Những bến bãi “3 không”
Tại các địa phương được xem là trung tâm KCN của cả nước như thị xã (TX) Thuận An, Dĩ An, các bến bãi tập kết container xuất hiện dày đặc. Chỉ tính riêng tại phường An Phú có khoảng 21 bãi xe đang hoạt động; phường Bình Hòa (cùng thuộc TX Thuận An) có gần 10 bến bãi, trong đó số lượng bến bãi được cấp phép chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là các doanh nghiệp thuê đất của người dân và các đơn vị quân đội để hoạt động bến bãi, trong đó có những bến bãi “3 không”: không giấy phép, không biển báo hướng dẫn, không có cân tải trọng. Điển hình là khu vực bến bãi của Công ty cổ phần G.F.L (KCN Đồng An 1, TX Thuận An). Theo Ban Quản lý KCN Đồng An, doanh nghiệp này hoạt động bến bãi hơn 1 năm qua nhưng gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm mất an toàn giao thông (ATGT), nhất là trong giờ cao điểm khi có hàng chục ngàn công nhân di chuyển. Trong năm 2018, đã có hàng loạt đơn thư phản ánh của công đoàn các doanh nghiệp đề nghị kiểm tra hoạt động bãi container này nhưng đến nay tình trạng gây ô nhiễm, mất ATGT vẫn chưa được xử lý. Bà Nguyễn Minh Hạnh (52 tuổi, ngụ phường Bình Hòa, TX Thuận An) bức xúc: Các bãi container hoạt động bất kể ngày đêm, trong khi đó đường xung quanh là đường dân sinh, nhỏ hẹp nên khi có xe lớn vào ra thì gây tắc nghẽn liên tục, nhiều lần gây tai nạn cho xe máy. Điển hình như vụ TNGT tại bãi xe Phương Nam Logistics (phường Lái Thiêu, TX Thuận An) ngày 13-8-2018, lái xe container do thiếu quan sát đã cán chết phụ xe ngay cổng ra vào. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó ban quản lý KCN Đồng An, thì than thở: “Không biết lý do gì ngành chức năng lại cho phép mở bến bãi container ngay tuyến đường huyết mạch của KCN này, gây mất ATGT và làm bụi bặm toàn bộ khu vực”.
Tại TX Dĩ An hiện cũng có khoảng 35 bến bãi container lớn hoạt động (tăng khoảng 50% so với năm 2017, không tính các bến bãi nhỏ dưới 10 xe đậu), tập trung chủ yếu dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 743, khu vực KCN Sóng Thần... Bến bãi chủ yếu do các doanh nghiệp thuê đất trống của người dân để hoạt động trong khi hệ thống giao thông trong khu vực nhỏ hẹp, không đồng bộ nên thường xuyên gây ùn tắc, nhất là khi container ra vào, sửa chữa. Ông Lê Văn Hòa, có nhà gần bãi xe H.N. (phường Tân Bình, TX Dĩ An), ngao ngán: “Mỗi lần xe container ra vào trong bãi này là choán hết cả đường 2 chiều, nhiều phương tiện bắt buộc phải né xa nếu không muốn bị nguy hiểm, cùng với đó, mùi khói xe khét lẹt theo gió xộc vào nhà dân rất khó chịu, mặc dù đã phản ánh nhiều lần nhưng chưa được giải quyết”.
Chính quyền địa phương đau đầu
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TX Thuận An, cho biết, hệ thống giao thông đi qua địa bàn với 3 trục chính là Đại lộ Bình Dương, ĐT 743 và Mỹ Phước - Tân Vạn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Hiện TX có hàng chục bến bãi tập kết, trung chuyển xe container, đa số là các bến bãi tự phát đã gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng nhiều doanh nghiệp thuê mặt bằng do các đơn vị quân đội quản lý đã không chịu hợp tác nên chính quyền rất khó thực hiện kiểm tra, xử phạt. Các bến bãi dọc đường ĐT 743 nhiều phương tiện ra vào bến bãi gây tình trạng ùn tắc, TNGT liên tục xảy ra đến mức lãnh đạo UBND TX phải thừa nhận hiện trạng trên là một vấn đề nhức nhối không chỉ ở Thuận An mà còn là vấn đề chung của cả tỉnh Bình Dương. Trong khi đó, ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Dĩ An, cho biết, kể từ khi tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn đưa vào sử dụng, nhiều bãi xe được hình thành ven tuyến đường này, xe container đậu tràn lan ven đường, cử tri phản ánh liên tục nhưng địa phương không thể kiểm tra hết và nếu có cũng chỉ kiểm tra các vấn đề về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy còn các điều kiện hoạt động theo đúng quy định thuộc thẩm quyền của Sở GTVT.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, số lượng xe container đăng ký lưu hành trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong thời gian qua với 255 doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container, 79 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo và 2.397 phương tiện vận tải, trong đó có 2.129 xe container và 268 xe đầu kéo. Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 295 vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên, làm chết 301 người, bị thương 127 người. Trong đó, TNGT liên quan đến xe đầu kéo là 53 vụ (chiếm gần 18%) làm chết 55 người, bị thương 7 người, không tăng so với năm 2017 nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khá nhiều khiến người dân bất an. |