Ngày 27-11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI, năm 2016 tôn vinh 85 thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đến dự và trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 4 gương thanh niên tiêu biểu.
Đây là năm thứ 11 của giải thưởng Lương Định Của với tổng số 1.735 tấm gương tiêu biểu đã được trao giải. Thế nhưng, đây là năm mà tinh thần khuyến khích khởi nghiệp được đẩy lên cao hơn lúc nào hết cùng với việc tổ chức các diễn đàn, các buổi tập huấn và các cuộc trưng bày, triển lãm các sản phẩm trong quá trình khởi nghiệp của thanh niên nông thôn. Tại diễn đàn thanh niên nông thôn khởi nghiệp, câu chuyện của anh Trần Văn Kiều (Nam Định), người nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2011 và tiếp tục thành công cho tới nay đã khiến không ít người phải suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh đang có tới 225.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp hiện nay. Anh Trần Văn Kiều là thanh niên đã tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, từng ở lại thành phố để làm việc, phải chật vật trang trải mọi thứ trong cuộc sống với mức lương vài triệu đồng/tháng, nhiều lúc cảm thấy cuộc sống rất bế tắc. Lời khuyên về quê lập nghiệp của một người bạn ban đầu chỉ như gió thoảng qua bởi với anh lúc đó về quê đồng nghĩa với thất bại, làng xóm chê cười, đồng nghĩa với mảnh bằng cử nhân bị vứt xó. Trầy trật vài năm ở thành phố mà vẫn không có cánh cửa nào mở ra, anh quyết định gạt bỏ mặc cảm để trở về quê khởi nghiệp. Nhờ chịu khó tìm tòi, anh đã xác định được hướng đi cho mình, dựa vào chính thế mạnh làng nghề làm cơ khí của quê hương. Anh chia sẻ, kiến thức học ở trường học luôn là một nền tảng tốt nhưng chỉ có thực tế mới “gợi ý” được cho chúng ta cần phải làm gì. Anh nói: “Tôi đã thấy những người nông dân từ những cơ cực trong lao động phát kiến ra những loại máy cắt chuối, băm bèo, nghiền bắp nhưng thiết bị của họ quá thô sơ, thiếu an toàn và năng suất thấp. Từ đó, tôi trăn trở để chế tạo, hoàn thiện những chiếc máy nông nghiệp nhỏ có thể thương mại hóa phục vụ bà con. Bán hàng cho nông dân vui lắm, được trả tiền và được cảm ơn rất nhiệt thành”. Từ nguồn vốn nhỏ có được ban đầu, anh tiếp tục nghiên cứu chế tạo ra máy nghiền rác để xử lý rác thải nông thôn, một trong những vấn đề đang bức xúc ở nhiều làng quê. Với chi phí thấp, dễ vận hành, hiệu quả cao, mô hình xử lý rác thải của anh hiện đang được ứng dụng tại nhiều nơi, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Câu chuyện khởi nghiệp của anh Trần Văn Kiều đã nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn trẻ. Anh Trần Kim Việt (Hà Tĩnh), người vừa vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng cũng chia sẻ, việc quen với phong tục tập quán, khí hậu thổ nhưỡng là một lợi thế để các bạn xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Đồng thời, khởi nghiệp tại quê hương các bạn còn nhận được được hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, người luôn sẵn sàng sát cánh với thanh niên nông thôn khởi nghiệp cũng đã dành những lời tâm huyết động viên các bạn trẻ: “Không có giai đoạn nào khởi nghiệp tốt bằng giai đoạn này, khi Chính phủ và các bộ ngành liên quan đều phát động, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đây cũng là lúc thanh niên cần đi đầu phát huy thế mạnh các địa phương. Các tổ chức Đoàn không nói chung chung nữa mà hãy làm nòng cốt của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội”
BÍCH QUYÊN