Vụ án tình báo Nada Nadim Prouty

Hezbollah cài điệp viên vào tình báo Mỹ?

Hezbollah cài điệp viên vào tình báo Mỹ?

Richard Clarke - nguyên giám đốc Cơ quan phòng chống khủng bố thời Bill Clinton - đã nhảy nhổm khi đặt câu hỏi rằng liệu Cơ quan Tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) có bị thâm nhập bởi “điệp viên Hezbollah” hay không. Nhân vật được Richard Clarke đề cập là Nada Nadim Prouty, người vừa bị mang ra tòa vào ngày 13-11-2007 tội “nhập cư bất hợp pháp”.

Từ FBI đến CIA

Hezbollah cài điệp viên vào tình báo Mỹ? ảnh 1

Trái sang: Talil Khalil Chahine, lãnh tụ Hezbollah Muhammad Hussein Fadlallah và Nada Nadim Prouty

Tội danh Nada Nadim Prouty không thể hiện hết bản chất sự việc. Newsweek (26-11-2007) cho biết, lần đầu tiên Prouty đến Mỹ từ Lebanon là năm 1989, bằng visa sinh viên không định cư có giá trị một năm. Lúc đó, Prouty 19 tuổi và sống với người chị/em tên Elfat Al Aouar tại Taylor (bang Michigan), ngoại ô Detroit. Khi visa hết hạn, Prouty kết hôn với công dân Mỹ Michael Deladurantaye vào hè năm 1990. Công tố viên Mỹ cho biết cuộc hôn nhân là bất hợp pháp bởi thời điểm đó Deladurantaye không một xu dính túi và Prouty phải trả tiền để đương sự cưới mình cốt được nhập tịch hợp pháp.

Tháng 5-1992, Prouty kiếm sống bằng nghề phụ bàn tại tiệm La Shish (chuỗi gồm 15 nhà hàng Trung Đông tại khu vực Dearborn Michigan gần Detroit). Quản lý nhà hàng La Shish là Elfat và ông chủ không ai khác hơn là người anh/em rể tên Talil Khalil Chahine (chồng Elfat), người gốc Lebanon từng làm việc cho hãng xe Ford. Năm 1994, Prouty được nhập tịch Mỹ.

Một năm sau, cô ly dị Deladurantaye. Tháng 4-1999, với tên giả “Nada Nadim Alley”, Prouty xin vào làm cho FBI, thuộc bộ phận “chương trình ngôn ngữ” được thiết kế nhằm tuyển mộ điệp viên nói tiếng Arab. Tất nhiên Prouty phải trải qua loạt kiểm tra nhân thân quy mô và chuyên nghiệp trong đó có máy phát hiện nói dối trước khi được FBI tuyển. Tiếp đó, Prouty được bổ nhiệm đến văn phòng FBI tại Washington DC, nơi cô phụ trách điều tra tội phạm nhằm vào công dân Mỹ ở nước ngoài.

Chuyện bắt đầu nhuốm mùi gián điệp khi Prouty bí mật thâm nhập kho dữ liệu máy tính FBI để tìm không chỉ thông tin về thân nhân mình mà còn cả hồ sơ mật liên quan Hezbollah. Ấy vậy, hành tung ám muội của Prouty vẫn qua mặt được hàng rào bảo mật FBI và năm 2003, cô thậm chí được CIA sử dụng để phỏng vấn tù binh tại Baghdad. “Rõ ràng, có gì đó bị vỡ trong hệ thống để cho phép cô ấy (Nada Nadim Prouty) thâm nhập và duy trì đặc quyền được tiếp xúc hồ sơ mật trong thời gian dài” - bình luận của nhà phân tích an ninh John Brennan thuộc hãng tin CBS.

“Vụ này cho thấy tầm quan trọng của tiến trình điều tra nhân thân” - bổ sung của chánh án Stephen J. Murphy - “Thật khó tưởng tượng được có mối đe dọa nào lớn hơn việc người nước ngoài dùng thủ đoạn để được cấp quốc tịch rồi thâm nhập vào vị trí nhạy cảm trong Chính phủ Mỹ”. Do Prouty được FBI tin dùng, CIA cứ thế mà sử dụng cô (một phần nhờ nhân thân là Hồi giáo Shiite của đương sự)… Sự việc bắt đầu thêm phần hấp dẫn khi người anh/em rể Chahine trở thành mục tiêu điều tra FBI với tội tình nghi chuyển hàng triệu đô la từ chuỗi nhà hàng La Shish cho một tổ chức từ thiện liên quan Hezbollah tại Lebanon.

Năm 2002, Khalil Chahine có lần đến Lebanon với sứ mạng quyên tiền và từng ngồi cạnh Muhammad Hussein Fadlallah, nhân vật có thời là lãnh tụ tinh thần của Hezbollah, kẻ bị Mỹ chính thức quy kết là tội phạm khủng bố sau khi xảy ra vụ đánh bom liều chết kinh hoàng vào doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ tại Beirut năm 1983. Tại chương trình quyên góp nói trên, Chahine lẫn Fadlallah đều là diễn giả chính và sau đó hai người tổ chức hội thảo riêng. Khi FBI xét nhà Chahine, họ thấy bức hình chụp Chahine cùng vợ đứng trước một đồn quân sự (tại vị trí sau này xảy ra cuộc đọ súng giữa Hezbollah và quân đội Israel), dưới huy hiệu truyền thống Hezbollah.

Nhuốm màu sắc chính trị

Ngày 4-6-2003, Prouty lại đột nhập vào máy tính FBI và biết rằng FBI đang điều tra tội trốn thuế của vợ chồng Chahine. Không lâu sau, Prouty rời FBI và bắt đầu làm việc cho Cục Chiến dịch mật của CIA. Năm 2005, Cục Di trú và nhập tịch Hoa Kỳ bắt đầu sờ gáy nhà hàng La Shish tội trốn thuế. Lúc đó, Chahine đã cao bay xa chạy (hiện có thể náu thân ở Lebanon). Tháng 5-2006, Elfat Al Aouar bị kết án một năm rưỡi tù.

Khi thụ lý vụ án Nada Nadim Prouty, công tố viên Eric M. Straus từng dọa xử đương sự 16 năm tù và 600.000 USD tiền phạt. Tuy nhiên, điều tra lại không cho thấy Prouty chuyển thông tin mật nào cho Hezbollah và do đó cô chỉ bị xử tội nhập cư trái phép. Ngày 6-11-2007, Prouty xin từ chức khỏi CIA và ngày 13-11, cô bị kết luận “có tội” (bản án cụ thể chưa được nêu - tính đến hạ tuần tháng 11-2007).

Vấn đề có lẽ chưa dừng lại. Một cựu viên chức tình báo Mỹ cho biết vào năm 2005, mình từng nghe việc Prouty có dấu hiệu nói dối khi bị kiểm tra bằng thiết bị phát hiện nói dối. Ấy vậy sự nghiệp “điệp viên” của cô vẫn được tiếp tục! Chuyện còn được mở rộng với chi tiết liên quan Viện Hoa Kỳ-Arab (AAI), tổ chức chính trị cực mạnh được thành lập năm 1985 (bởi tiến sĩ Hồi giáo học James Zogby), có trụ sở tại Washington DC, nơi chuyên tổ chức thu hút lá phiếu cử tri Mỹ gốc Arab.

Mới đây, ngày 27-10-2007, AAI tổ chức một hội thảo quốc gia tại Dearborn Michigan, với chủ đề “Bảo vệ Hiến pháp Mỹ”. Hơn 600 người Mỹ gốc Arab từ khắp nước Mỹ đã tham dự. Ngoài ra, còn có các ứng cử viên tổng thống như Bill Richardson, Dennis Kucinich, Mike Gravel và Ron Paul (trong khi các ứng cử viên tổng thống khác, Hillary Clinton, Barack Obama và John Edwards, tham gia qua kỹ thuật hội thảo video). Ít người biết rằng chuỗi nhà hàng La Shish từng tài trợ cho các hội thảo tương tự của AAI!.

Mạnh Kim

Tin cùng chuyên mục