Hãy thực hiện tốt lời hứa

Hôm nay 12-11, Quốc hội (QH) khóa XIII bắt đầu phiên chất vấn của kỳ họp thứ 4. Khác với các kỳ trước, lần này, trước khi đi vào nội dung chất vấn, sẽ có báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Như vậy, QH sẽ có cơ hội để “kiểm đếm” việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ từ 2 kỳ họp trước đến thời điểm này.
 
Mỗi kỳ họp đều phải tuân thủ theo nội dung đã định, nhưng những phiên thảo luận của QH về tình hình kinh tế - xã hội và phiên chất vấn mới thực sự đậm đặc hơi thở xã hội. Vì vậy, chất vấn luôn là nội dung được chờ đợi nhất tại mỗi kỳ họp QH. Bởi dù chỉ hơn 2 ngày nhưng là dịp để ĐBQH cũng như cử tri cả nước được giải đáp những vấn đề nóng nhất mà cuộc sống đang đặt ra.

Và tại mỗi phiên chất vấn, từng thành viên Chính phủ, với tư cách là “tư lệnh” ngành, sẽ phải giải đáp thỏa đáng những yêu cầu nóng bỏng mà nhân dân đặt ra. Đó cũng là lý do tại sao lần này, dù không có tên trong danh sách 6 bộ trưởng được lấy ý kiến trả lời chất vấn nhưng cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Công thương vẫn phải đăng đàn.

Giám sát lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng là những chức năng cơ bản của QH. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai thực hiện nghị quyết của QH về đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của QH, ĐBQH, trong đó có hoạt động đổi mới hoạt động giám sát đã được ĐBQH và cử tri hết sức quan tâm. Có thể nói, chức năng giám sát của QH đã được đẩy lên thông qua việc giám sát theo chương trình, giám sát qua báo cáo của Chính phủ, giám sát qua trả lời chất vấn của các bộ trưởng, các cơ quan thuộc Chính phủ tại các kỳ họp và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH.

Điều đó có nghĩa, mỗi phiên chất vấn tại QH không đơn thuần chỉ là nơi ĐBQH hỏi và bộ trưởng trả lời, mà đó là dịp để cử tri cả nước cùng thực hiện chức năng giám sát của mình, không chỉ là đối với các thành viên Chính phủ mà với chính bản thân các ĐBQH. Với mỗi một thực tế bức xúc, cử tri đều mong muốn thông qua chất vấn để làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là trách nhiệm của cá nhân, từ đó thể hiện quyết tâm chính trị để làm chuyển biến tích cực tình hình.

Một phiên chất vấn nóng ở nghị trường chưa đủ, quan trọng là hiệu quả sau chất vấn sẽ đến đâu. Một phiên chất vấn hấp dẫn, thể hiện được bản lĩnh của ĐBQH và các bộ trưởng, sẽ không có giá trị nếu sau đó việc triển khai những cam kết chỉ là đầu voi đuôi chuột. Cũng như việc hứa thì dễ, thực hiện tốt lời hứa mới là điều đáng quan tâm. Và để lời hứa được thực hiện tốt, đôi khi rất cần phải có người “trông coi” việc thực hiện lời hứa đó. Đó cũng là lý do mà ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị ngoài giám sát chuyên đề, QH cần coi trọng giám sát thường xuyên việc thực hiện lời hứa, trả lời kiến nghị của cử tri. Vì đó chính là cơ sở để khắc phục tình trạng vừa qua với việc hứa cứ hứa, còn có làm không cử tri phải chờ.

Có một hy vọng lớn mở ra từ kỳ họp này, đó là QH sẽ thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đã có ý kiến, chỉ cần thông qua chất vấn là đủ cơ sở để bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ. Có thể chưa phải là tất cả cơ sở, nhưng chắc chắn thông qua giám sát, việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng sẽ là điều kiện rất quan trọng để từ đây, ĐBQH có căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm các vị trưởng ngành.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục