Càng gần đến ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, số lượng người tiếp nối hành hương về Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng đông hơn. Trong đoàn người đó, có nhiều cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên về với Đại tướng. Họ mang theo cả hào khí chiến thắng từ Phay Khắt, Nà Ngần, đến đồi A1, C1... về bên Đại tướng. Một triển lãm ảnh ngoài trời với 60 bức ảnh về hào khí Điện Biên Phủ và công lao Đại tướng trong chiến thắng vang dội này cũng được trưng bày để hàng vạn đồng bào biết thêm thiên sử vàng chói lọi qua những hình ảnh quý hiếm.
Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi
Thật bất ngờ khi các nhà nhiếp ảnh của Việt Nam, của TTXVN đã tổ chức một cuộc triển lãm ngoài trời ở khu vực Vũng Chùa, nơi đường dẫn lên khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chủ đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”. Cuộc triển lãm diễn ra từ ngày 4-5 đến hết ngày 14-5. Ngay ngày đầu tiên khai mạc, triển lãm đã thu hút hàng ngàn đồng bào viếng mộ Đại tướng đến với hình ảnh Điện Biên Phủ của 60 năm trước. Cuộc triển lãm gồm 60 bức ảnh chọn lọc về diễn biến của trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp do chính phóng viên của TTXVN chụp và các nhiếp ảnh gia Việt Nam cùng một bức ảnh của phóng viên Nhật Bản chụp Đại tướng trong bộ quân phục màu xanh lam lúc Đại tướng về thăm Quảng Bình năm 1973.
Nhìn vào xuyên suốt 60 bức ảnh của triển lãm, người xem như nhìn thấy hào khí Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm xưa của dân tộc Việt Nam hiện ra dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của bộ đội và nhân dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Táo ở Thanh Hóa nói: “Tôi là một người lính từng chiến đấu trong trận Điện Biên Phủ năm xưa, nay đã 80 tuổi, già rồi, nhưng khi về đây, bất ngờ có cuộc triển lãm này, thấy lại khí thế của 60 năm trước rất xúc động”.
Về Vũng Chùa, nhớ Đại tướng
Trở lại Vũng Chùa - Đảo Yến lần này, chúng tôi gặp rất nhiều cựu chiến binh trong Nam ngoài Bắc vào dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ Trần Văn Tiết (Nghi Hưng, Nghi Lộc, Nghệ An) đã ngoài 80 tuổi, kể: “Tôi ở Đại đoàn quân tiên phong 308, năm 1952 đi bộ đội và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh vào đồi C1. Khi chiến thắng Điện Biên Phủ, trong dịp mừng chiến thắng, tôi đã được bắt tay với Đại tướng. Đại tướng hỏi thăm rất ân cần và động viên tôi cố gắng hơn nữa trong quân ngũ để xứng đáng với hình ảnh bộ đội Cụ Hồ”.
Trong dòng người về bên mộ Đại tướng, chúng tôi được gặp cựu chiến binh Lê Bá Hùng (Đồng Sơn, Đồng Hới, Quảng Bình). Ông nhớ lại lần gặp Đại tướng tại lễ duyệt binh mừng chiến thắng ở Mường Phăng vào ngày 13-5-1954.
Cựu chiến binh Lê Bá Hùng kể: “Phải 7 giờ sáng mới duyệt binh, nhưng từ sớm các đơn vị đã chỉnh tề. Bất ngờ giữa sáng sớm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện, tiến về phía những hàng quân, trò chuyện, bắt tay với các chiến sĩ. Đi qua hàng quân đơn vị, bất ngờ Đại tướng tiến lại gần, bắt tay tôi, hỏi: “Cháu quê ở đâu?”. Tôi đáp lời: “Dạ thưa Đại tướng, cháu quê ở Quảng Bình”. Đại tướng ồ lên: “Đồng hương với mình nhé! Vào bộ đội cháu làm nhiệm vụ gì?”. “Dạ, cháu làm liên lạc ạ!”. Sau trò chuyện, Đại tướng bắt tay thật chặt và căn dặn: “Làm việc gì cũng là nhiệm vụ quân đội giao cả. Cháu phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Ở đây còn ai quê Quảng Bình nữa thì cho bác gửi lời thăm sức khỏe nhé”. Lúc đó, tôi rất hồi hộp nhưng rất hạnh phúc và nói “dạ” rất to”...
Cụ ông Hoàng Văn Đồng (93 tuổi, Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) kể: “Tôi ở Đại đoàn 316, đơn vị được giao nhiệm vụ công đồn các mục tiêu phía Đông đồi A1. Đợt tiến công đầu tiên, tôi được cấp trên khen vì mưu trí, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch nên nhận lệnh báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một căn hầm bí mật. Thời gian gấp rút, tôi báo cáo những gì mình trinh sát thấy, Đại tướng hỏi thêm về cách địch bố trí các chốt kháng cự, tôi trả lời rõ ràng rồi Đại tướng căn dặn anh em chiến sĩ, gửi lời hỏi thăm động viên. Trước khi chia tay, Đại tướng tặng tôi một ly cà phê như phần thưởng lớn giữa trận chiến ác liệt. Ly cà phê đó đến bây giờ tôi còn nhớ mùi thơm phảng phất, không thể nào quên. Đó là ly cà phê đầu tiên trong đời, ở giữa núi rừng Điện Biên còn khắc rõ trong tâm trí tôi như lời ân cần của Đại tướng dành cho tôi”.
Giờ đây, Vũng Chùa - Đảo Yến thanh bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã về với đất mẹ, nhưng hào khí Điện Biên Phủ năm xưa vẫn được tái hiện trong ký ức của những người lính Điện Biên. Hào khí ấy vẫn luôn chói lọi soi đường cho chúng ta đi...
MINH PHONG