
70 năm đã trôi qua, nhưng thiên tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió của nữ văn sĩ người Mỹ Margaret Mitchell (1900-1949) vẫn không thôi làm say mê bao thế hệ độc giả. Năm 1991, cuốn Scarlett – được coi là phần tiếp theo của Cuốn theo chiều gió, do tác giả Alexandra Ripley sáng tác - ra mắt độc giả. Công chúng đón nhận Scarlett khá nồng nhiệt, nó nhanh chóng trở thành cuốn sách best-seller với 6 triệu bản đã được bán ra.
- Sau Scarlett tới… Rhett!

Cảnh trong phim Cuốn theo chiều gió
Nhưng câu chuyện về một trong những mối tình nổi tiếng nhất lịch sử Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, giữa anh chàng Rhett Butler lịch lãm đào hoa và cô nàng Scarlett O’Hara thông minh xinh đẹp vẫn chưa kết thúc ở đó! Bằng chứng là mùa thu tới, một phần tiếp theo khác của Cuốn theo chiều gió với tựa đề Rhett Butler’s People (tạm dịch Chuyện nhà Rhett Butler) - tác giả Donald McCaig, nhà xuất bản (NXB) St. Martin’s Press - sẽ lại ra mắt bạn đọc. Cuốn sách dày hơn 400 trang, bao trùm thời kỳ từ 1843 tới 1874, nghĩa là “rộng” hơn cuốn sách ban đầu tới 2 thập kỷ (bắt đầu vào năm 1861). Lần này, bạn đọc được dẫn dắt theo dòng lịch sử bởi nhân vật nam chính của câu chuyện - Rhett Butler, người vốn dĩ lớn lên từ một trang trại trồng lúa vùng South Carolina…
Để được quyền viết tiếp Cuốn theo chiều gió, NXB St. Martin’s Press đã phải trả cho những người thừa kế của nhà văn Margaret Mitchell 4,5 triệu USD. Ngay đợt đầu, Rhett Butler’s People sẽ được “tung” ra với số lượng rất lớn - 1 triệu bản. NXB tin rằng họ sẽ không khó khăn lắm trong việc trang trải số tiền mua bản quyền nói trên…
- 12 năm, 3 tác giả, 1 bản thảo bị hủy bỏ
Mọi chuyện bắt đầu cách đây 12 năm. Khi phần tiếp theo đầu tiên của Cuốn theo chiều gió - Scarlett ra đời, giới phê bình văn học có phần hơi… “lãnh đạm”. Vì thế mà lần này các luật sư chịu trách nhiệm quản lý quyền thừa kế của hai người cháu trai bà Mitchell cho hay họ mong muốn đó phải là một cuốn sách “có chất lượng văn học cao”. Bắt đầu một hành trình gian nan đi tìm người viết thích hợp.
Năm 1995, Emma Tennant, một nhà văn nữ người Anh, đã gửi đến bản thảo mang tựa đề Tara dày 575 trang của bà, nhưng những người xuất bản cho rằng câu chuyện của Tennant quá đậm chất “British”. Kết quả: Tara không được phép xuất bản dưới bất kỳ hình thức nào. Người kế tiếp mà nhà xuất bản tiếp cận là Pat Conroy, một nhà văn miền Nam, người từng viết lời giới thiệu cho Cuốn theo chiều gió tái bản nhân dịp cuốn sách tròn 60 tuổi. Nhưng do bất đồng về một số điểm nên sự hợp tác đã không thành. 4 năm nữa trôi qua không mang lại thêm điều gì mới mẻ…
Cho tới một lần, Hope Dellon - người chịu trách nhiệm xuất bản của St. Martin’s Press tình cờ tìm thấy trong một tiệm sách cuốn Jacob’s Ladder của tác giả McCaig viết về đề tài nội chiến Nam – Bắc Mỹ. Những gì đọc được khiến bà rất thích thú. Dellon gọi điện cho McCaig, ông này cho hay… chưa hề đọc Cuốn theo chiều gió! Thế rồi, sau khi đọc xong cuốn sách, McCaig rất hứng thú, ông nói ông muốn kể lại câu chuyện theo cách nhìn của Rhett…
McCraig đã bỏ ra 6 năm trời để tìm tài liệu, nghiên cứu lịch sử và viết. Có lúc ông còn tới tận Charleston để tìm hiểu “hiện trường”, nơi Rhett lái tàu vượt qua tuyến phong tỏa... Vợ ông soạn đề cương tỉ mỉ từng chương cuốn sách nguyên thủy để ông có thể “bám sát” mạch chuyện (vì thế phải coi Rhett Butler’s People là cuốn sách “song song” với Cuốn theo chiều gió thì mới đúng!).
Sau khi kết thúc mỗi một chương, ông lại gửi bản thảo tới nhà xuất bản. Rút kinh nghiệm những lần trước, các luật sư không can thiệp quá sâu vào nội dung cuốn sách mà chỉ đóng góp ý kiến. McCaig cho hay: Đây là một việc làm (viết truyện) phức tạp vì nó liên quan tới rất nhiều người, nhiều nhân vật, lại diễn ra trong một bối cảnh đầy biến động…
Với Rhett Butler’s People, độc giả sẽ hiểu rõ hơn nhân vật Rhett, hoàn cảnh góp phần làm nên cá tính của anh ta và nhất là những gì đã diễn ra trong óc anh khi Rhett gặp Scarlett, trở thành cặp tình nhân nổi tiếng nhất nhì của mọi thời….
MINH QUỐC
(theo The New York Times)