Chúng tôi đến ấp Thạnh Quới 2, xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) giữa tháng mưa mới thấy hết những bức xúc của người dân về tình trạng thi công đình đốn 2 cầu Kênh Năm và Hốc Hỏa – nằm trên đường vành đai huyết mạch của thị xã Vị Thanh!
Dự án đường Chủ Chẹt – Kênh Đê – Kênh Năm từ quốc lộ 61 đi qua các xã Hỏa Lựu, Tân Tiến, Hỏa Tiến và điểm cuối nối với Trại giam Kênh Năm do thị xã Vị Thanh làm chủ đầu tư. Tuyến này có tổng chiều dài trên 16km với tổng mức đầu tư hơn 21,4 tỷ đồng, được chia thành 2 gói thầu gồm xây lắp phần đường, cống và cầu. Đây là tuyến đường vành đai quan trọng nhất của thị xã Vị Thanh.
Từ tháng 6-2000, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) đã phê duyệt dự án khả thi và đến tháng 3-2002 thì phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Ngày 3-9-2002, gói thầu số 2 chính thức khởi công thực hiện hạng mục đường, cống ngang đường, các cầu và đường vào cầu từ Km11+899,9 đến Km16+225.
Gói thầu này do Doanh nghiệp xây dựng Trường Hà - nay là Công ty TNHH xây dựng Trường Hà - trúng thầu với giá gần 3,9 tỷ đồng, thời gian hoàn thành công trình theo Hợp đồng kinh tế số 69 là 145 ngày kể từ ngày khởi công. Thế nhưng, đến ngày 15-11-2005, tức 1.000 ngày tính từ ngày khởi công, công trình vẫn chưa hoàn thành.
Do tiến độ thi công không đảm bảo, UBND thị xã Vị Thanh đã 15 lần gởi thư mời đơn vị thi công họp bàn biện pháp tháo gỡ, nhưng chỉ có một lần duy nhất là vào ngày 28-6-2004, ông Nguyễn Đình Quí, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hà có mặt dự họp, tuy nhiên sau đó tiến độ vẫn không đảm bảo. Theo ông Đặng Văn Ngăm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vị Thanh, nguyên nhân đình đốn là do nhà thầu không có năng lực, đã bán lại công trình cho một đơn vị khác là Công ty Hoa Anh Đào nhưng công ty này cũng không đủ sức thực hiện.
Vẫn chưa thấy khởi công!
Ngày 15-11-2005, ông Đặng Văn Ngăm có Tờ trình 444 gởi UBND tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng thi công đường Chủ Chẹt – Kênh Đê – Kênh Năm, gói thầu số 2. Phải đến gần 6 tháng sau, tháng 5-2006, chủ tịch UBND tỉnh mới có công văn 1077 gởi Sở KH –ĐT, Tài chính, Kho bạc nhà nước và chủ tịch UBND thị xã thống nhất đề nghị trên; đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư căn cứ hợp đồng kinh tế với đơn vị thi công tiến hành xử lý đối với các nhà thầu vi phạm. Tháng 1-2007, UBND thị xã có tờ trình xin chủ trương lập dự án (phần khối lượng còn lại). Tháng 4-2007, UBND tỉnh có công văn chấp thuận.
Ngày 30-5-2007, UBND thị xã cho biết đã lập xong dự án, đang thẩm định và chờ phê duyệt tổng vốn đầu tư tương đương 1,8 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương. Dự kiến của UBND thị xã trong tháng 7-2007 sẽ tiến hành tổ chức đấu thầu, sớm khởi động lại công trình.
Thế nhưng đến nay đã cuối tháng 8-2007 dự án vẫn chưa thấy khởi công?
Trách nhiệm của ai?
Ông Huỳnh Văn Thống, Chủ tịch HĐND xã Hỏa Tiến, bức xúc: “Bà con đã nhiều lần phản ánh nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được trả lời chính thức. Hàng năm, ngân sách xã phải chi trên 4 triệu đồng hỗ trợ làm cầu và đường tạm, trong khi xã mới chia tách còn hết sức khó khăn”.
Anh Dương Minh Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến cho biết: “Xã vừa hỗ trợ 1 triệu đồng, kết hợp vận động của ấp mua cát, đá giúp làm đường tạm phục vụ đi lại cho bà con, chứ không thì bó tay”. Ông Tư Xáng, ở ấp Thạnh Quới 2, nói rằng bà con hoang mang về việc vốn nhà nước bỏ ra mà dự án thì đóng băng gây bức xúc, trách nhiệm này là của ai? Còn ông Nguyễn Văn Nhịp, ở cùng ấp, thì bức xúc về chuyện đi lại của bà con, nhất là các em học sinh trong mùa mưa.
Ông Nguyễn Tấn Sơn, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Vị Thanh cho biết: “Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi có biết việc này. Tôi có phản ánh trong các buổi họp hàng tháng với lãnh đạo thị xã. Đây là vùng kháng chiến cũ, rất nhiều hộ gia đình chính sách đang sinh sống ở đây, nên việc sớm khởi động lại dự án là hết sức cần thiết”.
MINH ĐIỀN - VĨNH TƯỜNG