Việc giải quyết kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ hạn chế được tình trạng phát sinh khiếu nại, tố cáo. Do vậy, tại chương trình “Lắng nghe và Trao đổi” do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM thực hiện sáng 6-5, giải pháp nào để giải quyết kiến nghị của cử tri kịp thời, hiệu quả được các đại biểu quan tâm mổ xẻ.
Còn trả lời chung chung, không rõ trách nhiệm
Ngay đầu chương trình, bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định: “Tỷ lệ giải quyết kiến nghị của cử tri TP đạt 80%. Nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, trả lời chung chung, trách nhiệm không rõ ràng”.
Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12 khá thẳng thắng nhìn nhận: Tính từ năm 2011 và quý 1-2012, quận tiếp nhận 241 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết 233 ý kiến. Do nhiều nguyên nhân và mặc dù cố gắng giải quyết các kiến nghị của người dân trong thẩm quyền, nhưng quận vẫn chưa làm người dân thỏa mãn, có những lúc chính quyền xử lý, trả lời chưa kịp.
Nhận định tình hình trên toàn địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho rằng: Việc giải quyết kiến nghị cử tri chưa đạt tỷ lệ như mong muốn có nguyên nhân khách quan thuộc về quy định pháp luật, nguồn lực chưa đáp ứng… nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là có nơi, có chỗ cán bộ thiếu quyết tâm, thiếu trách nhiệm trong giải quyết những vấn đề của dân hoàn toàn trong thẩm quyền, khả năng của mình; có trường hợp còn trả lời vòng vo.
Về khung pháp lý, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP mổ xẻ: Cơ sở giải quyết kiến nghị của cử tri đã quy định rất cụ thể tại Nghị định 20 của Chính phủ ngày 14-2-2008 (về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính - pv) và Quyết định số 80 ngày 16-12-2011 của UBND TP (ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân về quy định hành chính tại TPHCM - pv). Tuy nhiên, thực tế nội dung kiến nghị của cử tri lại rộng hơn quy định hành chính hiện hành, nhất là các nội dung liên quan đến các vấn đề nóng như đất đai, quy hoạch, ô nhiễm môi trường…
Trả lời theo quy định, chưa đủ...!
Biện pháp nào giải quyết tốt kiến nghị của cử tri? Theo ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, việc trả lời theo đúng quy định của pháp luật thôi thì chưa đủ. Người cán bộ phải có cái tâm, phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể của người dân để giải quyết thấu tình đạt lý.
Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM nêu ý kiến: Cần tăng cường chất vấn tại kỳ họp HĐND. Việc chất vấn không chỉ “xoáy” vào lãnh đạo sở ngành mà cả lãnh đạo quận huyện về những vấn đề tại địa phương. Song song đó, đại biểu HĐND cần phải giám sát các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp về việc trả lời kiến nghị của cử tri; đồng thời cơ quan chức năng cũng phải quan tâm đến mức độ hài lòng của người dân về nội dung trả lời của mình để có sự điều chỉnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho rằng, mặt làm được (giải quyết kiến nghị cử tri đạt tỷ lệ 80%) cần tiếp tục phát huy. Đối với tỷ lệ 20% kiến nghị của cử tri chưa giải quyết, phải hết sức nghiêm túc, mổ xẻ nguyên nhân xem vấn đề nằm ở đâu để khắc phục. Đặc biệt, phải nghiêm túc trong cách trả lời kiến nghị của dân; thông tin kết quả giải quyết cho dân một cách kịp thời, rõ ràng, có trách nhiệm. Việc tiếp nhận kiến nghị cử tri không chỉ qua văn bản mà phải tăng cường tiếp xúc trực tiếp để cảm nhận, thấu hiểu được bức xúc của người dân. Có như vậy người cán bộ mới sốt ruột cùng với vấn đề của dân mà đẩy nhanh quá trình giải quyết. Đối với những vấn đề giải quyết khó cần tăng cường công tác phối hợp các cấp, các ngành. Khi không thể trả lời ngay tất cả những kiến nghị của dân thì phải đề ra lộ trình thực hiện và cũng thông báo cụ thể để dân đỡ sốt ruột, tránh trường hợp để ý kiến của dân đi vào im lặng làm mất lòng tin trong dân đối với chính quyền. Đồng thời, phải xem nhiệm vụ giải quyết kiến nghị cử tri là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, khen thưởng hàng năm đối với cơ quan chức năng liên quan.
Vân Anh