Hệ quả sự phụ thuộc

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), kết quả giám sát của VSA đối với các doanh nghiệp thép cho thấy việc tăng giá thép là cần thiết. Tuy nhiên, đây là hệ quả tất yếu do ngành thép Việt Nam quá phụ thuộc với thị trường thế giới.
Hệ quả sự phụ thuộc

(SGGP-ĐTTC).- Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), kết quả giám sát của VSA đối với các doanh nghiệp thép cho thấy việc tăng giá thép là cần thiết. Tuy nhiên, đây là hệ quả tất yếu do ngành thép Việt Nam quá phụ thuộc với thị trường thế giới.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể lý giải về nhận định tăng giá thép là điều cần thiết?

Ông NGUYỄN TIẾN NGHI: - 2 tháng đầu năm nay xu hướng giá các loại nguyên liệu cơ bản đầu vào ngành thép đều tăng như phôi, thép phế, quặng… Nguyên nhân do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu sử dụng thép tăng lên. Chẳng hạn, với quặng, nhiều nhà cung cấp đã chào bán tăng giá 30-40% vào tháng 4 tới, tức từ 100-120USD lên 160-180USD và giá này cũng đã được Trung Quốc, Nhật Bản chấp nhận.

Còn trong nước, việc giá các mặt hàng điện, xăng dầu, than, tỷ giá thay đổi đã kéo giá thép tăng lên. Theo dõi việc tăng giá của các doanh nghiệp xem họ có tăng một cách bừa bãi, tăng để có lãi nhiều, chúng tôi nhận thấy việc tăng giá của các doanh nghiệp là cần thiết. Với những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, mức giá bán thép cây khoảng 12 triệu đồng/tấn là hợp lý nhưng với những doanh nghiệp công nghệ lạc hậu sẽ lỗ. Tôi cho rằng các doanh nghiệp thép không nên tăng giá bất hợp lý, bởi hiện nay sức cạnh tranh trên thị trường của mặt hàng này rất lớn vì cung đang lớn hơn cầu.

Nhiều doanh nghiệp và đại lý phân phối hiện nay tăng giá thép bất hợp lý. Ảnh: LÃ ANH

Nhiều doanh nghiệp và đại lý phân phối hiện nay tăng giá thép bất hợp lý. Ảnh: LÃ ANH

- Với công suất dự kiến của các nhà máy, nguồn cung các sản phẩm thép sẽ lớn hơn cầu, cạnh tranh chắc chắn sẽ diễn ra rất quyết liệt. Vậy VSA đã có những khuyến cáo gì?

- Theo tính toán của chúng tôi, trong tổng số các công ty sản xuất thép ở Việt Nam hiện nay, số đơn vị có công nghệ lạc hậu chiếm khoảng 15-20%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh rất yếu. Trong khi đó, từ nay đến đầu năm sau, một loạt nhà máy thép ở Đà Nẵng, Thái Bình… sẽ cho ra sản phẩm. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành kiến nghị về việc không cấp phép đầu tư cho các dự án thép sử dụng công nghệ lạc hậu, bởi sẽ tạo một nguồn cung lớn nhưng kém sức cạnh tranh, nhất là từ khu vực ASEAN. Chẳng hạn, trong năm 2009, khi mức thuế nhập khẩu thép cuộn phi 6 và 8 từ khu vực ASEAN giảm xuống còn 0%, loại thép này đã tràn vào Việt Nam và chiếm đến 74% tổng lượng thép nhập khẩu cả nước (trước đó chỉ chiếm khoảng 5-6%).

Tuy nhiên, tôi cũng được biết, một số doanh nghiệp nhận thức được cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, đã chịu khó đầu tư cho công nghệ. Thí dụ, có doanh nghiệp đã sử dụng nhiên liệu cán thép bằng than thay vì dùng dầu FO, đã giảm chi phí khoảng 150.000-200.000 đồng/tấn.

- Trong tình thế như vậy, hiện nay vẫn có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn tham gia đầu tư, trong khi nguồn nguyên liệu vẫn chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Vậy việc đầu tư vào ngành thép có lãng phí?

- Đúng là có chuyện nhiều doanh nghiệp không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được địa phương cấp phép. Đây là điều bất cập trong phát triển ngành công nghiệp thép nước ta. Chúng tôi đã có nhiều văn bản khuyến cáo các nhà đầu tư nên cẩn trọng trong đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng họ đã bỏ ngoài tai. Chẳng hạn, có nhà máy đầu tư sản xuất gang từ quặng, chúng tôi yêu cầu họ phải cân đối thật cẩn thận nguồn quặng và than mỡ trước khi đầu tư, nhưng họ vẫn làm. Hệ quả nhà máy xây dựng nhưng không thể hoạt động được vì không có đủ nguyên liệu quặng. Một trong những nguyên nhân là việc nhiều tỉnh cát cứ, không cho nguyên liệu ra khỏi địa phương. Với tình trạng hiện nay, tôi nghĩ, phải mất vài năm nữa mới khắc phục được việc đầu tư tràn lan trong ngành thép.

- Để bảo vệ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thép trong nước, nhiều doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần thay đổi quan niệm về các loại thép phế liệu để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp nhập khẩu cũng như có hàng rào kỹ thuật ngăn hàng kém chất lượng vào nước ta. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Hiện nay nguyên liệu sản xuất phôi là thép phế liệu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chiếm đến 70%. Trong khi đó Luật Bảo vệ môi trường không quy định cụ thể thế nào là thép phế thải hay thép phế liệu, khiến cơ quan thực thi hiểu thế nào cũng được. Đây là điều gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đã từng có lô hàng thép phế nhập khẩu về Việt Nam nhưng không được phép thông quan, buộc phải tái xuất. Rõ ràng đang có sự vênh nhau giữa quy định và thực hiện khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi.

Về vấn đề hàng rào kỹ thuật. ở Nhật Bản, thép sản xuất ở nước này có thêm một vài chỉ tiêu kỹ thuật khác, nên họ sẽ dễ dàng áp dụng hàng rào kỹ thuật. Còn ở nước ta, tôi nghĩ là khó bởi thép nhập khẩu chủ yếu là thép thông thường. Do đó, để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, các ngân hàng nên hạn chế cho vay nhập khẩu loại thép trong nước đã sản xuất được (nhập khẩu thép cũng là nguyên nhân gây nên nhập siêu); kiểm tra chặt chẽ thép nhập khẩu từ các nước ASEAN để tránh gian lận thương mại…

- Xin cảm ơn ông.

Hà My

Tin cùng chuyên mục