Hành trình vượt khó để vươn lên

8 năm sau khi chuyển từ hệ trung cấp lên đào tạo bậc đại học, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở 2 tại TPHCM) đã không ngừng cố gắng vươn lên thay đổi diện mạo, từng bước khẳng định vị trí của mình trong hệ thống giáo dục đại học.
Hành trình vượt khó để vươn lên

8 năm sau khi chuyển từ hệ trung cấp lên đào tạo bậc đại học, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở 2 tại TPHCM) đã không ngừng cố gắng vươn lên thay đổi diện mạo, từng bước khẳng định vị trí của mình trong hệ thống giáo dục đại học.

Tư duy đột phá

Sau khi sáp nhập với Trường Đại học Lao động - Xã hội vào năm 2007, Cơ sở 2 gặp vô vàn khó khăn, trường lớp, trang thiết bị và cả đời sống tinh thần, phúc lợi của cán bộ giảng viên, nhân viên (viết tắt CBNV) thiếu thốn, nghèo nàn. Đó là chưa kể, nhiều lực cản từ sức ỳ, tư duy cũ, lạc hậu, không muốn cải tiến cách làm đã cản bước quyết tâm đổi mới, lột xác của nhà trường. Nhưng đứng trước yêu cầu phát triển, xây dựng hình ảnh, đưa con thuyền đào tạo đi đúng hướng, khẳng định vị thế, tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc, cùng đội ngũ CBNV đã đồng tâm hiệp lực, dành hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người.

PGS-TS Bùi Anh Thủy (thứ hai từ phải qua) đang trao đổi với các học giả Hàn Quốc tại Hội nghị khoa học quốc tế ở TP Busan (Hàn Quốc) (Ảnh: KHÁNH BÌNH)

Hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, ngoài sắp xếp tinh gọn bộ máy, cải thiện môi trường làm việc, nhà trường đã đề ra những chính sách thu hút nguồn giảng viên có trình độ cao. Nhờ tư duy dám nghĩ, dám làm, đẩy nhanh tiến độ áp dụng tiêu chuẩn giảng viên theo Điều lệ trường đại học, đến nay Cơ sở 2 đã có nhiều Phó giáo sư và 157 tiến sĩ, thạc sĩ. Điều này đã khẳng định chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường. Từ năm 2013, Trường Đại học Lao động - Xã hội Cơ sở 2 đã nằm trong số ít các cơ sở giáo dục đại học có tỷ lệ giáo viên cơ hữu đứng lớp đạt chuẩn quốc gia (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt 100%). Từ chỗ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, chất lượng thấp trong những năm đầu mới chuyển lên đại học, quy mô đào tạo của nhà trường tăng nhanh và đến nay đã đạt con số ấn tượng với gần 7.000 sinh viên ở 5 ngành học, trong đó hệ chính quy là 5.000 sinh viên, còn lại là hệ vừa học vừa làm. Riêng năm học 2015-2016, Cơ sở 2 tuyển 1.531 sinh viên đại học hệ chính quy với điểm chuẩn khá cao (từ năm 2013, trường không còn tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp). Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, phẩm chất tốt, có đầy đủ năng lực thực hành, nhà trường không chỉ tăng cường kiểm soát, đánh giá công bằng kết quả người học mà còn mở rộng việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên đối với giáo viên. Tập thể sư phạm nhà trường luôn mong muốn đổi mới, tích cực xây dựng môi trường giáo dục chuẩn mực, xây dựng thương hiệu bền vững. Và kết quả là, trên 85% sinh viên của trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đã chứng minh hiệu quả và những nỗ lực của nhà trường.

Trọng dụng người tài

Không chỉ đầu tư mới, cải tạo cơ sở vật chất, tạo hình ảnh khang trang, môi trường thân thiện với những mảng xanh ngày một nhiều hơn, Trường Đại học Lao động - Xã hội Cơ sở 2 còn có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên vượt khó bằng nhiều học bổng, chính sách miễn giảm học phí. Hàng năm “Quỹ Tài năng trẻ sinh viên” của trường đã nâng cánh những ước mơ học giỏi, phát triển tài năng cho nhiều sinh viên. Bên cạnh đó, Ban giám đốc đã luôn nỗ lực tìm tòi các giải pháp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho CBNV. So với năm 2009, thu nhập của CBNV đã tăng 2,7 lần, cùng nhiều chế độ phúc lợi khác. Được làm việc trong môi trường sư phạm chuẩn mực, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, đội ngũ CBNV đã yên tâm công tác, dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, góp sức xây dựng trường.

Hướng tới mục tiêu hội nhập, nhà trường không ngừng đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên qua các dự án hợp tác với Caritas (Đức), WWO (Mỹ), EED (EU), Hiệp hội Công tác xã hội Liên bang Nga; hợp tác với Đại học IMC Krems (Áo), Đại học Hawaii (Mỹ), một số đại học danh tiếng của Nga… Và niềm tự hào lan tỏa khi nhà trường đã tạo được cú hích trong hành trình 39 năm phát triển với 7 bài viết khoa học của đội ngũ giảng viên thuộc Cơ sở 2 được chọn xuất bản, lưu hành ở các kỷ yếu, tạp chí khoa học nước ngoài. Trong thành tựu chung này, riêng PGS-TS Bùi Anh Thủy, Giám đốc nhà trường, đóng góp 4 công trình. Bên cạnh đó, việc thành lập Hội đồng Khoa học - Đào tạo từ 6 năm trước, với sự tham gia của nhiều doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý uy tín cũng hỗ trợ nhà trường nâng cao sản phẩm và điều chỉnh những bất cập, lỗi nhịp, để thích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động thế kỷ 21.

Bí quyết nào đã giúp Trường ĐH LĐXH Cơ sở 2 tạo ra đột phá, lột xác trong thời gian ngắn? Chia sẻ điều này, PGS-TS Bùi Anh Thủy, Giám đốc nhà trường, cho biết: “Để thổi luồng gió mới, tạo dựng thương hiệu, tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc và đội ngũ CBNV đã đoàn kết, dám đương đầu với thử thách, hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, công bằng. Khó khăn, trở ngại không ít, thậm chí có cả sự cản trở bước tiến đổi mới, nhưng chúng tôi có chung niềm tin, khát vọng phải tạo dựng một môi trường giáo dục - đào tạo đại học chuẩn mực, minh bạch trong mọi lĩnh vực hoạt động. Ở đó, những người tài, người có năng lực, phẩm chất tốt luôn được tạo điều kiện phát triển tốt nhất để phát huy tài năng, đóng góp được nhiều nhất cho nhà trường, cho xã hội, vì sự hưng thịnh của đất nước”.

NGUYÊN TRẦN

Tin cùng chuyên mục