Hãy biết yêu thương con trẻ

Trong bất cứ thời đại nào, gia đình luôn được xem là tế bào của xã hội. Gia đình có ổn định, có đoàn kết gắn bó trong tình yêu thương, gìn giữ và phát huy được những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp thì xã hội mới ổn định, đất nước mới phát triển vững mạnh.

Nhìn lại ngày xưa, nhiều người cho rằng, cuộc sống tuy nghèo nhưng chính trong sự nghèo ấy, xã hội lại ít biến động, gia đình gắn bó, tình cảm, ít rơi vào nghịch cảnh hơn. Còn nay, thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập, công nghiệp hóa, dường như mối bận tâm lớn nhất của nhiều người, nhiều gia đình là làm giàu để thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Áp lực kiếm tiền đã đè nặng lên mỗi người, mỗi gia đình, nhất là ở thành thị, khiến chúng trở thành tiêu chí hàng đầu để đánh giá sự thành đạt. Và chính điều đó đã làm lu mờ những giá trị truyền thống cốt lõi, tốt đẹp của gia đình vốn tồn tại qua hàng ngàn năm.

Minh chứng cho điều này là những câu chuyện chung thủy “răng long đầu bạc”, một vợ một chồng “ăn đời ở kiếp”, “tứ đại đồng đường” ngày một ít dần, thay vào đó là những câu chuyện ngoại tình, xung đột gia đình, ly hôn, đặc biệt trong lớp trẻ, ngày một tăng. Xu hướng lấy chồng giàu, chồng ngoại để đổi đời trở thành phong trào ở nhiều nơi, nhất là những vùng nông thôn nghèo khó, tạo nên những hệ lụy tiêu cực… Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%).

Ai cũng biết, nạn nhân của những gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” không chỉ là những người trong cuộc, những bậc làm cha làm mẹ, mà đau đớn, thiệt thòi hơn, chính là những đứa trẻ. Phần lớn những đứa trẻ hư hỏng, rơi vào tệ nạn xã hội… đều có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, cha mẹ ly hôn hoặc có vấn đề nào đó. Theo Quỹ Nhi đồng Liêp hiệp quốc, Việt Nam hiện có khoảng 27 triệu trẻ em và thanh niên tuổi từ 10 đến 24, chiếm khoảng 1/3 dân số. Trong đó, khoảng 283.700 trẻ em tuổi từ 0 đến 15 bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Khoảng 503.400 trẻ dưới 15 tuổi phải tham gia vào các hoạt động kinh tế yêu cầu sức làm việc cao và một số lượng ngày càng tăng trẻ em tham gia vào hoạt động mại dâm để thoát khỏi đói nghèo.

Cuộc sống hiện đại đang đẩy nền tảng gia đình đứng trước những thử thách nghiệt ngã. Và nghiệt ngã hơn, nó cũng đẩy cả xã hội đứng trước những vấn đề thời đại: sự băng hoại đạo đức xã hội, nền tảng giáo dục, những chuẩn mực xã hội trở nên méo mó…

Hội nhập, phát triển là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hội nhập như thế nào, làm sao để chọn lọc những tinh hoa của nhân loại kết hợp với việc gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp, làm nền tảng sức mạnh cho sự phát triển hài hòa, bền vững của quốc gia, dân tộc là vấn đề tiếp tục được đặt ra và đòi hỏi phải có giải pháp rốt ráo. Ở khía cạnh này, bên cạnh vai trò của mỗi gia đình thì ở tầm vĩ mô, trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan hữu quan là phải làm sao tạo được những bộ lọc cũng như phương thức hữu hiệu để bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình nhằm giúp cho mỗi tế bào của xã hội phát triển trong sự hài hòa, tạo động lực cho đất nước phát triển bền vững.

Ngày 28-6 hàng năm đã trở thành ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam. Năm 2011 là tròn 10 năm Ngày Gia đình Việt Nam. Năm 2011 cũng được chọn là “Năm Thanh niên” và “Năm Trẻ em” Việt Nam. Thiết nghĩ, mỗi bậc cha mẹ, mỗi gia đình, mỗi cơ quan đoàn thể, mỗi chính quyền địa phương và trên hết - các cơ quan cao nhất của nhà nước – hãy quyết tâm tạo ra phong trào cho sự thay đổi trong từng tế bào của xã hội bằng việc quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc, dưỡng dục cho những thế hệ tương lai của đất nước trong tình yêu thương và trách nhiệm.

Chỉ khi chúng ta thật sự biết yêu thương con trẻ, chúng ta mới biết làm thế nào để gìn giữ hạnh phúc gia đình – nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội.

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục