Câu chuyện về bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam đang có nguy cơ dẫn các bên đến… tòa án. Nếu như vậy, phần thiệt hại lớn nhất thuộc về người hâm mộ, kế đến là bóng đá Việt Nam khi không còn được quảng bá rộng rãi bởi nguyên nhân chính dẫn đến xung đột nói trên là số tiền của hợp đồng.
Trong “cuộc chiến” này, không khó để thấy phần lỗi lớn nhất thuộc về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với hợp đồng lên đến 20 năm với cái giá “rẻ như cho” nếu tính đến độ dài thời gian mà đài AVG thụ hưởng. Khi VFF ký hợp đồng bán độc quyền cho AVG, họ không hề thông qua các CLB. Họ chỉ nhìn thấy khoản tăng thêm chừng 2 - 3 tỷ đồng/năm so với mức thu cũ mà không hề tính đến thiệt hại khủng khiếp về kinh tế lẫn độc quyền quảng bá cho bóng đá nội địa nếu như đài AVG đặt tiêu chí kinh doanh lên hàng đầu.
Tuy nhiên, cái VFF làm không đúng, không hợp lý thì cũng đã cách đây một năm. Hợp đồng đã có hiệu lực và đứng dưới góc độ luật pháp, dù thế nào đi nữa, nó cần phải được tôn trọng. Hơn thế, trong thời điểm ký hợp đồng, VFF không sai về luật pháp. Chính vì thế, khi Công ty VPF đơn phương cho phép các nhà đài khác được khai thác bản quyền truyền hình bóng đá là một hành động thiếu sự tôn trọng hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF.
Hay nói chính xác hơn, đấy là cách hành xử không đúng luật cho dù VPF có viện dẫn những căn cứ mà họ tin rằng mình có quyền. Bởi đơn giản, không thể tồn tại 2 bản hợp đồng độc quyền, 2 đơn vị cùng sở hữu một thực thể duy nhất. Nếu VFF là tổ chức duy nhất sở hữu bản quyền các giải đấu được pháp luật bảo hộ thì VPF chỉ là pháp nhân được kế thừa. Nếu VFF đã công nhận AVG là đối tác “chính thức và duy nhất” thì VPF cũng phải thừa nhận bản hợp đồng đó dù muốn hay không. Mọi thứ thay đổi (nếu có) đều chỉ là điều chỉnh và được thông qua quá trình đàm phán khi mà thời hạn hợp đồng và sự tồn tại của VFF vẫn còn trong hiệu lực được pháp luật công nhận.
Cũng cần phải nói thêm rằng, các giải đấu chính thức tại Việt Nam đều phải thuộc quyền quản lý của VFF bởi đây là cơ quan duy nhất được nhà nước trao quyền thực thi công tác điều hành bóng đá và được FIFA công nhận duy nhất. Dù có bàn giao cho VPF công tác điều hành, quản lý thì VFF vẫn có quyền đồng ý hoặc không tổ chức các giải đấu (trong trường hợp cụ thể). Dù tên gọi có thay đổi như thế nào thì VFF vẫn là đơn vị duy nhất chủ sở hữu các giải đấu đó. VPF có trách nhiệm kế thừa trọn vẹn mọi quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến những thực thể được VFF chuyển giao.
Vì vậy, khi VPF không công nhận hợp đồng giữa AVG và VFF là họ mặc nhiên không kế thừa những gì mà VFF chuyển giao. Cách hành xử đó thực sự gây lo ngại đối với hoạt động của VPF trong thời gian tới. Một vấn đề nghiêm trọng như vậy, VPF vẫn hành xử không đúng luật thì liệu rằng, những thành viên do họ quản lý (trận đấu, CLB…) có “bắt chước” mà tìm cách “lách luật” hay không? VPF ra đời với mục đích làm trong sạch bóng đá, đặt cao tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như sự trung thực trong thể thao. Tuy nhiên, bất kỳ quyết định hay cách xử lý nào, dù mục đích cao cả đến đâu cũng phải theo đúng những gì mà pháp luật quy định.
VPF đòi hỏi quyền lợi cho chính các CLB về bản quyền truyền hình. Họ có những căn cứ để cho là mình được phép toàn quyền về bản quyền truyền hình. Thế nhưng, mọi việc VPF làm chỉ có thể thuyết phục nếu thể hiện sự tôn trọng pháp luật trong khuôn khổ được quy định.
VIỆT TÂM