Hành trình Mùa xuân biên giới (MXBG) suốt 10 năm qua đã đưa chúng tôi nhiều lần đi qua các địa danh mà thành viên trước đây chỉ biết qua sách báo phim ảnh như: đồi Phượng Hoàng, sân bay Đức Cơ, đồi Pleime, thác Ia Drăng và tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh (14C). Xưa, bộ đội chủ lực chọn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) để đặt kho lương thực, khí tài chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng Tây Nguyên hàng năm trời mà không bị lộ, bởi ở đây, già trẻ, lớn bé đều là người của cách mạng, làm việc cho cách mạng. Nhiều người bảo tôi, ở Chư Prông ngày xưa có nhiều cây Kơ Nia lắm, cái cây luôn đứng một mình, thẳng tắp giữa rừng như khẳng định tấm lòng trung trinh của người Bana, Jrai ở Tây Nguyên luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ. “Rễ cây Kơ Nia luôn hướng về miền Bắc nơi có Bok Hồ (Bác Hồ) mà”, Siu Thêm, một cựu binh của đoàn quân giải phóng năm xưa giải thích.
1. Tây Nguyên mùa khô. Những vạt hoa dã quỳ vàng rực hai bên bờ đường khiến chúng tôi bớt đi cảm giác mệt nhọc bởi những cú dằn, xóc tung người trong xe khi di chuyển đến các đồn biên phòng ở huyện Chư Prông. Những con đường ra biên giới quanh năm đều khó đi, bởi “nắng bụi, mưa lầy”. Chúng tôi đã phải cắt ngang những khu rừng khộp xơ xác mùa khô và những con đường đất đỏ bụi mù trời để đến với các đồn biên phòng 723, 725, 729 và 731 là đồn biên phòng cuối cùng của tỉnh Gia Lai, giáp với địa phận tỉnh Đắc Lắc.
Đường vào đồn Biên phòng 731 đóng trên địa bàn xã Ia mơr dài chưa đến 20km, nhưng lại là chặng đường vất vả bởi đường rất xấu. Nếu không phải là những tài xế vững tay lái hoặc thông thuộc địa hình thì khó mà vượt qua được. Chỉ cách nhau chừng 10m nhưng chẳng thể nhìn thấy xe phía trước vì bụi đất đỏ dày đặc. Mùa nắng thì bụi, qua mùa mưa nơi đây chẳng khác đầm lầy, chỉ có xe đặc chủng mới có thể thoát đi được.
Đại tá Phùng Vinh Quý, Phó Chính ủy BCH Biên phòng Gia Lai phải dẫn đoàn xe đi vòng qua một trảng rừng khộp mênh mông, trụi lá để tránh bị sập ngầm. Câu chuyện kể về những ngày tuần tra, những đêm truy kích, về nỗi nhớ nhà, thương mẹ ở quê xa của cán bộ, chiến sĩ ở đồn biên giới… đã khiến mắt nhiều người trẻ ở TPHCM long lanh ngấn nước...
Trong đồn, chiếc TV và đầu máy chúng tôi tặng năm xưa vẫn còn đó. Ân, đại úy đội trưởng trinh sát đến bắt tay tôi: “Chị không nhớ em à? Chị và mấy bạn bước vào là em nhận ra ngay...”. Một lúc sau, tôi mới nhớ ra Ân ngày xưa - một cậu lính trẻ, trắng và ốm, ít nói. Giờ vẫn ít nói thế nhưng Ân đã đen xạm và rắn chắc.
Nói chuyện nhẩn nha một lúc, Ân lấy xấp thư đã cũ kẹp thẳng thắn trong sổ tay ra khoe. Ân bảo đó là thư của một vài thành viên MXBG và nhiều chị, em gái từ hậu phương gửi đến đồn qua số hiệu hòm thư được đăng trên mấy tờ báo ở thành phố. Không chỉ Ân, nhiều trinh sát biên phòng ở suốt tuyến biên giới bộ của tỉnh Gia Lai đã xem những bức thư này như quà tặng mùa xuân để lại của chúng tôi.
|
2. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ gìn giữ biên cương mà cán bộ chiến sĩ đồn 723, đơn vị Quyết Thắng của lực lượng Biên phòng Gia Lai còn được bà con sống quanh đồn quý trọng bởi các anh đã chia cơm, sẻ áo, dạy chữ cho nhiều trẻ mồ côi, nghèo thất học, đặc biệt là Rơ Chăm Pháo, một bé gái không cha, mẹ bị tâm thần sống lay lắt giữa rừng.
Thiếu tá Nguyễn Minh Tòng, Trưởng đồn 723, cười to: “Năm nay, Pháo đã học lớp 5 rồi và luôn là học sinh khá nhé, cháu ước mơ được làm cô giáo để trả nghĩa các chú biên phòng đấy”. Các giảng viên ĐH Luật và đoàn MXBG gửi đồn biên phòng 3,5 triệu đồng để giúp bé Pháo mua xe đạp đi học xa hơn ở những năm sau.
Đồn biên phòng 721 cũng nhận nuôi một cháu mồ côi và mở lớp học tình thương cho bà con trong bản xa. Không chỉ làm thầy, các anh lính biên phòng còn là những người thợ rất giỏi. Bàn ghế, bảng đen của các lớp học đều do các anh tự đóng là chính. Điểm đóng quân gần Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Cơ nên CBCS đồn 721 còn lập đội hiến máu dự bị và giúp một số người thoát hiểm trong gang tấc.
Nghĩ cũng lạ, những chiến sĩ của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam dường như ai cũng khéo léo trong việc trồng trọt, chăn nuôi thì phải. Ngoài nhiệm vụ chính, các anh còn dành thời gian tự rèn luyện sức khỏe với các hoạt động thể dục thể thao, tăng gia sản xuất và sản xuất rất tốt. Chẳng thế mà Đồn trưởng Điển, đồn biên phòng 731 tích góp từ việc chăn nuôi, trồng trọt để lì xì tết mỗi CBCS gần triệu bạc.
3. Những cái siết tay thật chặt, gửi tặng nhau những chiếc khăn rằn như truyền cho nhau chút nắng ấm phương Nam, những gói quà cùng lời ca tiếng hát trong ngày gặp mặt đã khiến không khí mùa xuân giữa núi rừng đại ngàn xanh thẫm trở nên đặc biệt, thiêng liêng và ấm cúng. Buổi giao lưu văn nghệ sôi nổi giữa những trí thức trẻ TPHCM với các CBCS đồn biên phòng 725 thật sự là kỷ niệm khó quên, không chỉ cho người ở lại mà cả người thành phố nữa.
“Lâu lắm rồi chúng mình mới có một đêm vui quá vậy, mình yêu các bạn lắm, cám ơn tình yêu phương Nam …”, một cậu lính trẻ người Bana có giọng hát tuyệt vời đã nói như hét trên micro khiến đêm Tây Nguyên thật ấm áp. Ai cũng mong khoảnh khắc vui như thế kéo dài thêm nữa, nhưng đường về lại phố núi còn rất xa. Trong lúc chộn rộn chia tay, tôi bất ngờ đến nghẹn cổ khi có trinh sát trẻ đưa tôi xem quyển lưu bút; trong đó lưu lại những chữ ký, câu chúc, địa chỉ của nhiều thành viên cũ đoàn MXBG từ 5 năm trước. Và rất vội vàng, chúng tôi lại chuyền nhau viết tiếp vào đó những suy nghĩ mới, mơ ước mới.
Thượng tá Phan Đình Thành, Đồn trưởng 721 (một trong 3 đồn được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng) đã đón đoàn MXBG bằng sự ấm áp chân tình của những người bạn cũ (chẳng gì chúng tôi cũng quen nhau 10 năm nay rồi). Lời ca tiếng hát đã kéo chúng tôi lại gần nhau và như mọi năm, chúng tôi cùng tổ chức ăn tết sớm tại đồn. Năm nào cuộc chia tay ở các đồn biên phòng cũng hết sức bịn rịn.
“Ở đây rất nhiều chiến sĩ xa nhà nên chuyến thăm của đoàn MXBG đã đem mùa xuân đến sớm với anh em. Chính những tình cảm ấm áp này là nguồn động viên để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cám ơn sự quan tâm của Đảng bộ TPHCM, Báo SGGP và các bạn”, Thượng tá Thành, Đồn trưởng 721 nói thế sau khi nhận từ tôi chiếc khăn rằn, sản phẩm đặc trưng của người dân phương Nam.
Đồn 677 và đồn 679 là hai đồn nằm sát cửa khẩu Bờ Y nên công việc của họ đòi hỏi sự tinh tế, nhạy bén rất riêng. Bởi họ không chỉ đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới mà còn phải làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng đời sống văn hóa mới ở thôn, bản và góp phần phát triển kinh tế vùng cửa khẩu.
Chính vì vậy, công việc nơi đây rất bận rộn. Họ phải thường xuyên đo lường sự “ấm-lạnh” ở khu vực “Ngã ba Đông Dương” này bằng các hoạt động kiểm tra, hỗ trợ các đoàn khách cấp cao, quốc tế đi qua cửa khẩu và phải tập trung chống thẩm lậu ma túy, hàng hóa bằng con đường tiểu ngạch. Vì thế, họ ít có thời gian giải trí nên sự có mặt của những người trẻ thành phố đã khuấy động cả một góc trời biên giới.
Chia tay với những đêm tuần tra giá lạnh giữa rừng, chúng tôi xin gửi lại các anh nơi biên cương chút nắng ấm của mùa xuân phương Nam.
Phạm Thục
| |
| |