Sài Gòn - Đồng Nai là một trong những hệ thống sông lớn hàng đầu của nước ta, chảy qua địa bàn 11 tỉnh, thành, kéo dài từ Đắk Nông xuống tận Long An. Hệ thống sông này cung cấp nước và tác động trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 20 triệu người tại các tỉnh, thành này, trong đó có TPHCM. Với mức độ ảnh hưởng to lớn như vậy, Sài Gòn - Đồng Nai được đánh giá là hệ thống sông có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thế nhưng, hệ thống sông này đang phải đối diện và ngày càng chìm sâu vào sự ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng. Có lẽ hiếm có hệ thống sông nào trên cả nước lại phải gánh chịu một lượng chất thải khổng lồ như hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Kết quả thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, có hơn 9.000 doanh nghiệp sản xuất, hàng ngàn bệnh viện và làng nghề, 100 khu chế xuất - khu công nghiệp... đang hoạt động dọc hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Có bao nhiêu nhà máy, xí nghiệp, làng nghề, bệnh viện… trong số đó xả thải trực tiếp xuống sông hoặc có qua xử lý nhưng không đảm bảo các yếu tố sinh - hóa theo quy định của cơ quan bảo vệ môi trường? Mặc dù các cơ quan chức năng chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng con số được ước tính chắc chắn không nhỏ, thậm chí chiếm phần lớn.
Theo nhiều người dân sống dọc hệ thống sông này, đặc biệt là tại khu vực chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, dòng sông này đang “chết”! Biểu hiện rõ nhất không chỉ là việc cá tôm ngày càng ít hoặc chết nổi đầy mặt nước, mà mùi hôi thối bốc lên từ mặt sông - nơi có những họng xả chất thải được chôn ngầm dưới lòng sông ngày càng lan rộng hơn trước. Theo ghi nhận từ các chuyến khảo sát thực tế của cơ quan chức năng cũng như của phóng viên Báo SGGP cho thấy, tại nhiều đoạn sông hiện nay đã tràn ngập hóa chất độc hại được thải ra từ các nhà máy, xí nghiệp. Với mức độ tàn phá như vậy, nếu các cơ quan chức năng không có các giải pháp hữu hiệu, dòng sông này có thể sẽ trở thành “dòng sông chết” trong một tương lai không xa!
Không chỉ “chết dần, chết mòn” vì ô nhiễm môi trường, hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai còn là “nạn nhân” của tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, vô tội vạ. Trên hệ thống sông này hiện có tới 23 công trình thủy điện lớn nhỏ. Theo một số chuyên gia về thủy điện và các nhà nghiên cứu môi trường, việc xây dựng hàng chục công trình thủy điện dạng bậc thang trên một hệ thống sông có chiều dài khoảng 1.000km như vậy là kiểu làm ít thấy và gây tác hại khôn lường cho môi trường sinh thái.
Do hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai chảy qua nhiều tỉnh, thành nên việc quản lý phải mang tầm khu vực. Ngày 1-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 157/2008/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Thế nhưng, tính đến nay đã gần đúng 5 năm kể từ khi ủy ban này được thành lập với rất nhiều cuộc họp bàn, hội thảo, trao đổi, hợp tác… nhưng việc ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng vẫn chỉ mới dừng ở mức độ động viên, hô hào; việc xử lý một số doanh nghiệp gây ô nhiễm cũng chưa thật dứt khoát. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, dường như chưa có sự thống nhất giữa một số địa phương trong phương pháp giải quyết vấn đề. Đặc biệt là thiếu sự chỉ huy của một “nhạc trưởng” đúng nghĩa.
Một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cùng với phương thức phối hợp, cần bổ sung cơ chế chỉ huy - chịu trách nhiệm cụ thể đối với mô hình quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mới có thể giải quyết được vấn đề gây ách tắc nhiều năm qua. Phương thức phối hợp như cách làm lâu nay - mặc dù có tác dụng tăng cường mối quan hệ, liên kết giữa các địa phương nhưng không thực sự hiệu quả do có sự xung đột về lợi ích, thiếu sự nhất quán trong điều hành dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy lo. Và có điều mà ít người muốn nói ra, đó là cùng cấp với nhau thì chỉ có thể dừng ở mức độ phối hợp, còn trách nhiệm cuối cùng lại chẳng thuộc về ai!
Để giải quyết các tồn tại này, theo các chuyên gia, việc thành lập một ban chỉ đạo cấp vùng là hết sức cần thiết. Đặc biệt, người đứng đầu ban chỉ đạo này nên là một thành viên cấp cao của Chính phủ, có đầy đủ uy tín, kinh nghiệm và quyền hạn để điều động, chỉ đạo kịp thời đối với tất cả các tỉnh, thành nơi hệ thống sông này chảy qua (Mời bạn đọc xem thêm Báo SGGP số ra ngày 9-10-2013).
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hàng vạn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang ngày đêm hoạt động có tiềm năng kinh tế dồi dào… luôn đóng vai trò to lớn trong quá trình phát triển của đất nước. Trong đó, hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa… Do đó, bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai không chỉ là bảo vệ môi trường, sinh thái mà còn là bảo vệ cuộc sống của 20 triệu con người; bảo vệ thành quả phát triển kinh tế suốt bao nhiêu năm qua cũng như bảo vệ một miền văn hóa - lịch sử phong phú của đất nước ta.
Hãy cứu lấy sông Sài Gòn - Đồng Nai trước khi quá muộn!
TÔ NGUYỄN