Những ngày này, đảo Lý Sơn đang như một đại công trường. Những con đường bê tông hóa phẳng lì chạy xung quanh đảo. Bờ kè vững chãi, đường nội bộ trung tâm đang được thi công mở rộng để sớm đưa huyện đảo này lên thị trấn… Đến Lý Sơn mùa này, như cảm nhận được sự vươn mình mạnh mẽ.
Gần lắm Lý Sơn
Chuyến tàu cao tốc Lý Sơn nổ máy giòn tan, nổi ba hồi còi vang lên chào đất liền rồi rời cảng Sa Kỳ lúc 7 giờ 30 sáng. Mặt biển êm đềm xanh lá mạ rồi chuyển dần qua màu xanh tím rịm. Mũi tàu rẽ sóng thành những luống dài và để lại hai vệt bọt biển trắng xóa hai bên thân tàu, sóng sánh đẹp mơ màng.
Lão ngư Phạm Cường nay đã 78 tuổi, là ngư dân thiện chiến ngang dọc vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa nay do tuổi tác, đã nghỉ biển nói: “Bây giờ vào đất liền hay ra đảo sướng quá! Chỉ ngồi chừng một giờ đã đến nơi rồi. Không như ngày trước, đi về bằng chiếc ghe nhỏ xíu, như chiếc lá mỏng manh trên mặt nước, mất 4 - 5 giờ, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Ông Cường tự hào khi Lý Sơn là mảnh đất khắc nghiệt nhưng tính tình con người rất hào sảng và chứa đựng nhiều di tích lịch sử, trầm tích văn hóa từ Sa Huỳnh đến Chăm và văn hóa giao thoa… nên những lần vào đất liền chỉ ở với con cháu chừng 2 - 3 ngày, ông lại nôn nao nhớ biển, nhớ đảo.
Câu chuyện của tôi và ông Cường đang dở dang thì tiếng còi tàu lại vang lên, cầu cảng Lý Sơn đã hiển hiện ngay trước mặt. Tiếng nói cười rộn ràng, những cái bắt tay của người lạ lần đầu đến đảo, của người quen lâu ngày gặp nhau và cả những cái ôm chặt như chẳng còn khoảng cách giữa đất liền với hải đảo xa xôi.
Như thường lệ, Lý Sơn đón khách bằng cái nắng nóng như chảo lửa. Mồ hôi và nước biển mặn rít rịt. Ngay chân cầu cảng Lý Sơn, những khối bê tông, những đá tảng, cục acrobot (đá phá sóng) to vật vã, xù xì, ngổn ngang án ngữ. Tôi kịp hỏi với theo ông Cường, ông bảo ở đó đang làm kè, mở rộng cảng, lấn biển mở rộng đảo.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn bảo rằng những ngày thường đi lại không còn là vấn đề nan giải với Lý Sơn nữa bởi hàng ngày đã có 4 chuyến tàu vào - ra đưa đón gần 1.600 lượt khách của HTX vận tải biển và DN tư nhân Hồng Danh đảm nhiệm. Nếu một chuyến xuất phát không chở hết khách, sẽ có chuyến thứ hai tăng cường. Những ngày lễ tết, Lý Sơn đông như hội. Những con tàu cứ như con thoi ra vào liên tục. “Phải đáp ứng nhu cầu của khách, giải quyết dứt điểm tình trạng khách chờ để vào đất liền và ra đảo” - bà Hương quả quyết.
Đến Lý Sơn, du khách chẳng thể đi bộ dạo quanh đảo bởi diện tích rộng hơn 10km³. Muốn di chuyển, phải mượn xe gắn máy của người quen hoặc thuê ngay tại các nhà nghỉ, khách sạn, khoảng 150.000 đồng/ngày/đêm. Nắng nóng vẫn bủa vây, chúng tôi đi một vòng quanh đảo mục sở thị những sôi động của hòn đảo được tạo nên bởi những ngọn núi lửa phun trào.
Ở phía Đông, âu thuyền hình tứ giác có cửa ra vào đang được gấp rút mở rộng cho khoảng 500 phương tiện trú tránh mùa mưa bão; bờ kè đã bao quanh đảo được 2/3 và trong nay mai sẽ ôm trọn đảo Lý Sơn để ngăn chặn sạt lở và những cơn sóng dữ. Những xe cẩu vươn cánh tay dài vào những vạt đồi cao múc những gàu đất đá đổ đầy thùng xe tải rồi nối đuôi nhau chuyển đến khu xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn… nên Lý Sơn như một đại công trường.
Đô thị giữa biển
Ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (chủ đầu tư dự án cấp điện cho đảo Lý Sơn) dẫn tiến độ bằng những mốc sự kiện quan trọng: Đơn vị đã ký hợp đồng gói thầu cáp ngầm xuyên biển 01/EPC-LS với liên doanh nhà thầu Prysmian Power link S.r.l (Italia) và Công ty TNHH Thái Dương (Việt Nam). Mốc tiến độ chính của gói thầu sẽ thực hiện trước ngày 15-7 và vận chuyển cáp về đến cảng Dung Quất trước ngày 30-8.
Ngoài ra, hạng mục khảo sát, lập phương án và dự toán rà phá bom mìn cũng đã được ký hợp đồng với Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng. “Đây là dự án quan trọng trong năm 2014 của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, với yêu cầu đến cuối năm 2014 phải hoàn thành. Chúng tôi đang làm hết mình để đưa điện ra đảo đúng tiến độ” - ông Thanh khẳng định.
Còn bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn liệt kê hàng loạt dự án đang được khẩn trương triển khai tại Lý Sơn như: mở rộng trục đường trung tâm, nhà máy xử lý rác thải rắn, cấp nước ngọt cho trung tâm huyện, tuyến kè đảo Lớn, đảo Bé (xã đảo An Bình, cách đảo lớn Lý Sơn chừng 3km), những công trình thể thao, văn hóa đầu tư bằng hình thức xã hội hóa cũng đã triển khai và đang dần hoàn thành một số hạng mục… “Tất cả những tiêu chí đó sẽ sớm đưa huyện đảo này thành thị trấn giữa trùng khơi” - bà Hương nói.
Để cảm xúc lắng lại, bà Hương nói chậm rãi: Lâu nay dân đảo vẫn nghĩ sẽ chẳng bao giờ điện lưới quốc gia ra được với Lý Sơn. Mà nếu có cũng sẽ phải rất lâu nữa. Nhưng nay những mong ước đó đang dần trở thành hiện thực khi dự án đã thành hình hài. Tiến độ đang được Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh. Hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân trong vùng dự án đã hoàn thành.
“Không vướng mắc gì cả, bởi điện là mong ước bao đời nay của người dân nên họ vui vẻ nhường mặt bằng. Khi dự án lưới điện quốc gia hoàn thành chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó, thế mạnh từ kinh tế biển và du lịch biển đảo sẽ được khai thác tối đa. Các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, hợp tác. Những dự án du lịch, những khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn rồi cũng sẽ theo đó mọc lên…!” - bà Hương hồ hởi nói.
Chúng tôi hiểu, những dự định, những toan tính ấy của lãnh đạo huyện Lý Sơn dù còn ở thì tương lai. Nhưng, nếu ai đó đã từng nhiều lần ra với Lý Sơn - đảo tiền tiêu, hẳn sẽ có niềm tin về hòn đảo giữa trùng khơi ấy sẽ bật lên mạnh mẽ. Một đô thị Lý Sơn lung linh giữa trùng khơi xanh thẳm sẽ luôn tạo sự hiếu kỳ cho bất cứ ai đến lần đầu và còn hơn thế nữa…!
| |
HÀ MINH