Có lẽ chưa có lúc nào điện ảnh Việt Nam lại xôn xao làm phim lịch sử như hiện nay, nguyên nhân vì sao chắc ai cũng hiểu. Ở thời điểm này, chúng ta đang bắt đầu đếm đồng hồ ngược, ngày tháng đang nhích dần đến ngày trọng đại cả nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Con số càng nhỏ dần nghĩa là sẽ có một cuộc chạy đua nước rút để kịp các công trình mừng ngày hội lớn của dân tộc và điện ảnh vẫn luôn được đặt nhiều kỳ vọng phục vụ hiệu quả những ngày lễ lớn. Vì thế, không ai lạ khi việc dời đô của vua Lý Thái Tổ được các nhà làm phim khai thác tối đa đến vậy.
Người làm phim Việt Nam từ trước đến nay vốn rất e ngại làm phim lịch sử, vì thế, dù đã kỷ niệm 50 năm thành lập ngành điện ảnh nhưng những bộ phim lịch sử Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết phim chỉ dám dừng lại ở mốc cận đại, hoặc xa hơn một chút là ở thế kỷ 18, thời Trịnh – Nguyễn, chứ chưa có nhà làm phim nào dám ngược đường xa hơn, mặc dù các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần vẫn luôn là niềm tự hào của dân tộc. Nhà Trần với 3 lần đánh tan quân Nguyên, đoàn quân san bằng cả thế giới, cũng đủ làm nên một tác phẩm điện ảnh hoành tráng mà ý nghĩa của nó vượt xa tầm Xích bích, Tam quốc…
Còn nữa, câu chuyện đời riêng của vua Lê Thánh Tông, lưu lạc từ bé trong dân gian vì những tỵ hiềm trong cung cấm, để sau này trở thành vị minh quân lỗi lạc; chuyện nàng Huyền Trân công chúa với mối tình hận ngàn thu và bi kịch đẫm lệ của nàng An Tư, cô công chúa 16 tuổi mà vua Trần buộc phải trao cho giặc lúc thế nước ngặt nghèo há chẳng làm thắt lòng người đương đại… Chúng ta có quá nhiều bột để gột nên hồ nhưng thực sự làm sao mà dám đi xa hơn khi kinh phí làm phim chỉ có thể sử dụng kinh thành Huế làm bối cảnh chính. Và vì vậy, Phủ chúa Trịnh cũng ở đó, cung vua Lê cũng ở đó, góc máy chỉ được phép thu hẹp trong phạm vi có thể để không lộ ra những nhốn nháo của thời hiện đại.
Chuyện ở thế kỷ 18 còn khả dĩ sử dụng được kinh thành Huế nhưng kinh thành Thăng Long của 10 thế kỷ trước thì biết chọn ở đâu làm bối cảnh? Rồi còn trang phục, đường sá, ngựa xe...? Tất cả những yếu tố thiết yếu để làm nền cho một bộ phim lịch sử, chúng ta đều bắt đầu từ con số 0, vậy thì trách làm sao các đoàn làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long phải sử dụng thành quách nước khác làm thành quách nước mình! Phim chưa chiếu ra nhưng xem ảnh đã thấy buồn vì không nhận ra nổi mình. Vua Lý Thái Tổ ăn mặc không khác chi các vua thời nhà Minh, thành quách chập chùng nhiều mái với kiến trúc quen thuộc nhìn thấy nhan nhản ở các phim lịch sử Trung Quốc chiếu thường xuyên trên các đài truyền hình…
Làm phim lịch sử mà không có phim trường nghĩa là chúng ta đã đi ngược dòng. Phim kỷ niệm ngày lễ nhất thiết phải có nhưng chúng ta đã phải làm phim theo kiểu bay thẳng lên ngọn bằng cái gốc của người khác. Và vì vậy, sự kỳ vọng có một kinh thành Thăng Long với những con người thuần Việt, phong cách Việt là điều khó lắm thay! Một số nhà làm phim nước ngoài nhận định điện ảnh Việt Nam rất nghèo nhưng cũng rất sang. Nghèo vì không có phim trường nên mỗi đoàn phim đều phải tự bỏ kinh phí dựng cảnh, vì thế khó thể hiện nổi yêu cầu thiết yếu cho từng bộ phim. Còn sang là khi quay xong thì tất cả đều được tháo ra xếp vào kho và trở thành rác!
Chúng ta đang làm phim lịch sử với kinh phí rất cao, nhưng nếu chúng ta không có phim trường để tự xây dựng lâu đài, thành quách của chính đất nước mình mà phải dựa vào trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc như hiện nay thì e rằng người Việt xem phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nhưng không thể nhận diện nổi chính tổ tiên mình. Xin hãy bắt đầu từ gốc, hãy có cái nền vững chắc để đi lên, để có đủ cành lá xum xuê, đơm hoa kết trái bằng chính nhựa sống từ nguồn cội của mình.
Ngô Ngọc Ngũ Long