của người nơi tuyến đầu, bác sĩ Đặng Minh Hiệu bộc bạch: “Những cảm xúc, những gì trải qua chắc chắn cả đời tôi không quên được. Vất vả, khó nhọc hay hạnh phúc khi bệnh nhân khỏe dần… đều có đủ, nhưng hơn hết là thấy yêu nghề và thấy mình trưởng thành hơn nhiều”.
Nơi tuyến đầu vất vả, áp lực có lẽ không thể nào kể xiết, nhưng đổi lại một ca bệnh phục hồi, một bệnh nhân sắp được xuất viện cũng đủ hạnh phúc, đủ động lực để những người khoác áo blouse trắng nỗ lực đến cùng. 
Làm quen với đàn dương cầm lúc mới 5 tuổi, thi đậu thủ khoa Nhạc viện TPHCM năm 9 tuổi, đến nay, ở tuổi 16, Nguyễn Lan Anh đã là gương mặt nghệ sĩ piano trẻ tài năng của âm nhạc Việt Nam. Không chỉ biểu diễn trong nước, Lan Anh còn đến Nga, Mỹ, Indonesia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ… để giao lưu, giới thiệu âm nhạc Việt Nam.
Lan Anh có thể cảm và biểu diễn những tác phẩm kinh điển của các tác giả nổi tiếng thế giới vô cùng xuất sắc, kỹ thuật vượt xa khỏi độ tuổi. Ngoài 6 năm liên tục là Tài năng trẻ TPHCM (2015-2020), Lan Anh còn đoạt giải Người chơi nhạc cổ điển hay nhất bảng A, cuộc thi piano quốc tế diễn ra tại Hà Nội lần thứ 3; Giải nhất bảng C, cuộc thi piano quốc tế tại Indonesia khi chỉ mới 10 tuổi. Lan Anh từng là học sinh duy nhất của Việt Nam được Bộ VH-TT-DL cử biểu diễn Concerto cùng dàn nhạc giao hưởng của Tổng thống Nga tại cung điện Kremlin trong Festival âm nhạc quốc tế “Giai điệu của các thế hệ”. 

Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Lan Anh. Hành trình đến ước mơ của em trải qua nhiều năm dài khi cùng cha mỗi ngày đi từ Đồng Nai đến Nhạc viện TPHCM. Năm 2017, sau khi biểu diễn về, em bị tai nạn giao thông. Xem bản chụp X-quang, nhiều người lo lắng em có thể không chơi nhạc tốt được nữa vì xương tay gãy ngang. Ấy vậy mà, một tuần sau, Lan Anh xuất hiện trên sân khấu, biểu diễn xuất sắc. Ai cũng bất ngờ, khó tin khi biết em chỉ dành một tuần tập luyện cho tay trái. “Âm nhạc là cuộc sống của em. Nếu không được sống cùng âm nhạc, em chẳng còn là em nữa. Đâu chỉ hành trình đến với thế giới, ngay cả trong những khoảnh khắc thường ngày, âm nhạc mang cho em nhiều điều ý nghĩa. Nhất là trong những lần đến thăm trẻ mồ côi, khuyết tật, được biểu diễn cho các bạn nhỏ xem, em hạnh phúc khi thấy các trẻ vui. Âm nhạc kết nối tạo ra nguồn năng lượng tích cực đến tất cả mà, phải không?”. 
“Chuyển đổi số” trở thành từ khóa quan tâm của nhiều người và không ít bạn trẻ nhanh nhạy nắm bắt công nghệ, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển KH-CN trong tương lai cho quốc gia. Nguyễn Thị Bích Vân (sinh viên năm cuối Khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) cũng không muốn mình nằm ngoài xu hướng đó.
Chọn ngành khoa học máy tính để theo đuổi, Bích Vân kể: “Tôi hứng thú với cách mà công nghệ, cụ thể là cách mà khoa học máy tính có thể thay đổi tương lai. Khoa học máy tính giúp nghiên cứu ứng dụng thiết thực trong cuộc sống, có thể giúp ích cho đất nước”. Từ những thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, với nhiều giải thưởng công nghệ cấp Quốc gia và TPHCM, Bích Vân trở thành một trong 20 sinh viên nhận “Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ” năm 2021, do Trung ương Đoàn, Bộ KH-CN và các bộ ngành phối hợp tổ chức. 
Thế mạnh của người trẻ hiện đại là nhanh nhạy với KH-CN, nhưng con gái theo lĩnh vực này vẫn chưa nhiều, bởi không ít người nghĩ rằng lĩnh vực khô khan như công nghệ, máy tính phù hợp con trai hơn. Bích Vân chia sẻ: “Tôi nghĩ ở đâu đó vẫn tồn tại một số định kiến là con gái theo học khoa học máy tính sẽ không nổi và không giỏi bằng bạn trai. Nhưng theo tôi, các bạn nữ dám theo ngành học này đã can đảm hơn nhiều người rồi, vì vậy chặng đường học tập phía trước sẽ không có gì là khó khăn với các bạn nữa”.
Khoa học máy tính là ngành nghiên cứu về máy tính và các hệ thống tính toán, quy trình và cách hoạt động của máy tính, cải thiện và nâng cao hiệu suất cho các thuật toán, công nghệ mới, giao tiếp giữa máy tính và con người. Việc theo đuổi ngành này giúp bạn trẻ có thể xây dựng các sản phẩm phần mềm trí tuệ nhân tạo... Bích Vân định hướng tương lai: “Tôi theo đuổi ngành khoa học dữ liệu bởi dữ liệu người dùng càng ngày càng lớn và trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Khi nắm được dữ liệu trong tay, bạn sẽ làm chủ tương lai”.
Thành lập nhóm Gen Xanh (thu gom, phân loại và đưa rác thải đến nơi xử lý đúng quy trình) và hiện tại là bản đồ xanh (website: genxanhvn.org) với những điểm thu gom rác trong TPHCM, những buổi chia sẻ kiến thức về môi trường..., là những việc mà bạn trẻ Thơm Đặng (Đặng Thị Thơm, 19 tuổi, sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM) thực hiện thời gian qua.
Bắt đầu chiến dịch “Rác đi quà về” khi còn là học sinh cấp 3, không ít thử thách dành cho cô gái trẻ, từ việc tìm nhân lực, mở trạm thu gom như thế nào… Và hơn hết là làm sao để mọi người tin tưởng và đồng hành khi gia đình và thầy cô chưa ủng hộ vì sợ ảnh hưởng đến học hành, nhất là năm cuối cấp. 
Hiện tại, nhờ được sự hỗ trợ từ thầy Nguyễn Hữu Toàn, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam Bách nghệ thực hành, Gen Xanh đã ổn định phần chuyên môn, chỉ còn phải loay hoay chuyện kinh phí duy trì hoạt động. Phần lớn kinh phí do thành viên trong nhóm góp, còn lại dựa vào hoạt động gây quỹ hoặc ủng hộ của cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đến môi trường... Khó khăn là vậy, nhưng Thơm Đặng tâm huyết: Những hoạt động của Gen Xanh đang làm hướng tới việc bền vững, lâu dài. Cái gì càng khó, càng phải mưa dầm thấm lâu. Những buổi talkshow, workshop là để củng cố, phổ cập kiến thức; còn những ngày hội, event thực tế để mọi người được thực hành. Như tên gọi của nhóm, Gen Xanh mong muốn có thể cài mã gen xanh vào tâm thức con người và hơn hết là mã gen ấy sẽ di truyền từ đời này qua đời khác. Qua đó, Gen Xanh cũng mong có thể cài mã vào các bạn trẻ để các bạn có thêm động lực để hành động bảo vệ trái đất cũng như truyền lại cho các thế hệ sau.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà người ta nói về sự khác biệt của Gen Z. Trong hành trình trưởng thành và lập nghiệp của mình, người trẻ thế hệ này quan tâm đến môi trường và sống xanh bằng những giải pháp cụ thể chứ không chỉ là trào lưu, Thơm Đặng và Gen Xanh là một nỗ lực thấy rõ.
Với nhiều người, Đỗ Đức Anh (giáo viên 
Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM) là thầy giáo của những bức thư bên bậu cửa sổ, của những đề thi gây bão, bài tập về nhà đặc biệt truyền cảm hứng… Riêng bản thân, anh chỉ xem mình là một thầy giáo bình thường như bao thầy cô khác, với ước vọng học trò trở thành những người thành công, hạnh phúc và tử tế.
Để việc học Văn thú vị, không theo lối mòn, thầy Đức Anh xây dựng nhiều dự án như: Đánh thức giấc mơ cổ tích, Kiếp đá, Biển động, Có thư trên bậu cửa, Học Văn từ cuộc sống, để học sinh trải nghiệm, tìm đề tài, viết lời bình và làm phim. Theo anh, việc học Văn xưa nay thường lối mòn sách vở, ít có hơi thở cuộc sống và việc dạy học kiểu nhồi nhét kiến thức không mang lại giá trị thực. Đức Anh dạy học theo hướng gợi mở, để học sinh cảm nhận, chiêm nghiệm nhiều hơn từ cuộc sống. 

Cùng chia sẻ, Đức Anh nhấn mạnh giáo dục hiện nay có trách nhiệm trong việc hướng học sinh đến tâm thế công dân toàn cầu. Học sinh cần có thêm những tư duy, kỹ năng, thái độ của một công dân toàn cầu, sẵn sàng trải nghiệm thử thách, phản biện để có được góc nhìn nhạy bén, đa chiều. “Trách nhiệm của giáo viên là giúp các em phát huy thế mạnh năng khiếu riêng. Trên nền tảng 3 giá trị cốt lõi là yêu thương - tôn trọng - trách nhiệm, học sinh được nuôi dưỡng tình yêu thương, lòng tôn trọng, trách nhiệm với bản thân và xã hội thông qua các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện… Nó sẽ giúp các em hình thành nhân cách, hướng đến các giá trị chuẩn mực của một công dân thời đại mới”, Đức Anh nói.
Cũng theo Đức Anh, cần có cái nhìn mới, tư duy cởi mở, tư duy phản biện và tăng cường giao lưu với bạn bè quốc tế; trang bị ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng công nghệ để mở ra nhiều cơ hội cho bản thân. “Dù là ai vẫn cần có sự tự tin, lòng tự trọng, khả năng thích ứng. Bên cạnh sự sáng tạo tìm tòi, các bạn trẻ cũng phải hiểu rõ “hòa nhập nhưng không hòa tan”, biết giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc mình”, Đức Anh chia sẻ

Tin cùng chuyên mục