Hệ lụy khôn lường

Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của nước ta. Không chỉ là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh cho hàng triệu người mà còn giữ chức năng sinh thái cực kỳ quan trọng, góp phần ngăn chặn xói mòn, lũ lụt, đảm bảo môi trường không khí sạch… và thậm chí rừng còn đóng góp vào nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Do đó, từ lâu việc bảo vệ rừng đã được Nhà nước đặt lên thành một trong những mục tiêu hàng đầu.

Thế nhưng nhiều năm qua, cùng với đà phát triển của kinh tế - xã hội, rừng ngày càng bị tàn phá, suy giảm diện tích nặng nề. Có nhiều nguyên nhân khiến rừng bị phá ồ ạt như tốc độ tăng đô thị hóa, sức ép gia tăng dân số, cháy rừng…, bộ máy kiểm lâm kém hiệu quả, một số nơi chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng... khiến nạn phá rừng ngày càng trầm trọng. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện nước ta có tổng diện tích rừng hơn 13,1 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên vào khoảng 10,4 triệu ha. Gọi là rừng tự nhiên nhưng thực tế có hơn một nửa là rừng nghèo hoặc được tái sinh, còn rừng già, rừng nguyên sinh chỉ còn lại khoảng hơn 9%.

Trong chiến tranh, rất nhiều cánh rừng nguyên sinh của nước ta đã bị bom mìn tàn phá. Nhưng hơn 30 năm qua, rừng đã và đang tiếp tục bị tàn phá bởi bàn tay của con người. Theo Bộ NN-PTNT, diện tích rừng tự nhiên của nước ta đang suy giảm với tốc độ chóng mặt. Diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn hơn 9% là một thực trạng đáng báo động. Ở miền Bắc, tốc độ phá rừng diễn ra nhanh chóng vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Bây giờ đi lên các tỉnh biên giới xa xôi như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn… thật chẳng khó khăn để gặp những dãy đồi, dãy núi trơ ngọn. Trong khi bà con ở nơi đây nói rằng, chỉ cách đây vài chục năm vẫn còn là thảm rừng xanh. Độ che phủ rừng cả nước chỉ còn chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên. Gần đây, tốc độ phá rừng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang liên tục được báo động. Những cánh rừng già ở Quảng Nam và Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum… liên tiếp bị lâm tặc xâm phạm với quy mô lớn.

Trước thực trạng báo động của rừng, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đến nay đã được 10 năm. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai luật, rừng vẫn đang từng ngày bị đốn hạ không thương tiếc. Việc quản lý và bảo vệ rừng vẫn còn rất lỏng lẻo. Thật đáng buồn là ở địa phương nào có rừng cũng đang xảy ra những vi phạm… từ đơn giản như đốn chặt gỗ trái phép đến phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng. Thậm chí có nơi, lâm tặc hoành hành, chống trả người thi hành công vụ.

Ở mức độ cao hơn, có những cách “phá rừng” còn khủng khiếp hơn mà lại có vẻ hợp pháp (như “dọn sạch” cả một thảm rừng rộng lớn) như xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Tình trạng đua nhau làm thủy điện trong thời gian qua đã xâm hại một phần rừng không nhỏ. Tệ hơn, gần đây còn đang có những công trình đề nghị được xây dựng ngay tại vùng lõi của rừng quốc gia, không chỉ quét sạch cả thảm thực vật nguyên sinh mà còn đe dọa nhiều loài động vật hoang dã đang được bảo tồn ở đó, làm dư luận rất bức xúc. Chương trình trồng 5 triệu ha rừng đã được dừng lại, ngân sách chi ra không nhỏ nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Độ che phủ rừng của nước ta vẫn còn khá thấp, chỉ chưa đầy 40%.

Hiện nay, câu chuyện về “rừng” ngày càng thêm nghiêm trọng. Không giữ được rừng đâu chỉ có mất rừng mà hiện ở nhiều địa phương, chính người dân sở tại đang phải đối mặt với nhiều hậu quả tai hại như lũ lụt từ đầu nguồn đổ về xối xả. Đã có những trận lũ quét trôi cả một bản làng ở Lào Cai làm 19 người thiệt mạng, vì rừng đầu nguồn bị phá trộm. Lũ ở miền Trung và Tây Nguyên về càng nhanh hơn do các công trình thủy điện nhỏ và vừa ở đầu nguồn xả lũ, do chính rừng đầu nguồn bị tàn phá, không còn khả năng cắt lũ. Lũ chôn cả thủy điện An Khê và mỗi lần lũ về, gỗ rừng đủ loại từ thượng nguồn lại ồ ạt đổ theo dòng nước, người dân mới vỡ lẽ rừng đầu nguồn đã bị tàn phá. Có những chuyện xưa ít gặp nhưng nay đã thành cơm bữa: voi bỏ rừng về buôn làng giết hại người, phá hoại tài sản…

Có lẽ, việc bảo vệ rừng không thể chỉ trông chờ vào nhận thức bảo vệ môi trường sinh thái của người dân mà các cơ quan có trách nhiệm phải xây dựng ngay những thiết chế đủ mạnh để xử lý các đường dây lâm tặc, cùng một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất toa rập với những phần tử làm ăn bất chính tàn phá rừng dưới nhiều hình thứ. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác trồng rừng, xem xét lại các dự án, công trình thủy điện và những chương trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp không có lợi. Chúng ta đang tích cực thực hiện 2 chương trình lớn là Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình quốc gia về phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Giờ đây phải vào cuộc mạnh mẽ nếu không mai này nhiều thế hệ càng phải trả giá với những hậu thảm khốc!

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục