Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có nhiều nguyên nhân gây tai nạn giao thông, từ chất lượng cơ sở hạ tầng (đường, cầu…) đến chất lượng phương tiện tham gia giao thông và ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, trong số đó, có đến 80% số vụ xảy ra do ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông kém. Đứng đầu trong số các nguyên nhân này là không tuân thủ quy định về tốc độ, lấn sang làn đường của các phương tiện giao thông khác, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia…
TPHCM đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để lắp đặt dải phân cách cứng, tách bạch 2 hướng lưu thông xuôi - ngược ở nhiều tuyến đường nội đô để tránh việc 2 phương tiện đối đầu, lấn vào làn đường của nhau, gây tai nạn. Trong khi đó, về nguyên tắc, chỉ cần vạch sơn, phân định rõ 2 làn đường đã đủ để cung cấp thông tin cho người dân về làn đường được đi. Quyết định đầu tư của TPHCM giúp tai nạn giao thông do 2 xe đối đầu giảm hẳn. Nhưng qua đó, chúng ta cũng thấy rằng ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của nhiều người dân còn rất hạn chế.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, ý thức kém thường xuất phát từ 2 yếu tố: Không hiểu biết về Luật Giao thông Đường bộ hoặc biết luật nhưng chủ quan, ứng xử thiếu văn hóa, thiếu nhường nhịn, cẩu thả, vô trách nhiệm với chính mạng sống của mình và người khác. Sinh sống và làm việc ở một trong những thành phố lớn của đất nước, không thể nói người dân ở đây không được học, được tuyên truyền về luật giao thông. Vậy mà…
Hầu hết mọi người đều biết rằng không nên điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia. Thế nhưng, theo Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ Đường sắt, Công an TPHCM, 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TPHCM xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông do người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn gây ra, làm 32 người chết, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, thời gian qua, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ Đường sắt và Ban An toàn giao thông các quận-huyện đã tập trung tuyên truyền, mở các đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong cơ thể vượt mức quy định…
Quay trở lại vụ xe cứu hộ đi ngược chiều và đâm vào xe khách 45 chỗ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hôm 18-3 vừa qua, dù ngành chức năng đã khẳng định: “xe cứu hộ đi đúng luật, lỗi thuộc về xe khách thiếu quan sát, không chủ động nhường đường”, nhưng giá như người điều khiển xe cứu hộ cẩn trọng hơn thì vụ tai nạn có thể đã không xảy ra. Suy cho cùng, các quy định của luật pháp dù bao quát được rất nhiều vấn đề nhưng cũng chỉ là những điều kiện cứng, cơ bản, được đóng khung… Thậm chí, nhiều luật còn chậm “một nhịp” so với sự phát triển của xã hội. Thực tế cuộc sống thì muôn hình, muôn vẻ, luôn thay đổi và trong rất nhiều trường hợp, chúng vận hành theo cơ chế “phải có tâm”. Do vậy, xin được nhắc lại, không phải ngẫu nhiên, bên cạnh khẩu hiệu “Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông” luôn có lời nhắc nhở “Phía trước tay lái là sự sống. Hãy lái xe bằng cả trái tim”.
Tuy nhiên, để hiểu, thấm và có hành động đúng với lời nhắc nhở đó, phải bắt đầu từ giáo dục. Từ nhiều năm nay, chương trình giáo dục Luật Giao thông Đường bộ đã được đưa vào trường học. Song tiếc rằng, ở nhiều nơi, nhiều trường chỉ tập trung dạy những điều luật. Điều đó không sai nhưng chưa đủ... bởi điều luật với các mức phạt chỉ giúp các em học sinh hiểu rằng đi sai sẽ bị phạt, trong khi đó, tham gia giao thông không đúng luật có thể gây hậu quả khôn lường. Đó có thể là thương tật, cái chết và sự suy sụp của cả một gia đình… Tất nhiên, với các em nhỏ, chưa cần nói rõ như vậy nhưng ít ra hãy cho các em biết “trước tay lái là sự sống”. Phải biết trân quý sinh mạng của mình và của người khác khi cầm tay lái. Có được điều này, tai nạn giao thông mới được kéo giảm căn cơ.