Ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Ban Quản lý Các KCX-KCN TPHCM (Hepza) đã kiến nghị như vậy khi trao đổi về vấn đề nhà trẻ cho con công nhân (CN).
Theo Hepza, hầu hết các KCX-KCN của TP đều thành lập từ đầu những năm 1990, 2000 và tại thời điểm đó, không quy định KCX-KCN phải có công trình nhà giữ trẻ. Năm 2010, Hepza có đề án nêu yêu cầu xây dựng các công trình phục vụ CN, trong đó có trung tâm sinh hoạt, trạm y tế, trường mầm non, điểm bán hàng bình ổn giá, bếp ăn công nghiệp… Sau đó, tháng 8-2011, UBND TPHCM đã đồng ý triển khai một số công trình trong đề án này. Trong đó xác định, nhà lưu trú cho CN và trường mầm non là công trình cần xoáy sâu vào thực hiện. Giờ đây, các đơn vị phải xác định các KCX-KCN nào còn nhiều mảng xanh thì xem xét điều chỉnh quy hoạch, dành một phần diện tích mảng xanh để xây dựng nhà trẻ.
Ngoài nhà trẻ tại KCN Hiệp Phước, hiện có 3 trường mầm non đang khởi động tại KCX Tân Thuận, KCN Vĩnh Lộc và KCN Linh Trung 1… Tuy nhiên, tiến độ như hiện nay khiến ai cũng sốt ruột. Nhà trẻ ở KCX Tân Thuận đất có rồi nhưng hồ sơ đi vòng vòng từ quận qua sở này sở khác bấy lâu nay. Theo ông Hồ Xuân Lâm, vấn đề này quá khó, một mình Hepza không thể làm nổi. Hepza rất muốn gánh vác trách nhiệm, nhưng hãy cho Hepza cơ chế. Và cơ chế, theo ông Hồ Xuân Lâm, là mong TP cho phép được trích lại một phần thuế mà các doanh nghiệp trong KCX-KCN đã đóng góp. Từ đó, Hepza sẽ có điều kiện xây dựng các công trình xã hội, nhà lưu trú, nhà trẻ cho con CN và chăm lo đời sống tinh thần cho CN. Chứ bây giờ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì rất khó và lâu vì phải… theo quy trình.
MẠNH HÒA