World Cup vẫn luôn như thế, rất lôi cuốn và từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của những người yêu bóng đá trong suốt chiều dài 18 vòng chung kết đã qua. Trên một khía cạnh khác, World Cup cũng có thể coi là “khóa bồi dưỡng sư phạm” cho không chỉ 32 đội bóng có mặt ở đó, mà cho cả phần còn lại của bóng đá thế giới một cơ hội học hỏi, cơ hội soi mình vào đó để lớn thêm. Thành ra, World Cup có rất nhiều ưu điểm.
Những nền bóng đá phát triển như Brazil, Argentina, Anh, Đức, Tây Ban Nha… cũng phải nghiệm ra ở sân chơi này những điều bổ ích giúp họ tự đánh giá năng lực bản thân, tự nhận thấy mình đang ở trình độ nào so với bạn bè. Những quốc gia đang phát triển ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á càng cần phải học từ World Cup nhiều điều, đặc biệt là về tinh thần thi đấu, cách tổ chức lối chơi khoa học, cách thể hiện tham vọng và trên hết là lòng tự hào dân tộc…
Bóng đá Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong ngôi nhà FIFA và World Cup luôn được xem như hình mẫu của sự lớn mạnh. Vì lẽ đó, quãng nghỉ của hầu hết các giải bóng đá trong nước lúc này đây chính là cơ hội để các cầu thủ, các HLV và những nhà hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam học hỏi từ bạn bè mọi điều về bóng đá.
Nói ra thì có vẻ lý thuyết, nhưng ở đây, World Cup không phải là món lý thuyết suông. Nó có cảm xúc, có sự thăng trầm và thực tiễn từ các trận đấu. Đó chính là những bài học quý giá cho bóng đá Việt Nam nắm bắt, ứng dụng, để rồi một ngày nào đó, gần đây thôi, Việt Nam cũng có cơ hội góp mặt cùng các anh tài thế giới ở ngày hội World Cup.
Như một bức tranh đa chiều, World Cup 2010 ở Nam Phi dù chưa đi hết 1/3 chặng đường cũng đã kịp chỉ ra cho người ta thấy nhiều điều. Đó là tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi của các đội bóng châu Á, như Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản. Họ chơi bóng không chỉ vì niềm đam mê, mà vì lòng tự hào dân tộc và vì muốn chứng tỏ mình cũng lớn mạnh, là một phần không thể thiếu của ngôi nhà bóng đá thế giới. Lối chơi tấn công khoáng đạt của đội tuyển Đức, Argentina hay lối đá đầy khoa học của Italia, Paraguay và cả những giây phút thăng hoa bất thần của Uruguay, Mexico, Hy Lạp, Thụy Sĩ… đều là những thực tế đáng lưu tâm.
Càng soi rọi vào World Cup, càng thấy rằng bóng đá Việt Nam nhỏ bé quá, thiếu nhiều thứ để vươn mình đứng dậy. Thì đấy, cách hành xử trên sân của các ngôi sao hàng đầu thế giới chỉ ra rằng họ rất chuyên nghiệp. Mỗi cá nhân khi tham gia vào World Cup đều hiểu rằng họ chơi bóng không chỉ để thỏa mãn bản thân, mà vì mục đích cống hiến cho người hâm mộ khắp thế giới những bữa tiệc tấn công, những tuyệt phẩm bàn thắng hay tham vọng thống trị sân chơi này. V-League của Việt Nam dẫu được cho là giải đấu hấp dẫn và lôi cuốn nhất vùng Đông Nam Á, nhưng tiền đồ liệu có tươi sáng hay không khi trong lòng nó vẫn tồn tại nhiều nhược điểm đáng xóa bỏ?
World Cup chính là tấm gương để bóng đá Việt Nam soi vào, để gột rửa những tồn dư và lớn lên. Thành ra, World Cup không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là một sân chơi cho thỏa niềm đam mê, không chỉ gói gọn trong khoảng sân cỏ bé nhỏ, mà suy rộng hơn, đó chính là một “mô hình sư phạm” cho tất cả những nền bóng đá đã và đang phát triển trên thế giới nghiêm túc học và chấn chỉnh bản thân…
Lê Quang